Giật mình chuyện giáo dục giới tính
Học cách nói với con về giới tính
Chị Lê Thu Lan (Cầu Giấy - Hà Nội) tá hỏa khi thấy sách giáo khoa sức khỏe lớp 5 đã có nội dung giáo dục giới tính với những "thứ" như tinh trùng, trứng, kinh nguyệt, bào thai… Cô con gái 10 tuổi của chị vẫn chưa vào tuổi dậy thì, cháu không hiểu "tinh trùng" là cái gì và rất hoảng sợ khi biết con gái lớn lên sẽ bị "chảy máu" hàng tháng.
Trước đây, báo chí đã viết rất nhiều về chuyện học sinh không được giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản đầy đủ, sách giáo khoa viết sơ sài, thầy cô thì ngại giảng giải… Nhưng bây giờ, giáo dục giới tính khi những hiện tượng này chưa xảy ra với cơ thể các bé, liệu có quá sớm, quá "sỗ sàng" hay không?
Đem băn khoăn của chị Lan cũng như rất nhiều ông bố bà mẹ về chuyện giáo dục giới tính cho con - để đi hỏi chuyên gia, chúng tôi nhận được những câu trả lời bất ngờ. Nếu đợi đến khi trẻ đã dậy thì, khi cơ thể trẻ đã có khả năng quan hệ tình dục, thụ thai… mới giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản thì sẽ là muộn.
Nhưng giảng giải về cơ thể người, về tình dục như thế nào để trẻ ở lứa tuổi nhỏ có thể hiểu được, trẻ không thấy mơ hồ, cũng không thấy hoảng sợ và tò mò quá mức… thì nhiều phụ huynh thực sự băn khoăn. Có rất nhiều bậc cha mẹ có thể cười đùa, tếu táo thoải mái xoay quanh chuyện tình dục với bạn bè, đồng nghiệp, nhưng khi ngồi trước mặt con giải thích thì rất bối rối, ngượng ngùng.
Hóa ra, làm thế nào để nói về tình dục với con trẻ một cách nghiêm túc, cởi mở là điều không hề dễ và cần phải học. Ngay cả với thầy cô giáo, có lẽ không phải ai cũng biết cách truyền đạt được nội dung bài giảng giới tính cho học sinh.
Quan điểm của cả xã hội về giáo dục giới tính đã có nhiều thay đổi tích cực, nhưng hiệu quả thiết thực của sự thay đổi đó với trẻ em thì dường như vẫn chưa biến chuyển như mong muốn.
Muốn học được cách nói về cơ thể người, về tình dục một cách nghiêm túc, cởi mở, thì trước hết, mỗi bậc phụ huynh cần trang bị cho mình kiến thức liên quan tới tình dục. Với những người đã từng trải qua các quá trình từ hẹn hò yêu đương, đến kết hôn và sinh con, nếu nói chưa hiểu biết về tình dục, có lẽ nhiều người sẽ phản đối.
Pháp luật quy định về lứa tuổi được phép kết hôn, nhưng trên phương diện khoa học, không có quy định nào về lứa tuổi được quan hệ tình dục.
Một người chỉ nên có quan hệ tình dục khi hội đủ những tiêu chí về sự chín muồi tình dục. Đó là khi bạn thật sự có ham muốn tình dục; hiểu biết rõ về tình dục và cơ thể mình; hiểu rõ những nguy cơ và hậu quả có thể gặp phải khi quan hệ tình dục; biết cách tránh thai, cách phòng bệnh lây qua đường tình dục; biết rõ bạn tình cũng có suy nghĩ và hiểu biết như bạn.
Dựa theo những tiêu chí này, rất có thể, một người dưới 18 tuổi đã trưởng thành về tình dục và chưa hẳn những người lớn tuổi, đã có quan hệ tình dục, sinh con là đã chín muồi về tình dục. Chính vì thế, có một nghịch lý là nhiều khi chính cha mẹ cũng chưa hiểu rõ về tình dục, lại e ngại, né tránh nói cho con trẻ và không theo kịp những thông tin về giới tính ngoài luồng mà trẻ con rất dễ tìm kiếm được.
Trong điều kiện không có nhiều tài liệu, trường lớp nào hướng dẫn về cách giáo dục giới tính cho từng lứa tuổi của trẻ, việc phụ huynh tự trau dồi kiến thức hoặc tìm tới chuyên gia tư vấn là rất quan trọng.
Có hay không "thế hệ 9x và cuộc cách mạng tình dục" ?
Gần đây, một số tờ báo trong nước và cả quốc tế đã nhiều lần đề cập tới đề tài "thế hệ 9X và cuộc cách mạng tình dục" ở Việt Nam. Theo đó, lứa tuổi 9X được nhìn nhận là đã dám thể hiện những bứt phá đã có từ "thế hệ nháp 8X" và đang có những ứng xử tình dục rất khác so với thế hệ cha mẹ vốn sinh ra và lớn lên trong chiến tranh.
Hàng loạt vấn đề của lứa tuổi 9X được mổ xẻ như tự do thoải mái trong quan hệ tình dục, học sinh đi nhà nghỉ, tình trạng nạo phá thai trong lứa tuổi học đường, những nhóm nam nữ làm tình tập thể…
Một tờ báo quốc tế uy tín còn khẳng định có một "cuộc cách mạng tình dục" âm thầm nhưng không kém phần dữ dội đang thực sự diễn ra trong thế hệ 9X. Có không ít những hình ảnh, tư liệu về những hành xử của lứa tuổi này sẽ khiến nhiều bậc cha mẹ bàng hoàng, nổi giận hoặc bất bình.
TS Khuất Thu Hồng, Đồng Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội - là người có nhiều ý kiến tâm huyết với công tác giáo dục giới tính cho trẻ em. Trước hàng loạt những cách hành xử tự do về tình dục của thanh thiếu niên - theo chị - "chúng ta đừng quá hoảng hốt!".
Cách ứng xử của các em đã phần nào cho thấy một thực tế là các em đang thiếu những thông tin chính thống về sức khỏe sinh sản, trong khi sự tò mò giới tính luôn luôn hiện hữu và phim ảnh, sách truyện "đen" đang đầy rẫy trên mạng.
Đừng nghĩ đơn giản, tự do quan hệ tình dục là xấu, là đua đòi theo lối sống phương Tây. Bởi ngay cả ở các nước sau khi diễn ra cuộc cách mạng tình dục rầm rộ vào thế kỷ XX, có nhiều giá trị đã được xác lập lại, quyền tự do của con người được đề cao, nhưng có những giá trị vẫn trường tồn và khiến người ta biết trân trọng hơn nữa.
Đó là lòng chung thủy, tình yêu thương và trách nhiệm với gia đình, con cái. Xưa nay, không ít người Việt thường cho rằng, người phương Tây rất thoải mái và coi chuyện tình dục "nhẹ như lông hồng", nhưng trên thực tế, đời sống tình dục của họ cũng gặp phải các vấn đề mâu thuẫn ý kiễn giữa cha mẹ - con cái, bị sức ép dư luận, ảnh hưởng giáo lý tôn giáo… như chúng ta.
Chúng ta cũng thường tự cho rằng, Việt
Trong tiến trình phát triển chung của xã hội, những gì không còn phù hợp sẽ bị đào thải là điều tất yếu. Trong đó, đời sống tình dục không phải là một ngoại lệ. Nhưng cũng đừng lo sợ về việc trong hiện tại hay tương lai, sẽ có một cuộc cách mạng tình dục xảy ra trong giới trẻ, sẽ phủ nhận sạch trơn các giá trị truyền thống và chúng ta sẽ "hòa tan" với thế giới, vì bản thân giá trị cốt yếu của gia đình, lòng chung thủy trong văn hóa mỗi quốc gia đã không thể bị phủ nhận trong quy luật phát triển xã hội.
Hoa hồng giấu trong cặp sách
Trở lại với sự bối rối của các bậc cha mẹ trong việc giáo dục giới tính cho con, chúng tôi xin mượn câu chuyện của chính TS Khuất Thu Hồng trong vai trò người mẹ thay cho lời kết bài viết.
Trong gia đình chị, mọi câu hỏi của các con, các cháu, ngày từ 3-4 tuổi đều được xem là bình thường và được giải đáp, trò chuyện cởi mở, hài hước. Chị chủ động mua những cuốn sách như “Hoa hồng giấu trong cặp sách”, “Bách khoa phụ nữ trẻ”… để trên bàn học của con. Mặc dù cháu không đọc trước mặt chị, nhưng chị biết chắc chắn sẽ có lúc cháu mở ra xem và có thể đã "thỏa mãn" với nội dung sách, nên các con chị ít khi tò mò hỏi mẹ về giới tính.
Một lần, chị phát hiện cậu con trai 15 tuổi và mấy cậu bạn xem web "đen", chị giải thích với cháu: "Con có thấy là mấy web đó đều giống nhau và xem như thế là đủ biết rồi không?", con trai chị gật đầu công nhận. Cha mẹ không né tránh và không thể cấm đoán con cái trong chuyện giáo dục giới tính, giúp con đủ hiểu biết để tự biết đâu là điểm dừng mới là điều quan trọng