Giám sát phòng chống dịch cúm A/H1N1 phía Nam

Chủ Nhật, 19/07/2009, 11:07
Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM Trần Ngọc Hữu tỏ ý lo ngại về những biến đổi về dịch tễ trong các ca nhiễm gần đây. Tính cho tới thời điểm hiện tại, con số bệnh nhân (BN) nhiễm cúm A/H1N1 trong cả nước đã lên tới 345 trường hợp, chủ yếu là tại khu vực TP HCM với 298 ca được xác định dương tính với cúmA/H1N1.

Từ ngày 17 đến 20/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã làm việc tại một số đơn vị y tế TP HCM về công tác giám sát, cách ly điều trị và công tác xét nghiệm phòng chống dịch cúm A/H1N1.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, cho tới nay, tại Việt Nam tuy chưa có trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 nào tử vong hay kháng thuốc Tamiflu nhưng việc xuất hiện một số ca dương tính phải điều trị dài ngày hơn bình thường là dấu hiệu hết sức cảnh giác về sự biến đổi virus cúm A/H1N1, nhất là thời điểm mùa đông sắp tới thời tiết thay đổi, nguy cơ tái tổ hợp giữa cúm A/H1N1 với cúm A/H5N1.Việc phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và phía Nam phải đáp ứng trong tình hình mới.

Phòng Xét nghiệm tìm virus cúm A/H1N1 tại BV Bệnh Nhiệt Đới TP HCM.

Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM Trần Ngọc Hữu tỏ ý lo ngại về những biến đổi về dịch tễ trong các ca nhiễm gần đây. Tính cho tới thời điểm hiện tại, con số bệnh nhân (BN) nhiễm cúm A/H1N1 trong cả nước đã lên tới 345 trường hợp, chủ yếu là tại khu vực TP HCM với 298 ca được xác định dương tính với cúmA/H1N1. Trong đó 299/345 trường hợp trong toàn quốc đã được điều trị khỏi, xuất viện. 46 trường hợp còn lại vẫn đang được điều trị cách ly.

Phân tích các ca mắc cho thấy, 55% các trường hợp nhiễm được phát hiện tại khu vực cửa khẩu là Việt Kiều và người nước ngoài từ vùng dịch về nước, 45% số trường hợp được phát hiện trong cộng đồng nhờ sự tuyên truyền và cảnh giác trong nhân dân, chỉ có 10% số ca được phát hiện do tiếp xúc trong cộng đồng. Trong đó đa số tại TP HCM tới khám chữa bệnh tại các bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, 2; BV Phạm Ngọc Thạch và BV Bệnh Nhiệt Đới (BNĐ).

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Hữu, điều cần quan tâm và cảnh giác đó là nếu như những tuần đầu sau khi ca đầu tiên nhiễm cúm A/H1N1 được phát hiện tại Việt Nam (vào ngày 31/5) thì số ca dương tính chỉ lẻ tẻ. Tới đầu tháng 6, số ca mắc được phát hiện đều đặn hơn và tới đầu tháng 7/2009, số ca đã lên 15 ca nhiễm cúm A/H1N1/ngày. Đỉnh điểm là trong 1 tuần của tháng 7/2009 với 70 ca mắc cúm A/H1N1 được phát hiện.

Đặc biệt "chùm" ca bệnh mắc cúm A/H1N1 tại ấp Việt Kiều, xã Xuân Hiệp, Xuân Hòa, tỉnh Đồng Nai với 31 trường hợp mắc liền một lúc. Trong đó 17/31 ca này theo điều tra dịch tễ cho biết là thuộc trường hợp một gia đình trong ấp vào ngày 8/7 tổ chức tiệc ăn mừng đón một người thân là Việt kiều từ Canada về thăm quê. Vị khách này lây nhiễm cúm A/H1N1 từ vùng dịch khiến cho liên tục từ ngày 8/7 tới 14/7, 30 người thân bà con cùng dự trong đám tiệc trên đã bị lây nhiễm.

Những dấu hiệu khác cho thấy có sự lây lan ngầm trong cộng đồng như: Nhiều trường hợp tiếp xúc không tìm ra địa chỉ, biểu hiện đa số là nhẹ, nhiều ca không có triệu chứng lâm sàng, trong khi đó ít BV thực hiện lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân nghi cúm. Trong thời gian cuối năm thay đổi với không khí lạnh, mưa… số du học sinh, người thân từ nước ngoài theo nhu cầu về thăm gia đình ngày càng tăng lên… nguy cơ "bỏ sót" ngoài cộng đồng cần được giám sát chặt chẽ.

Theo ông Trần Ngọc Hữu, cho tới nay, Viện Pasteur là nơi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm (cả sàng lọc và khẳng định kết quả) cho tất cả các trường hợp từ các BV Phạm Ngọc Thạch, Nhi đồng 1, 2 và BV BNĐ gửi tới với số mẫu xét nghiệm là 1.473 mẫu từ 1.372 ca nghi ngờ và cách ly điều trị. Đến thời điểm hiện nay, con số ca mắc mới được xác định dương tính là 218 ca (chiếm tỷ lệ 15,9%). Theo ông Hữu, do số mẫu xét nghiệm gửi tới là quá lớn gây nên tình trạng quá tải cho phòng xét nghiệm tại Viện.

Do đó, để khắc phục tình trạng quá tải xét nghiệm tại Viện, việc xét nghiệm sàng lọc ban đầu cho các trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1 tới đây nên được thực hiện từ tuyến cơ sở. Tại Viện Pasteur chỉ thực hiện bước sau cùng là xét nghiệm xác định kết quả (có dương tính với cúm A/H1N1 hay không) với những mẫu từ các BV gửi về nhằm tránh tình trạng dồn ứ mẫu xét nghiệm như hiện nay...

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, việc thống kê cụ thể số lượng bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 không còn cần thiết để đánh giá nguy cơ của dịch bệnh bởi tình hình đã vượt qua "ngưỡng kiểm soát". Theo thống kê của WHO, dịch cúm A/H1N1 đang lan rộng với tốc độ chưa từng thấy và cách tốt nhất là theo dõi sự xuất hiện của virus này ở những địa điểm mới với các trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, WHO vẫn kêu gọi các quốc gia theo dõi chặt chẽ những hiện tượng bất thường (đàn gia súc bị nhiễm bệnh hay chết hàng loạt) để thông báo kịp thời các diễn biến đang diễn ra. Cho đến nay đã có 137 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 430 trường hợp tử vong vì nhiễm cúm A/H1N1.

WHO cho biết, trong những đại dịch trước đây phải mất 6 tháng virus mới có thể lan ra trên một diện rộng như hiện nay, nhưng điều này đã bị virus cúm A/H1N1 "phá kỷ lục" trong vòng chưa đầy 6 tuần. Giới chuyên môn còn cảnh báo, virus cúm A/H1N1 đã trở nên nguy hiểm hơn so với các loại virus cúm thông thường do tốc độ phát triển quá nhanh hiện nay. Người ta cũng cảnh báo về nguy cơ sẽ xảy ra một cuộc chiến giành giật vaccine cúm A/H1N1 nếu tình hình không kiểm soát được.                                                  

Trường Giang

H.Nga
.
.
.