Gia tăng nạn săn bắn, thu mua động vật hoang dã quý hiếm

Thứ Ba, 05/01/2010, 09:51
Nhiều năm qua, động vật hoang dã quý hiếm (ĐVHD) ở Quảng Nam đã nằm trong tầm ngắm của nhiều thợ săn bắt và mua bán thú rừng. Trước tình hình động vật hoang dã Quảng Nam ngày càng bị tuyệt chủng do nạn săn bắn gây ra, công tác bảo vệ động vật này như thế nào?

Ông Từ Văn Khánh, Phó trưởng Phòng Quản lý - Bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, cho biết: Chưa năm nào chúng tôi bắt và thả về rừng nhiều ĐVHD như năm nay qua quá trình bắt những vụ mua bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm và công tác bảo vệ động vật quý hiếm này.

Vào tối 27/9, lực lượng Kiểm lâm huyện Đại Lộc cũng đã phát hiện ở quốc lộ 14B tại xã Đại Nghĩa, nhiều túi lưới cất giấu 17 con kỳ đà, 14kg rắn rồng, 10kg rắn hổ mang và 20kg rắn hổ đá. Sau khi phát hiện thì toàn bộ số ĐVHD này đã được thả lại về rừng.

Ông Khánh cho biết thêm, sau một thời gian dài anh em chia nhau mai phục, vào 14h ngày 10/12, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam đã phối hợp với một số cơ quan chức năng của huyện Thăng Bình tiến hành kiểm tra đột xuất tại hai địa điểm và phát hiện tại nhà ông Nguyễn Phước Lợi (42 tuổi, trú tổ 2, thôn Liễu Trì, xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình), tàng trữ đến 451kg động vật hoang dã gồm: nai, hoẵng, heo rừng, nhím, ba ba, rắn, trút… đựng đầy trong 2 tủ đá (loại tủ dài 1,5m, cao 1m) và một trại chứa động vật sống được xây dựng trong khuôn viên ngay tại nhà.

ĐVHD bị bắt và đưa về trụ sở Kiểm lâm Quảng Nam để điều tra. Ảnh: A.N..

Tiếp đó, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện thêm tại nhà bà Huỳnh Thị Tâm (49 tuổi, trú thôn 1, xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình), một cơ sở tàng trữ động vật hoang dã được xây dựng khá kiên cố, nhiều lớp cửa và trang bị máy lạnh.

Tại đây, đã phát hiện trên 732kg động vật hoang dã sống gồm: rắn, kỳ đà, ba ba, rùa, rắn…, đang được nhốt chờ tiêu thụ. Qua khai nhận ban đầu của hai đối tượng trên toàn bộ số động vật hoang dã  trên là của ông Lợi, đã thu gom trong gần một tháng qua. Hàng này có mối từ TP Hồ Chí Minh và Vĩnh Long chuyển về chờ đưa đi Móng Cái - Quảng Ninh tiêu thụ. Nhưng số hàng này chưa kịp đưa đi tiêu thụ thì bị phát hiện.

Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã phát hiện và bắt giữ Trần Văn Thanh (36 tuổi, ngụ Phước Sơn - Quảng Nam) đang dùng xe máy vận chuyển 103kg thịt heo rừng trái phép. Thanh khai nhận vận chuyển thuê số thịt này cho bà Nguyễn Thị Bảy (trú tại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn). Kiểm tra nhà bà Bảy, cơ quan chức năng phát hiện thêm hơn 100kg heo rừng, chồn, dúi, rùa núi...

Tình trạng săn bắn, thu mua trái phép ĐVHD ngày càng nhiều, ĐVHD luôn luôn bị đe dọa, nhất là loài động vật quý hiếm voọc chà vá chân xám, nhiều thợ săn luôn nhằm vào các loại động vật này, vì động vật voọc chà vá chân xám này rất quý hiếm (loại cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh mục Đỏ thế giới - PV).

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thả về rừng mấy con vọoc chà vá chân xám, do người dân mua lại của bọn săn bắn trái phép, nhất là voọc chà vá chân xám đực nặng 15kg. Con voọc này do hai thiếu niên bắt và được một người dân ở xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành mua lại. Sau đó, người này đã tự nguyện giao nộp con voọc cho lực lượng Kiểm lâm và thả lại về rừng.

Còn ông Nguyễn Dũng Nam - chuyên gia Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc, ông Nam đã mua lại của bọn làm vàng một con voọc chà vá chân xám 2 tháng tuổi nuôi và chăm sóc, sau đó ông Nam đã bàn giao cho đại diện dự án Chương trình Bảo tồn linh trưởng Việt Nam - Vườn Quốc gia Cúc Phương một con voọc chà vá chân xám trên.

Trước sự việc trên, sáng 28/12, trao đổi với phóng viên, ông Khánh cho biết: Để bảo vệ tốt và có hiệu quả ĐVHD cần thực hiện tốt các giải pháp. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ ĐVHD.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo vệ ĐVHD và cần có sự hợp tác đa ngành, quy định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong việc quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên ĐVHD, quản lý tài nguyên đa dạng sinh học nói chung và ĐVHD nói riêng, đồng thời bảo đảm lợi ích và phúc lợi của nhân dân và bảo vệ tốt hơn cho ĐVHD.

Bảo vệ ĐVHD là bảo vệ môi trường, môi sinh, trong đó những cánh rừng già, những khu rừng ngập nước cần được chú trọng bởi đó chính là "nhà" của các loài động vật hoang dã quý hiếm sống. Nếu làm tốt công tác bảo tồn các khu rừng nguyên sinh sẽ ổn định được về môi trường và ổn định cho ĐVHD sống

An Khang
.
.
.