Giám sát chặt việc nuôi yến, phòng tránh cúm gia cầm H7N9

Thứ Sáu, 12/04/2013, 09:06
Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cũng vừa gửi văn bản tới UBND các quận, huyện với chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ trạm thú y quận, huyện thực hiện lấy mẫu để giám sát tình hình bệnh cúm gia cầm H5N1 trên loài chim yến gây nuôi. Chi phí xét nghiệm các hộ, cơ sở gây nuôi chim yến chịu trách nhiệm thanh toán theo quy định.
>> Hơn 4.000 con chim yến chết vì nhiễm virus cúm H5N1

Trước tình trạng hàng ngàn con chim yến chết tại một công ty nuôi yến tại thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh thuận có kết quả dương tính H5N1 khiến người dân lo lắng về việc lây lan cúm gia cầm, trao đổi với ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh chiều 11/4, cho biết, hiện địa bàn TP Hồ Chí Minh có trên 300 hộ nuôi yến trong đó tập trung nhiều nhất trên địa bàn Cần Giờ, Nhà Bè, quận 9, quận 2, quận 7, Thủ Đức, quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh... Đến nay thành phố chỉ cấp phép cho 10 hộ nuôi yến thuộc đề án thí điểm nuôi chim yến tại xã Tam Thôn Hiệp (Cần Giờ), còn lại đều xây dựng tự phát, một số hộ nuôi yến còn cải tạo một phần diện tích nhà ở thành nơi dẫn dụ, gây nuôi chim yến.

Cũng theo ông Phát, UBND thành phố đã có chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành xây dựng quy hoạch vùng nuôi yến tập trung và quy chế tạm thời để quản lý việc dẫn dụ, gây nuôi chim yến trên địa bàn thành phố, hiện nay công việc này đang được triển khai, lấy ý kiến các sở, ngành, UBND các quận, huyện. Về quy chế quản lý sẽ tập trung quy định trách nhiệm của địa phương trong việc cấp phép xây dựng mới cho cơ sở nuôi yến, quản lý đưa vào nền nếp, xử lý các trường hợp phát sinh xây dựng nhà nuôi yến ngoài khu vực được quy hoạch, hay trái phép; trách nhiệm của chủ cơ sở phải chấp hành giám sát dịch bệnh, khai báo kịp thời khi dịch bệnh xảy ra, chấp hành các biện pháp xử lý khi dịch xảy ra, các hoạt động như: cường độ âm thanh, giờ phát loa dẫn dụ yến… tránh ảnh hưởng cộng đồng dân cư khu vực xung quanh.

Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cũng vừa gửi văn bản tới UBND các quận, huyện với chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ trạm thú y quận, huyện thực hiện lấy mẫu để giám sát tình hình bệnh cúm gia cầm H5N1 trên loài chim yến gây nuôi. Chi phí xét nghiệm các hộ, cơ sở gây nuôi chim yến chịu trách nhiệm thanh toán theo quy định; UBND các phường/xã tuyên truyền cho các hộ nuôi chim yến về tình hình dịch cúm gia cầm, nguy cơ lây lan, và ảnh hưởng sức khỏe cho người để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; cũng như yêu cầu các hộ nuôi yến khi phát hiện hiện tượng chim yến chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và trạm thú y quận, huyện để kịp thời giám sát, vệ sinh tiêu độc, khử trùng… Tất cả nhân viên tại khu nuôi yến theo yêu cầu phải mang phương tiện bảo hộ cá nhân như đeo găng tay, khẩu trang… khi chăm sóc, khai thác tổ yến nhằm hạn chế nguy cơ bệnh cúm gia cầm lây cho người

H.Nga
.
.
.