Giải pháp hạn chế thiệt hại do hạn hán

Thứ Tư, 27/03/2013, 19:14
Hạn hán sẽ thường trực trong đời sống sản xuất của người dân Tây Nguyên qua mỗi năm. Vậy nên, Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung cần có giải pháp bền vững để “sống chung với hạn”...

Ngay khi mùa khô chưa đến, cơ quan Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên đã đưa ra dự báo năm nay sẽ xảy ra hạn hán khốc liệt do lượng mưa trong mùa mưa thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ nhiều năm và dự báo các cơn mưa trái mùa trong mùa khô cũng sẽ rất ít xảy ra. Dựa trên những dự báo đó, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp, không gieo trồng trên những diện tích nước tưới bấp bênh. Tuy nhiên trên thực tế cả cơ quan chức năng và người dân ở Đắk Lắk vẫn “trở tay không kịp” khi hạn đến.

Là tỉnh trọng điểm về chuyên canh cây cà phê của cả nước, tỉnh Đắk Lắk đã có nghị quyết khống chế diện tích cà phê khoảng 150.000 – 160.000ha để phát triển bền vững. Tuy nhiên hiện tại diện tích cà phê của tỉnh đã lên hơn 202.000ha. Vụ đông xuân 2012 – 2013, ngành Nông nghiệp Đắk Lắk “chốt” kế hoạch gieo trồng khoảng 37.000 – 38.000ha, nhưng đến nay toàn tỉnh đã gieo trồng được gàn 43.000ha, vượt gần 10% so với kế hoạch; riêng lúa nước đạt gần 31.500ha, vượt hơn 6.000ha so với kế hoạch.

Diện tích gieo trồng vượt cao so với kế hoạch là một trong những nguyên nhân khiến đến nay đã có khoảng 42.000ha cây trồng ở Đắk Lắk bị khô hạn, trong đó cây ngắn ngày là gần 25.000ha (riêng lúa nước là hơn 6.000ha, tương ứng với diện tích lúa đông xuân vượt kế hoạch), diện tích còn lại là cà phê. Trong đó, diện tích cây trồng bị mất trắng đã lên đến hàng chục ngàn hécta. Riêng những diện tích cà phê bị hạn nặng sẽ còn di hại đến nhiều năm do cần thời gian để phục hồi. Ngoài ra, hạn hán còn làm cho hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Chắc chắn những thiệt hại do hạn hán vẫn chưa dừng lại ở những con số trên.

Rừng bị tàn phá nghiêm trọng; tình trạng khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm bừa bãi; các đập thủy điện được xây dựng ken dày trên các hệ thống sông suối chính khiến việc điều tiết nước tưới trở nên khó khăn; những tác động của con người làm cho biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu… cũng là những nguyên nhân do con người tạo ra (nói gọn là “nhân tai”) khiến hạn hán ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung ngày càng khốc liệt.

Hạn hán sẽ thường trực trong đời sống sản xuất của người dân Tây Nguyên qua mỗi năm. Vậy nên, Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung cần có giải pháp bền vững để “sống chung với hạn”. Muốn vậy, việc sản xuất nông nghiệp cần được thực hiện theo đúng kế hoạch, đúng định hướng. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường… Đó là những giải pháp không mới nhưng sẽ là căn bản và bền vững để hạn chế hạn hán

Hoàng Hà
.
.
.