Giao mùa, số trẻ nhập viện tăng vọt
Nhiều bệnh viện gia tăng trẻ nhập viện
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu tháng 10 đến nay, số lượng bệnh nhi đã tăng vọt lên hơn 2.000-2.300 trẻ đến khám mỗi ngày. Trong khi ngay ở thời điểm giữa và cuối tháng 9, số trẻ đến khám chỉ dao động khoảng 1.300-1.600 trẻ/ngày.
Bác sỹ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sự thay đổi thời tiết khiến lượng vi khuẩn và virus trong môi trường thay đổi, dễ khiến trẻ mắc bệnh. Nhiều trẻ có biểu hiện ho nhiều, có đờm, chảy nước mũi, xổ mũi, hắt hơi, đau họng, trẻ nhỏ bỏ bú…
Cùng với số trẻ khám gia tăng, trẻ nhập viện cũng tăng theo, dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện càng nặng nề. Hiện nhiều khoa trong bệnh viện như Hô hấp, Tiêu hóa, Sơ sinh… đang quá tải trầm trọng, với 2-3 bệnh nhi nằm ghép một giường. Trong đó, khoa Hô hấp vẫn dẫn đầu về số lượng đông bệnh nhi với 120 trẻ điều trị nội trú.
Tại Bệnh viện Xanh Pôn, bác sỹ Vũ Thị Thúy Lan, Trưởng khoa Hô hấp Nhi cũng ghi nhận số trẻ nhập viện có xu hướng tăng lên. Hiện mỗi ngày có khoảng 100 trẻ đến khám và nhập viện. Trong khi trước đó, chỉ có khoảng 20 hoặc nhiều nhất là 80 trẻ đến khám mỗi ngày. Nhiều trẻ mắc các bệnh đường hô hấp với biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, viêm phế quản… Trẻ bị hen cũng có dấu hiệu tăng lên. Hầu hết các trường hợp trẻ thường bị bệnh nhẹ, thời gian điều trị ngắn. Tuy nhiên, có nhiều trẻ nhỏ dưới 6 tháng phải nằm viện lâu do khó uống thuốc, thậm chí phải thở máy.
Thời tiết ngày nóng, sáng - tối lạnh khiến rất nhiều trẻ nhiễm bệnh. (Ảnh: T.L). |
Còn tại Bệnh viện Tai - mũi - họng Trung ương, số người tới khám hằng ngày đã tăng lên tới 600-700 người, trong đó có nhiều trẻ em. Điều đáng nói là bệnh nhân tới khám ở thời điểm này chủ yếu do các bệnh lý mũi - họng cấp tính.
Theo bác sỹ Nguyễn Tuyết Mai, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Tai - mũi - họng Trung ương, có nhiều trẻ nhập viện muộn, bệnh diễn biến nặng hơn khiến thời gian điều trị kéo dài, tốn kém chi phí mà hiệu quả lại kém hơn. Có trẻ bị viêm mũi họng, nhưng phụ huynh không để ý giai đoạn ban đầu nhiễm bệnh, khi đưa trẻ vào viện thì đã chuyển thành viêm tai giữa cấp, viêm tai thanh dịch, khiến sức nghe kém dần, thậm chí chảy mủ tai gây viêm xương chũm, buộc trẻ phải phẫu thuật.
Phòng bệnh hô hấp khi giao mùa
Bác sỹ Nguyễn Tuyết Mai, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tai - mũi - họng Trung ương phân tích, do biên độ nhiệt độ trong ngày hiện chênh nhau khá lớn, cơ địa nhiều người, nhất là trẻ em không thích ứng kịp và nếu không phòng tránh bệnh tốt thì sẽ rất dễ bị viêm tai mũi họng cấp. Do đó, nếu thấy trẻ có biểu hiện viêm mũi - họng dị ứng, hắt hơi nhiều, xuất hiện mủ đặc, phụ huynh nên chú ý hút mũi, xông họng để làm sạch đường thở, giảm bớt chất nhầy tồn đọng, hỗ trợ quá trình lành bệnh. Tuy nhiên, nên lưu ý tránh lạm dụng các dụng cụ hút mũi, xông họng, vì việc xông mũi - họng chủ yếu tác động vào xoang mũi, nên nếu xông kéo dài, nhiều lần sẽ gây hỏng niêm mạc vùng mũi - họng của trẻ vốn chưa phát triển hoàn thiện.
Bác sỹ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong thời điểm giao mùa này, không khí hanh khô, ngày nắng, sáng và tối lại lạnh, đường hô hấp của trẻ rất nhạy cảm với thời tiết, khả năng miễn dịch lại chưa tốt, nên rất dễ nhiễm bệnh. Do đó, cần lưu ý giữ cho không khí trong nhà sạch sẽ, vệ sinh thân thể cho trẻ, tránh để trẻ chơi đùa, ra ngoài vào thời điểm thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Lưu ý giữ ấm cho trẻ, nhất là buổi sáng và tối, vì có thể nhiệt độ mát, dễ chịu, nhưng biên độ nhiệt trong ngày chênh lệch lớn. Trẻ cũng dễ bị lây chéo bệnh từ người lớn trong gia đình, nên cha mẹ còn cần lưu ý phòng bệnh cho chính mình. Ngoài ra, khói bụi nhiều trong không khí xung quanh cũng có thể khiến trẻ dễ bị bệnh hô hấp. Nên lưu ý tránh khói bụi cho trẻ khi đi đường