Giải cứu một cô gái bị ép lấy chồng Đài Loan

Thứ Ba, 27/04/2010, 16:47
Câu chuyện một cô gái quyết định hủy chuyến bay sang Đài Loan tại sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều tối 25/4 vì kháng cự đoàn tụ với một người chồng tàn tật, vũ phu người Đài Loan, một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh về kiểu hôn nhân gượng ép với người nước ngoài đã tồn tại nhiều năm qua.

Một cuộc giải thoát

Sáng 26/4, Thượng tá Đinh Thế Công, Đồn phó Đồn Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất (thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) xác nhận với phóng viên Báo CAND: chiều tối 25/4, Công an cửa khẩu đã hỗ trợ hoàn tất thủ tục hoãn xuất cảnh sang Đài Bắc (Đài Loan) cho chị N.T.K.H., 22 tuổi, ngụ huyện Long Mỹ, Hậu Giang. Lý do, theo chị H. trình bày với Công an cửa khẩu là chị bị các đối tượng môi giới hôn nhân ép sang Đài Loan để làm vợ một người đàn ông tàn tật, vũ phu đã cưới chị trước đó, sau lần "ra mắt".

Chị H. kể, vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, trong khi ở xóm có một vài người bạn cùng trang lứa với H. lấy chồng Đài Loan, thường xuyên gửi tiền về cho gia đình nên cha mẹ H. có ý định tìm cho con một tấm chồng ngoại quốc để được đổi đời. Chính vì vậy mà đầu năm 2009 khi một phụ nữ cùng xóm chuyên môi giới hôn nhân gợi ý cho H. lên TP Hồ Chí Minh tìm chồng ngoại thì cha mẹ H. liền đồng ý.

Lên TP Hồ Chí Minh, H. cùng nhiều cô gái khác được một trùm chăn dắt gái tên N. ngụ ở quận 8 "nuôi nấng" và tổ chức cho các "chú rể" Đài Loan, Hàn Quốc xem mắt. Sau hai lần "thi tuyển", H. được một người đàn ông Đài Loan tuổi trung niên có tật ở chân chọn làm vợ. Cuối năm 2009, H. và người đàn ông Đài Loan tổ chức đám cưới tại TP Hồ Chí Minh rồi thuê khách sạn để ở được khoảng 1 tháng thì chồng H. về nước. Trong thời gian sống ở khách sạn, H. thường xuyên bị chồng hành hạ, đánh đập nên cô rất sợ phải theo chồng sang Đài Loan, do vậy cô không quay lại nhà của kẻ dắt mối để chờ xuất cảnh như thỏa thuận ban đầu.

Các cô gái bị phát hiện trong lần ra mắt "chủ rể" Hàn Quốc.

Tuy nhiên, vì trước khi lên TP Hồ Chí Minh, cha mẹ H. đã làm tiệc đãi hàng xóm để tiễn H. đi lấy chồng ngoại nên vì sĩ diện cô không thể quay về quê mà trốn đi nơi khác để làm thuê kiếm sống. Song, đi làm đến đâu H. cũng bị tay chân của bà N tìm ra được và hăm dọa sẽ "xử đẹp" nếu như H. "phản kèo". Không chỉ có vậy, bà N. còn xuống tận quê để buộc cha mẹ H. phải thuyết phục H. xuất cảnh, nếu không sẽ cho đàn em "quậy tới bến". Đường cùng, H. đành chấp nhận xuất cảnh nhưng khi đến sân bay, nghĩ đến viễn cảnh tồi tệ mà mình sắp hứng chịu, cô đã quyết định hủy chuyến bay…

Xử lý chưa nghiêm

Trong hai năm trở lại đây, hoạt động môi giới hôn nhân trái phép với đàn ông Hàn Quốc xuất hiện khá nhiều ở TP Hồ Chí Minh. Chỉ tính riêng trong năm 2009 và những tháng đầu năm 2010, Đội 5, PC14 Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện hơn 5 vụ môi giới hôn nhân trái phép với quy mô lớn.

Gần đây nhất là vào ngày 15/3/2010, lực lượng trinh sát của Đội 5 đã phối hợp với Công an quận Tân Bình và An ninh cụm cảng hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện một vụ môi giới hôn nhân trái phép giữa các cô gái Việt Nam với các "chú rể" người Hàn Quốc trên xe ôtô tại bãi đậu xe của sân bay Tân Sơn Nhất thuộc địa bàn phường 2, quận Tân Bình.

Trước đó, khoảng 10h ngày 15/3, 2 chiếc xe ôtô Mercedes loại 16 chỗ ngồi chở theo 18 cô gái Việt Nam cùng người môi giới, phiên dịch đến đón "chú rể" Hàn trước cổng sân bay rồi chạy đi lòng vòng quanh thành phố chủ ý là để đánh lạc hướng cơ quan Công an. Tuy nhiên, các trinh sát Đội 5 vẫn miệt mài đeo bám cho đến tận 2h  chiều nhưng vẫn chưa thấy cuộc tuyển chọn diễn ra.

Đến gần 3h hai chiếc ôtô bất ngờ quay về sân bay Tân Sơn Nhất và đỗ tại bãi đậu xe tổ chức coi mắt thì lực lượng phối hợp ập đến bắt quả tang và lập biên bản xử lý tổng số 26 đối tượng, trong đó có 18 cô gái, chủ yếu đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đây là phương thức hoạt động môi giới hôn nhân trái phép mới lần đầu tiên bị cơ quan Công an phát hiện do Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (33 tuổi, ngụ ấp 3, Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương) và Phạm Thị Quyên cùng thực hiện.

Trung tá Phan Chí Hùng, Đội trưởng Đội 5, PC14, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, sở dĩ hoạt động môi giới hôn nhân trái phép vẫn còn tồn tại (hầu hết các trùm môi giới đều tái phạm nhiều lần) vì hoạt động này đem lại thu nhập khá cao trong khi biện pháp xử lý theo quy định hiện nay thì lại quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Cụ thể như trong đường dây môi giới của "Minh chuối", để cưới một cô vợ, chú rể Hàn Quốc phải trả cho người môi giới bên nước mình khoảng 10.000 USD. Số tiền này người môi giới phía Hàn Quốc đưa lại cho người phiên dịch khoảng 3.000 USD, người phiên dịch hưởng 1.000 USD đưa lại cho môi giới phía Việt Nam 2.000 USD, trùm môi giới chi mọi thứ linh tinh cho gia đình cô dâu thì còn lại ngót ngét 1.000 USD. Hay như đường dây của Phạm Thị Quyên hoạt động từ hơn 2 năm nay, mỗi lần thành công một mối cũng kiếm được vài trăm đôla mà chẳng phải bỏ ra công cán nhiều

Trung tá Phạm Chí Hùng: Nếu "lỡ" có bị cơ quan Công an phạt thì kẻ môi giới cũng chỉ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng theo quy đinh tại điều 7, Nghị định 150/CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Đây cũng là văn bản duy nhất để xử lý môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài khiến cho công tác đấu tranh với hoạt động vi phạm pháp luật này chưa mang lại hiệu quả.

M.T.P.
.
.
.