Giải tỏa hàng trăm trường hợp lấn chiếm sông Tô Lịch, Kim Ngưu

Thứ Hai, 16/08/2010, 13:15

Theo ông Lê Hồng Quân, Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, Thanh tra GTVT, việc giải tỏa vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị ven sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu đến nay đã gần hoàn tất. Các lực lượng đã giải toả được hàng trăm vi phạm các loại, điển hình nhất đã giải tỏa được 3 nhà tạm xây dựng trái phép ven sông thuộc địa bàn quận Cầu Giấy và 78 trường hợp lấn chiếm hè đường kinh doanh buôn bán ở quận Hoàng Mai...

Sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu có nhiệm vụ dẫn nước tiêu thoát về Trạm bơm Yên Sở trong mùa mưa bão, nhưng do hai con sông này đang bị hàng nghìn vi phạm dọc bờ sông lấn chiếm gây teo thắt dòng chảy, nên việc dẫn nước đã bị hạn chế. Đây cũng là hai tuyến sông chưa được thực hiện công tác giải toả vi phạm hành lang ATGT nên người dân đã vô tư cơi nới xây dựng nhà, lều lán ra sát bờ sông, tập kết các bãi vật liệu xây dựng, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, hành lang sông thoát nước...

Nhà ổ chuột, tập kết vật liệu xây dựng lấn sông      

Đi dọc theo sông Tô Lịch vào mùa mưa bão rất dễ nhận ra nhiều đoạn sông đang nằm trong "địa chỉ đỏ" về mức độ bị lấn chiếm. Hà Nội đã có nhiều trận mưa lớn, nước ở sông Tô Lịch không kịp tiêu thoát về Trạm bơm Yên Sở để bơm đổ ra sông Hồng, gây nên tình trạng ngập úng.

Nguyên do đặc thù của tuyến đường dọc theo sông Tô Lịch chưa thực hiện được công tác giải phóng mặt bằng, hoặc có đoạn giải phóng mặt bằng thì thành phố đã triển khai làm đường giao thông, còn không thì các hộ dân xây nhà ra sát bờ sông. Sông Tô Lịch vì thế ngày càng bị thu hẹp, chưa kể nó phải gánh hàng nghìn tấn rác rưởi, phế thải xây dựng do người dân đổ trộm và tập kết vật liệu xây dựng để kinh doanh.

Theo lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải Hà Nội, qua khảo sát vi phạm dọc theo sông Tô Lịch rơi vào nhiều nhất là đoạn từ đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân đến cầu Dậu, quận Hoàng Mai.

Theo chân lực lượng kiểm tra tại khu vực này, chúng tôi nhận thấy dọc theo bờ sông đang bị nhiều hộ dân lấn chiếm, xây những dãy nhà ổ chuột nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị và an toàn của bờ sông. Mất mỹ quan lớn nhất là các nhà vệ sinh được cơi nới ra sát bờ sông, mạnh ai lấy làm, thi nhau lấn chiếm.

Đi xuôi xuống phía quận Hoàng Mai là 12 hộ dân lấn chiếm ven sông để làm kho tập kết vật liệu xây dựng, đất phế thải, 4 bãi trông giữ xe, 22 trường hợp làm lều lán để kinh doanh buôn bán. Dọc theo bờ sông còn bị đổ phế thải xây dựng, rác thải và cây cỏ dại khiến dòng chảy ngày một bị teo thắt, nước không thoát kịp mỗi khi mưa lớn, tràn xuống cống lên đường giao thông.

Tương tự, sông Kim Ngưu tuy đã được xây kè nhưng vi phạm dọc theo hai bên sông như tập kết vật liệu xây dựng, bãi trông giữ xe trái phép, đổ đất phế thải... cũng nhiều như nấm. Để trả lại thông thoáng cho bờ sông Tô Lịch và Kim Ngưu, chỉnh trang đô thị đón chào Hà Nội 1.000 năm tuổi, Thanh tra Sở GTVT cùng với Công an các quận, huyện phải tổ chức giải tỏa, phá dỡ những công trình vi phạm và chuyển dọn toàn bộ những phế thải xây dựng đổ bừa bãi ra hai bên sông.

Một đoạn sông Tô Lịch bị phế thải đổ bừa bãi làm teo thắt dòng chảy.

Chống tái phạm: khó

Vi phạm, lấn chiếm hành lang thoát nước ở sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu đã tồn tại từ nhiều năm nay, việc cưỡng chế giải tỏa những vi phạm này không hề đơn giản bởi ý thức của nhiều người dân vẫn chưa cao. Có mặt cùng lực lượng giải toả tại khu vực quận Ba Đình, chúng tôi ghi nhận được việc chấp hành pháp luật của nhiều hộ dân lấn chiếm vẫn chưa cao. Dù trước đó chính quyền địa phương đã tuyên truyền người dân tự tháo dỡ vi phạm, nhưng hầu như không ai thực hiện.

Ông Lê Hồng Quân, Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, Thanh tra GTVT cho biết, việc giải tỏa vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị ven sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu đến nay đã gần hoàn tất. Các lực lượng đã giải toả được hàng trăm vi phạm các loại, điển hình nhất đã giải tỏa được 3 nhà tạm xây dựng trái phép ven sông thuộc địa bàn quận Cầu Giấy và 78 trường hợp lấn chiếm hè đường kinh doanh buôn bán ở quận Hoàng Mai...

Ông Quân cho biết, việc giải toả lần này được các lực lượng thực hiện kiên quyết và triệt để, không để xảy ra tình trạng nơi này tháo dỡ phần xây lấn, nơi kia thì không. Ngay sau khi giải toả xong, lực lượng liên ngành đã tổ chức bàn giao cho chính quyền phường, xã và các công ty quản lý đường, hành lang mương thoát nước để duy trì chống lấn chiếm.

Theo kinh nghiệm sau giải tỏa, Hà Nội lại xảy ra tình trạng tái lấn chiếm với những vi phạm tương tự. Để xảy ra việc lấn chiếm là do trách nhiệm của chính quyền địa phương, thiếu đôn đốc, thiếu duy trì lực lượng khiến công sức, tiền của mà thành phố bỏ ra cho việc giải toả trôi ra sông, ra biển.

Thiết nghĩ, các địa phương sau khi được bàn giao thành quả thì phải vào cuộc tích cực, kiên quyết ngăn chặn và xử lý thích đáng với bất kỳ trường hợp nào tái lấn chiếm. Để đảm bảo việc này, thành phố nên quy trách nhiệm cho các địa phương nếu để xảy ra tình trạng tái vi phạm

Trần Hằng
.
.
.