Gian nan đi tìm con chữ trên rẻo cao

Thứ Năm, 17/09/2015, 10:44
Ở huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, chỉ có duy nhất một trường cấp ba là Trường THPT Tây Giang. Do đó, các học sinh của huyện này khi học xong lớp 9 đều phải về đây học tiếp. Dù được hưởng nhiều chế độ đãi ngộ, song do đường sá đi lại khó khăn nên tỷ lệ học sinh bỏ học ở miền rẻo cao Tây Giang vẫn còn ở mức cao…

Mấy hôm nay, Cơlâu Nách (19 tuổi, trú xã Trhy, huyện Tây Giang) về lại Trường THPT Tây Giang để hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị đi học đại học và cảm ơn thầy cô đã dạy dỗ mình trong những năm qua. Cơlâu Nách năm nay thi đỗ vào ngành Sư phạm Sử, Trường Đại học Sư phạm Huế. Nhớ lại 3 năm học đã qua tại trường, Cơlâu Nách chia sẻ: “Nhà em ở Trhy, cách trường 35km; đường rừng đi lại rất khó khăn. Nhưng, được sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo cho nội trú nên em vẫn bám trường, bám lớp. Trung bình khoảng 2 tháng em mới đi bộ về nhà một lần. Nay em rất mừng khi mình đã thi đậu đại học”.

Cơlâu Nách là một trong những học sinh giàu nghị lực và vượt khó của Trường THPT Tây Giang. Theo lời Cơlâu Nách thì bạn bè em, nhiều học sinh đã phải bỏ học giữa chừng, vì việc học nhiều gian nan, vất vả quá, cũng một phần các bạn nghỉ học ở nhà để giúp đỡ gia đình làm việc nương rẫy. 

Niềm vui của các em học sinh được phát sách vào đầu năm học mới..

Hiện tại, huyện Tây Giang có 4 xã, gồm: Chơm, Gary, Trhy và Axan, giao thông cách trở và xa xôi nhất nên tỷ lệ học sinh các địa phương này bỏ học khá cao. Thầy giáo Trần Văn Thanh, Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Tây Giang, cho biết, bắt đầu vào năm học mới 2015-2016, toàn trường có 1.040 học sinh, song đến ngày khai giảng 5/9 vừa qua chỉ còn lại 938 học sinh. “Chắc phải một thời gian nữa mới biết chính xác có bao nhiêu em bỏ học, vì mới vào năm học nên số lượng học sinh biến động liên tục. Trong đó, tỷ lệ học sinh lớp 10 mới vào trường bỏ học chiếm số lượng lớn…”.

Trước việc tỷ lệ học sinh bỏ học có nhiều diễn biến phức tạp, Trường THPT Tây Giang thường xuyên cử cán bộ, giáo viên xuống tận các thôn, bản; đến từng nhà để vận động học sinh ra lớp. Thậm chí, ngay cả thầy hiệu trưởng, hiệu phó cũng phải băng rừng, vượt suối vào các bản làng xa xôi nơi biên giới để tuyên truyền vận động. Không chỉ vậy, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để các em có môi trường học tập tốt nhất.

Thầy Thanh chia sẻ: “Dù điều kiện nhà trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song tập thể sư phạm nhà trường luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập. Vào đầu năm học chúng tôi đều phát sách vở miễn phí cho học sinh cả 3 khối. Mọi chế độ Nhà nước dành cho các em, chúng tôi đều thực hiện nghiêm túc. Không những vậy, dù trường không thuộc diện trường nội trú, song do đặc thù ở đây nên chúng tôi cũng có khu nội trú riêng, đáp ứng được nhu cầu ăn, ở của các em…”.

Tiếp xúc với các em học sinh “bám lớp” theo đuổi con chữ ở miền rẻo cao này, chúng tôi không khỏi cảm phục những tấm gương vượt khó hiếu học. Như em Alăng Thị Sen, học sinh lớp 10 Trường THPT Tây Giang, tâm sự rằng, nhà em ở bản xa, cách trường gần 20km, đường sá đi lại hiểm trở, phải leo dốc, lội suối, băng rừng; song em vẫn quyết tâm đi học để một ngày không xa sẽ mang cái chữ về dạy lại cho trẻ em ở thôn bản xa xôi của mình…

Ngọc Thi
.
.
.