Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, bước vào tuổi 95

Chủ Nhật, 12/09/2010, 17:05
Tháng 9 này, GS. AHLĐ Vũ Khiêu bước vào tuổi 95. Ở cái tuổi sắp bách niên nhưng như Giáo sư nguyện rằng "từ đây cho đến lúc xuôi tay, tôi sẽ không có một ngày nào nghỉ".

Tại Đại hội thi đua của Thủ đô Hà Nội diễn ra tháng 8/2010 vừa qua, GS. AHLĐ Vũ Khiêu vinh dự được thành phố trao tặng danh hiệu "Người công dân tiêu biểu của Thủ đô". Nhân dịp này, Báo CAND có bài viết về GS Vũ Khiêu - một công dân tiêu biểu, một "triết gia trong cách mạng - nghệ sĩ giữa anh hùng".

Vẹn trung với Đảng, vẹn nghĩa với quê hương

Vừa là người cùng quê, thêm công việc làm báo, hơn chục năm nay, tôi may mắn thường xuyên được tiếp xúc với GS Vũ Khiêu. Dù vậy, mỗi lần gặp là mỗi lần tôi nhận thấy thêm ở ông một con người uyên thâm về trí tuệ, gần gũi, cởi mở bao dung trong giao tiếp.

Tôi không dám và cũng không có ý định đánh giá, nhận xét về ông, mà chỉ xin dẫn ra mấy phác họa quá trình hoạt động cách mạng cũng như  gắn bó với quê của ông mà tôi biết được, bạn đọc có thể thấy được phần nào ở ông, một chiến sĩ cách mạng, nhà triết học, nhà văn hóa…

Ba trong nhiều câu đối GS Vũ Khiêu viết

- Câu đối thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đền liệt sĩ huyện Xuân Trường, Nam Định:

Nối nghiệp Hùng Vương: Giữ vững sơn hà cho vạn thế

Theo gương Các Mác: Sáng ngời trí dũng trước năm châu

- Câu đối tại đền thờ đồng chí Trường Chinh:

Góp gió Ba Mươi, biển cách mạng năm vùng nổi Sóng

Giương cờ Tháng Tám, trời tự do muôn thuở rực Hồng.

- Câu đối mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

Thăng Long thiên tuế thịnh

Đại tướng bách niên xuân

GS Vũ Khiêu từng hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhưng như ông đã nêu lên 5 lĩnh vực công tác ông từng hoạt động, đó là công tác Đảng, dân vận, chính quyền, quân đội và đối ngoại.

Những năm chiến tranh, ông không chỉ tham gia phong trào quần chúng ở vùng rừng núi Tây Bắc, vùng tạm chiếm mà còn được giao nhiều công tác quan trọng như Giám đốc Sở Thông tin khu X, khu XIV, khu Tây Bắc, Việt Bắc; Phó Tổng Giám đốc TTXVN, Phó Chủ nhiệm UBKHXH. Ông đã từng làm Phó ban Tổ chức Khu ủy Tây Bắc, ủy viên Ban Tuyên huấn thuộc Đảng ủy Mặt trận từ chiến dịch Trung du đến chiến dịch Điện Biên Phủ, giúp việc các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Trần Đăng Ninh…

Về hoạt động đối ngoại, ông có nhiều đóng góp, trong đó từng làm Trưởng đoàn Việt Nam tại Hội thảo phong tặng Hồ Chí Minh là con người hòa bình; sáng lập viên tham gia Thành hội xã hội học các nước XHCN; giúp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên điều hành nhiều hội thảo quốc tế của UNESCO thế giới tại Việt Nam; cùng Giám đốc Trường Viễn đông Bác cổ Pháp chủ trì nhiều cuộc hội thảo về Nho giáo tại Việt Nam và Paris; được nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Chủ tịch Hội Khổng học thế giới mời làm cố vấn của hội…

Bước vào hoạt động cách mạng trong những ngày gian khó; trưởng thành trong đấu tranh và kinh qua nhiều chức vụ khác nhau đã tôi luyện nên một chiến sĩ Vũ Khiêu mà ngay từ lâu như GS Trần Văn Giàu đã viết: "Chung sức đấu tranh trên trận tuyến Tư tưởng Mác - Lênin - Hồ Chí Minh". Mấy thông tin ngắn gọn trên, tôi ngõ hầu những ai yêu quý GS thêm biết về ông.

Nhiều năm nay, hầu như cuộc gặp mặt đầu xuân nào của Hội đồng hương Xuân Trường (Nam Định) sống tại Hà Nội, tôi cũng có mặt. Và cũng từng đấy lần tôi thấy sự hiện diện của GS Vũ Khiêu. Ông không chỉ là niềm tự hào của những người con quê hương mà đặc biệt còn là sự quan tâm của nhiều bạn sinh viên Xuân Trường đang học tập tại Hà Nội.

Trong các buổi gặp mặt bao giờ Giáo sư cũng được mời phát biểu. Bước chân của Giáo sư lên bục không còn nhanh, động tác đã chậm rãi, nhưng giọng nói, và đặc biệt là thông tin trong bài nói của ông vẫn lôi cuốn. Ông không lên lớp, không chỉ đạo, mà bằng những lời tâm tình với trách nhiệm của một người con quê hương động viên, góp ý mong sao kinh tế, xã hội của quê nhà phát triển tốt. Bao giờ ông cũng dành thời gian nói về chuyện học hành cho con trẻ; chuyện học nghề cho lao động lúc nông nhàn và chuyện phải học cách làm tốt, kinh nghiệm hay của các địa phương, vùng miền khác…

Dù nói quá khứ hay hiện tại, chuyện cũ hay mới, ông thường khơi dậy trong mỗi người về lòng tự hào của mảnh đất thành Nam, nơi Phủ Xuân Trường, hiếu học và giàu truyền thống cách mạng để mỗi người tự suy nghĩ. Cái cốt cách ấy có lẽ xuất phát từ cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Đi theo cách mạng, hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn của chiến tranh nhưng ông đã tự học, tự nghiên cứu để trở thành nhà khoa học, nhà văn hóa…

Giáo sư Vũ Khiêu và tác giả.

Không hiểu có chủ quan, nhưng tôi nhận thấy khoảng mươi năm gần đây khi tuổi càng cao, GS Vũ Khiêu càng chăm chút cho quê hương. Những chuyến đi của ông về quê càng mau hơn. Không chỉ quê hương Xuân Trường mà Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Hải Hậu… nơi đâu xây đền liệt sĩ là tìm đến nhờ ông viết câu đối, hoành phi, văn bia.

Có lần tôi hỏi chuyện, Giáo sư bảo, có những câu đối viết tương đối nhanh, nhưng có lúc nghĩ mãi không ra, thế là lại đem Khổng Tử ra đọc. Đêm đến khi giấc ngủ chập chờn, chữ thánh hiền hiện về, thế là ông lại ngồi dậy để ghi lại. Cứ như vậy, có khi hàng tháng trời mới viết xong những câu đối, bài minh ở một đền liệt sĩ hay khắc trên quả chuông…

Ấy là công việc, còn trong đời thường, hình như tôi cảm thấy ông ít quên những ai ông đã từng gặp. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi đến thăm, khi chuyện trò ông đều gọi chúng tôi là cô, chú (dù tôi chỉ đáng tuổi con thứ của ông).

Rồi ông hỏi việc gia đình, việc học hành của các cháu và không quên nhắc đến một số người quen như bác Vũ Xuân Kiều, anh Mẫn, anh Nam Cường… và những người cùng quê lâu ông không có thông tin. Ông là vậy, một con người cởi mở, bao dung, luôn tri ân bè bạn, như ông từng viết về người bạn đời của mình đã đi xa: "Mưa gió từng vui ba chén cám. Trúc mai hãy rót một ly vàng", "Nửa mảnh trăng tà soi lạnh gối. Một nhành mai nhỏ thức thâu canh".

Con tằm vẫn nhả tơ

GS Vũ Khiêu được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, năm 2000, khi đó ông đã 85 tuổi. Cái tuổi quý hiếm ấy không nhiều người chúng ta còn may mắn sống trên dương gian, hoặc giả cũng nghỉ ngơi vui thú cùng con cháu. Nhưng với GS Vũ Khiêu thì không. "Vào tuổi 85 được nhận danh hiệu Anh hùng, tôi nghĩ rằng đã là anh hùng, thì sao có thể có ngày nghỉ. Tôi lại quyết tâm trở về với công việc và nguyện rằng từ đây cho đến lúc xuôi tay, tôi sẽ không có một ngày nào nghỉ?" như ông từng nói.

Nhìn bảng thống kê đầu của  NXB Hà Nội về những ấn phẩm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà người chịu trách nhiệm biên soạn, tư vấn… đề tên GS Vũ Khiêu tôi thật sự bị choáng. 10 năm qua, công việc của GS Vũ Khiêu đầu tư cho những ấn phẩm văn hóa, tôi nghĩ đến những nhà khoa học ở độ tuổi 50, 60 cũng khó làm được chứ chưa nói tới người như ông ở những tuổi 90. Tôi đặc biệt chú ý đến bộ sách 3 tập, với 2.400 trang của ông mang tên Văn hiến Thăng Long.

Một bộ sách khá đồ sộ là những trang bút ký của ông về Thủ đô mà hàng ngày ông ghi chép lại. Như Giáo sư nói: "Đây là một đề tài tôi không đăng ký với bất cứ một cơ quan hay NXB nào. Đây chỉ là một đề tài mà trái tim tôi tự giao trách nhiệm cho tôi để phục vụ cho Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến".

Đề tài Thăng Long - Hà Nội là mảng GS Vũ Khiêu dành nhiều tâm huyết và sức lực. Với ông, công việc là niềm vui, là rèn luyện cả trí tuệ và sức khỏe. Khi nhận danh hiệu "Người công dân tiêu biểu của Thủ đô", GS Vũ Khiêu tâm sự: "Với danh hiệu cao quý này, tôi lại không thể nghỉ ngơi được nữa. Năm nay tôi đã 95 tuổi, nếu trời cho thọ tới 100 tuổi thì tôi vẫn còn 5 năm để sống và làm việc. Tôi dồn hết tâm huyết để tiếp tục phục vụ Tổ quốc, phục vụ Thủ đô".

Điều đó là hoàn toàn có thể, như GS Trần Văn Giàu, đã 100 tuổi, là người bạn tri âm của GS Vũ Khiêu viết: "Tôi chắc rằng chiến sĩ Vũ Khiêu luôn thanh thản, vẫn vì nước quên mình và bao giờ cũng quan tâm tới văn hóa, triết lý, nghệ thuật mà anh hết lòng phục vụ, 100 tuổi có dư…".

Chắc nhiều người còn nhớ bài văn tế Vua Hùng, GS Vũ Khiêu viết do NSND Lê Tiến Thọ trình bày trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương mới đây, làm trào dâng cảm xúc tự hào của hàng triệu con tim nước Việt với tổ tiên. Thêm nữa nhiều bài văn bia, văn tế, hoành phi, câu đối ở các đền liệt sĩ, bia đá, quả chuông nhằm ca ngợi các anh hùng dân tộc, các liệt sĩ ngã xuống vì Tổ quốc mà GS Vũ Khiêu đã viết không thể thống kê.

Vĩ thanh

Đã có hàng trăm bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo… về GS Vũ Khiêu và những đóng góp của ông trong các lĩnh vực triết học, mỹ học, văn học, nghệ thuật…

Vũ Khiêu (ngoài cùng bên phải) cùng mẹ và 4 người em (ảnh chụp năm 1930).

Nhân dịp Giáo sư mừng thọ 95 tuổi, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những bạn bè và cả học trò của GS Vũ Khiêu có những lời nhận xét, chúc thọ ông hết sức chân tình, gần gũi và kính trọng. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết: "Bác Vũ Khiêu là nhà hoạt động xuất sắc trên nhiều lĩnh vực khoa học nhân văn với những đề tài đã ghi đậm dấu ấn không những đối với các nhà khoa học trong nước mà cả với những nhà khoa học nước ngoài và đông đảo các tầng lớp nhân dân…".

Theo GS Trần Văn Giàu thì: "Anh ấy có nhiều tư tưởng sâu về triết học, văn hóa và nghệ thuật. Con người của Vũ Khiêu, thoạt trông đã mến rồi, đã tin được rồi. Tôi thấy Vũ Khiêu có cái trán cao, hai mắt sáng, trán và mắt của trí giả, có cái miệng bao giờ cũng như mỉm cười, ấy là con người cởi mở, bao dung và dễ hầu chuyện, thâm mà không hiểm…".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề câu đối tặng GS Vũ Khiêu: "Triết gia trong cách mạng. Nghệ sĩ giữa anh hùng".

Cuối cùng tôi xin mượn hai câu của đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa gửi tặng GS Vũ Khiêu để kết thúc bài viết này: "Hai bàn tay trắng không vương bụi. Một tấm lòng son ở với đời".

Bằng bài viết này của mình, coi đây là món quà mọn tôi xin chúc thọ GS Vũ Khiêu 95 tuổi. Với tôi nếu có nói về ông, tôi chỉ có một từ là: kính trọng

P.V.M.
.
.
.