Giáo dục tiểu học: Cần một sự đột phá quyết liệt
Hội thảo có sự tham dự của tất cả các trường tiểu học cũng như Phòng Giáo dục các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tham gia với tổng cộng 61 tham luận. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của các tỉnh, thành như
Mở đầu buổi Hội thảo, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh Huỳnh Công Minh chia sẻ về "những điều trông thấy" trong giảng dạy tiểu học hiện nay. Ông cho biết: TP Hồ Chí Minh hiện có 1.166 cán bộ quản lý và 13.424 giáo viên tiểu học đang ra sức xây dựng những ngôi trường đạt chuẩn thời đại cho giáo dục tiểu học, nhưng mô hình nhà trường ấy không dễ dàng chút nào vì những khó khăn hết sức cơ bản và nặng nề từ một quan niệm giáo dục xưa cũ, không còn phù hợp với thời đại ngày nay.
Cơ sở vật chất nhà trường được xây dựng để dạy cho số đông hơn là dạy cho cá thể, sĩ số trong lớp cao và không có hệ thống cho học sinh hoạt động cả ngày. Nội dung chương trình thì quá tải, nặng hàn lâm, ít thực hành, thiếu thực tế, thiếu cơ động, khó thay đổi. Vấn đề đào tạo theo phương pháp nặng "thông tin" nhẹ "hướng dẫn" đã ăn sâu thành quán tính nặng nề trong mỗi giáo viên, không dễ đổi mới một sớm một chiều…
Điều này dẫn tới quan hệ thầy, trò từ đó mà áp đặt, hành chính hơn là hợp tác, chia sẻ, thuyết phục. Trong quá trình dạy và học thì chúng ta mới chỉ dừng ở phần nói mà chưa có sự thực hành. Đây chính là những "hòn đá tảng" đã ngăn sự phát triển của tiến trình đổi mới giáo dục và sự sáng tạo trong quá trình tổ chức quản lý và dạy học tiểu học ở TP Hồ Chí Minh.
Từ thực tế trên, ông Huỳnh Công Minh chia sẻ: Để mỗi ngày tới trường của các em là một niềm vui thì trong giáo dục tiểu học, thầy cô giáo phải có sự yêu nghề, mến trẻ, am hiểu tâm sinh lý của học sinh, nắm vững nội dung chương trình dạy học để biên soạn, thiết kế giờ dạy khoa học tươi vui và hiệu quả.
Bên cạnh đó, các cán bộ quản lý nhà trường phải là những nhà sư phạm tâm huyết, am hiểu chuyên môn cũng như thương yêu đồng nghiệp… chính điều này sẽ khuyến khích sự sáng tạo trong việc thiết kế nội dung dạy học của giáo viên.
Ông nhấn mạnh, vinh quang thuộc về sự sáng tạo của thầy cô giáo. Còn Tiến sỹ Hồ Thiệu Hùng thì cho rằng, nhà giáo cũng phải là một "bác sĩ điều trị" mà mỗi học sinh là một bệnh nhân. Bên cạnh đó, nhà trường, ngành Giáo dục phải cùng giáo viên đứng lớp đúc kết xem có bao nhiêu loại "bệnh", triệu chứng ra sao… tìm ra thuốc điều trị cho các loại bệnh trong học sinh.
Giáo sư - Tiến sỹ khoa học Hồ Ngọc Đại cũng tâm sự: Hạnh phúc đi học, thực ra, chỉ là được sống bình thường và được phát triển tự nhiên. Hạnh phúc không thể là của cho không. Hạnh phúc không phải là của bắt được giữa đường đời. Hạnh phúc đi học phải do chính các em tự làm ra cho chính mình, không có bất cứ sự cưỡng bức nào. Chỉ có thế thì mỗi ngày tới trường của em mới là một niềm vui.
Cô Nguyễn Thị Lành - Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, quận 3, TP Hồ Chí Minh, với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy nói, để có được niềm vui trong học tập thì giáo viên phải biết trân trọng lắng nghe và chia sẻ cũng như tạo điều kiện cho học sinh được bày tỏ suy nghĩ cũng như quan điểm của mình. Khuyến khích học sinh đề nghị cho hình thức hoạt động học tập.
Làm sao cho các em nhận ra được giá trị của chính mình, mạnh dạn, tự tin… các em học thoải mái và coi lớp học là "tổ ấm". Bản thân giáo viên phải luôn năng động và sáng tạo trong quá trình dạy và tìm hiểu những hình thức mới lạ để thay đổi không khí học tập trong lớp và cũng phải rèn được kỹ năng cho công việc dạy học của mình từ chính các em.
Thiết nghĩ, để làm được những điều trên thì không chỉ riêng Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh mà cần sự phối hợp của tất cả các ban, ngành cũng như Bộ GD&ĐT để tìm được bài thuốc thích hợp cho căn bệnh lỗi thời trong quan niệm về giáo dục tiểu học hiện nay