Giải quyết khiếu nại, tố cáo: Sẽ tập trung thanh tra trách nhiệm

Thứ Tư, 07/11/2007, 09:00
"Thanh tra Chính phủ đang chuyển theo hướng thanh tra trách nhiệm, theo đó nếu địa phương nào làm không đầy đủ trách nhiệm thì chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý" - Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết cách làm mới trong giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan trách nhiệm của các ngành, địa phương.

Ngày 6/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường việc thực hiện pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Xung quanh vấn đề đất đai, những tồn tại, tranh chấp phát sinh khiến lĩnh vực này chiếm hơn 80% đơn thư, khiếu nại tố cáo.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nhận định, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đất đai trước hết phải thay đổi quy trình làm việc. "Thanh tra Chính phủ đang chuyển theo hướng thanh tra trách nhiệm, theo đó nếu địa phương nào làm không đầy đủ trách nhiệm thì chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý" - Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết cách làm mới trong giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan trách nhiệm của các ngành, địa phương.

Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay theo Tổng Thanh tra là nếu làm theo cơ chế hiện hành, Thanh tra Chính phủ phải đi giải quyết từng vụ, việc hoặc khi ở đâu có dân kéo lên đông, Thanh tra Chính phủ lại xuống cùng địa phương giải quyết thì rất khó. Còn việc tiếp dân, hiện đã có quy chế nhưng không ít địa phương vẫn làm hình thức, không đến nơi đến chốn...

Vấn đề là điểm dừng cuối cùng

- Tổng Thanh tra đề cập quy chế tiếp dân, vậy trong quy chế này, trách nhiệm của chính quyền địa phương quy định ra sao, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra việc thực hiện quy chế?

- Quy chế đã rõ rồi, quy định Chủ tịch UBND tỉnh ít nhất mỗi tháng tiếp dân một lần. Nhưng qua kiểm tra thấy rằng các địa phương cũng có thực hiện nhưng ít, thứ hai là tiếp theo kiểu hình thức, chung chung chứ không phải tiếp để giải quyết dứt điểm. Quan trọng là người đứng đầu tiếp để hiểu, chỉ đạo giải quyết, yêu cầu những người có trách nhiệm dưới quyền phải giải quyết. Thế nhưng thường tiếp rồi ghi nhận, bàn, rồi không làm đến nơi đến chốn...

- Hiện có tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân bị chuyển lòng vòng, cuối cùng không rõ trách nhiệm xử lý thuộc cấp nào. Nguyên nhân tình trạng này là gì, thưa ông?

- Thứ nhất, do cơ chế chính sách của ta có nhiều vấn đề không hợp lý, chẳng hạn quy định về việc gửi đơn. Luật Đất đai quy định ở 2 cấp giải quyết, còn Luật Khiếu nại, tố cáo thì quy định 1 cấp giải quyết, sau đó có thể khiếu kiện lên cấp trên hoặc khởi kiện ra tòa án. Giữa hai luật này vênh nhau nên người dân thấy cái nào có lợi thì họ theo cái đó.

Vấn đề là điểm dừng cuối cùng. Chẳng hạn việc xảy ra, cấp xã, đáng lẽ chỉ cần lên huyện là đủ, đằng này ở xã xong, lên huyện, huyện rồi lên tỉnh, tỉnh lên Bộ, ngành, tới Thanh tra Chính phủ. Rồi nhiều đoàn Trung ương xem đi xem lại mấy năm không có điểm kết thúc. Có những vụ việc xảy ra cách đây đã hai chục năm, hàng chục đoàn đã xem nhưng họ vẫn đặt vấn đề phải giải quyết lại. Mà người dân thấy còn xem thì người ta còn đi.

Cho nên tới đây phải quy định lại quy chế, mấy cấp giải quyết thì giải quyết triệt để, những cấp có thẩm quyền phải làm hết trách nhiệm với dân.

- Như vậy, luật quy định nếu người dân không đồng ý với giải quyết của chính quyền thì có quyền khởi kiện ra tòa. Nhưng việc giải quyết ở toà xem ra cũng chưa được người dân quan tâm, theo ông do đâu?Mô hình thành lập cơ quan tài phán hành chính giải quyết việc này có khả quan?

- Toà cũng chưa thụ lý hết, còn hiện tượng đùn đẩy. Thứ hai khi giải quyết cũng có những điều chưa đến nơi, đến chốn, chưa được công minh, nhất là thủ tục đưa ra toà người dân thấy khó, rườm rà, phức tạp.

Hiện chúng tôi đang nghiên cứu cơ chế gọi là tài phán hành chính nhưng xem ra tài phán hành chính cũng không đơn giản. Xét cho cùng, tài phán hành chính phải có gì đó khác hơn thủ tục, toà án hành chính, còn nếu nó lại giống toà án hành chính, rồi đùn qua đẩy lại thì cũng không giải quyết được gì.

- Được biết, Thanh tra Chính phủ đang có kiến nghị sửa đổi, chỉnh lý lại quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo?

- Hiện Thanh tra Chính phủ đang kiến nghị sửa một số luật liên quan khiếu nại, tố cáo, làm cho những quy định này thống nhất. Thứ hai là xem xét lại cơ chế giải quyết đối với mỗi loại khiếu kiện, kể cả khiếu kiện về tư pháp. Thứ ba là nâng cao trách nhiệm chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương, khiếu kiện ở cấp nào thì bắt buộc ở cấp đó phải giải quyết và chịu trách nhiệm về việc giải quyết của mình. Thanh tra Chính phủ đang chuyển theo hướng là thanh tra trách nhiệm, theo đó nếu làm không đầy đủ trách nhiệm thì chúng tôi kiến nghị xử lý. Còn nếu làm theo cơ chế này, Thanh tra Chính phủ phải đi giải quyết từng vụ, việc hoặc khi ở đâu có dân kéo lên đông, Thanh tra Chính phủ lại xuống cùng địa phương thì rất khó. Mà địa phương lại có tâm lý chờ Thanh tra Chính phủ, theo đó nếu có giải quyết chậm thì có lỗi của Thanh tra Chính phủ, giải quyết sai cũng có lỗi của Thanh tra Chính phủ, cuối cùng trách nhiệm không rõ.

Trong luật đã ghi rõ Chủ tịch tỉnh quyết định lần thứ nhất, nếu không chấp nhận thì chuyển sự việc lên cấp Bộ theo đúng chuyên ngành, tức là lĩnh vực nào chuyển lên Bộ đó (đất đai thì lên Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhà ở lên Bộ Xây dựng... chứ không phải lên Thanh tra). Còn sau khi Bộ giải quyết rồi mà người dân vẫn không chấp nhận, cho rằng có vi phạm pháp luật thì Thanh tra mới xem xét.

Đặc biệt, Thanh tra làm rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết. Lâu nay ta không làm tốt cái này nên Thanh tra Chính phủ lại đi vào giải quyết khiếu kiện, thậm chí có vụ việc nằm ngay dưới huyện, xã nhưng Thanh tra Chính phủ vẫn phải vào cuộc. Cách làm này rõ ràng không kham nổi, thứ hai trách nhiệm giải quyết dưới đẩy lên trên, trên đẩy xuống dưới nên không rõ trách nhiệm.

Nguyên tắc xử lý là phải ngồi lại

- Vừa rồi đã có trường hợp Chủ tịch UBND tỉnh bị kỷ luật do không làm tốt công tác này. Quan điểm của Tổng Thanh tra trong xử lý trách nhiệm?

- Có, vừa rồi có mấy trường hợp. Tức là đã có xử lý, nhưng mục đích chính là muốn giải quyết cho tốt hơn. Nhiều nơi đã bị kiểm điểm, kỷ luật vì không làm tốt trách nhiệm. Cho nên tới đây thanh tra trách nhiệm là chủ yếu. Thanh tra rồi, kết luận rồi thì phải làm, nếu không làm chúng tôi sẽ kiến nghị Thủ tướng xử lý trách nhiệm.

Tôi lấy ví dụ trước đây tôi thanh tra vụ việc ở phía Nam, lúc đó tôi đã chỉ đạo một đoàn Thanh tra Chính phủ xuống xem xét và đã kết luận 7, 8 vấn đề để tỉnh xử lý. Nhưng đến nay vẫn dùng dằng, vừa rồi họp tôi cũng nói rõ phải làm, nếu không tôi báo cáo Thủ tướng, các anh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, không có chuyện nói qua nói lại nữa.

- Ông có thể cho biết hiệu quả các đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ về giúp địa phương giải quyết khiếu nại, tố cáo?

- Có những vấn đề phức tạp, chúng tôi sẽ phối hợp các Bộ như Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng để thành lập đoàn liên ngành giúp Chính phủ thanh tra việc này. Bởi chức năng quản lý Nhà nước của Thanh tra trong vấn đề này là hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra về công tác khiếu nại, tố cáo chứ không phải trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thanh tra chỉ giải quyết những vụ việc do Thủ tướng giao, còn lại các cấp chính quyền, Bộ, ngành chức năng phải làm.

Vừa rồi, Thanh tra Chính phủ cử tới 18 đoàn đi các địa phương, nói chung các tỉnh phía Nam gần như tỉnh nào cũng có Thanh tra Chính phủ đến, còn phía Bắc cũng có một số tỉnh. Các vụ việc đã có kết luận, nhưng không ít việc không thống nhất, đoàn của Bộ và đoàn của Thanh tra kết luận khác nhau.

Trước đây cũng có một số đoàn của Chính phủ. Có đoàn do Thanh tra Chính phủ chủ trì, có đoàn do Bộ chủ quản chủ trì, đoàn nữa do Phó Thủ tướng chủ trì nhưng sau đó 3 đoàn kết luận khác nhau, cuối cùng địa phương để đó không giải quyết. Cho nên, nguyên tắc xử lý là phải ngồi lại, nếu phức tạp quá thì phải báo cáo Thủ tướng...

- Cảm ơn Tổng Thanh tra!

Đăng Trường(Thực hiện)
.
.
.