Gia tăng bệnh nhân tâm thần lứa tuổi thanh thiếu niên

Thứ Hai, 16/12/2013, 14:08
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần là 1 trong 10 nguyên nhân chủ yếu làm mất khả năng hoạt động của con người. Dự báo trong một tương lai không xa, trong các vấn đề về sức khỏe, loại bệnh này sẽ đứng thứ 2, chỉ sau các bệnh về tim mạch.

Ở Việt Nam, những năm gần đây, kinh tế phát triển cùng nhiều áp lực của cuộc sống hiện đại đã khiến số bệnh nhân tâm thần xuất hiện ngày càng nhiều. Đáng chú ý, số bệnh nhân tâm thần trong lứa tuổi thanh thiếu niên đang có xu hướng gia tăng một cách đáng lo ngại...

Học quá tải khiến nhiều học sinh mắc bệnh… tâm thần!

9h30’ sáng 10/12, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, Hà Nội, vào những ngày đầu tuần, số lượng người đến khám và điều trị tại viện không đông như các bệnh viện khác, nhưng đủ mọi lứa tuổi, đặc biệt tỷ lệ thanh niên, học sinh và người trung tuổi, người già chiếm đa số… Mỗi người vào đây đều có một triệu chứng khác nhau nhưng đều có sự bất ổn về tâm thần thể nhẹ, sự bất ổn trong cuộc sống, áp lực về tinh thần đều có thể xảy ra với bất kỳ ai.

Em Nguyễn Thị M., ở Thanh Xuân (Hà Nội), 17 tuổi, được bố đưa đến viện trong tình trạng đờ đẫn, người mệt mỏi, bước đi xiêu vẹo. Anh Nguyễn Văn K., bố M. cho biết, lịch học của cháu hầu như không có thời gian trống, thời gian gần đây, thấy cháu không tập trung, thu mình, mệt mỏi, hay kêu đau đầu. “Do bận việc nên vợ chồng tôi cũng chủ quan, nghĩ là cháu đau đầu bình thường, uống thuốc rồi khỏi, ai ngờ đâu, cô giáo gọi điện đến đón cháu về vì M. có ý định tự sát ở nhà vệ sinh. May mà phát hiện kịp thời nên hôm nay tôi phải cho cháu nghỉ học để đi khám ngay. Qua thăm khám ban đầu, cháu phải nhập viện. Chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm học, mà giờ con như  thế này thì không biết phải làm sao”, anh K. cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Thế Mạnh đang tư vấn cho một phụ huynh học sinh.

Cạnh em L. là em Trần Thị X., 16 tuổi, ở Đông Anh (Hà Nội) được gia đình đưa vào điều trị. Mấy tháng trước, bố mẹ X phát hiện thấy con mình tự cho mình là học giỏi, có khả năng biết trước được sự vật, sự việc sắp xảy ra và nhiều sự bất thường khác trong diễn biến tâm sinh lý của con, gia đình X đã đưa em đi xem “thầy cúng” thì được thầy “phán xanh rờn” là em có năng lượng siêu nhiên.

Chị Trần Minh H., mẹ em X. cho biết, sau khoảng 10 lần gặp thầy thì em bỏ học và có những triệu chứng như tự xa lánh bạn bè, người thân, học hành không tập trung, ít chăm sóc bản thân, căng thẳng, mất ngủ, nghi hoặc, cảnh giác cao, ảo giác… Khi gia đình đưa đến đây, các bác sĩ đã thuyết phục, chứng minh cho  gia đình X. là em X. có dấu hiệu không bình thường, cần phải khám và làm các xét nghiệm, chứ không phải có năng lượng siêu nhiên như “thầy cúng” phán. X. cần phải nhập viện để điều trị. Sau một thời gian điều trị, em X. đã ổn định về tâm lý, tránh được tình trạng hoang tưởng.

Qua việc của X., có thể thấy rằng, nếu em X. được phát hiện sớm và đưa đến viện khám và có phác đồ điều trị sớm thì việc chữa trị sẽ nhanh hơn, việc nâng cao hiểu biết về bệnh tâm thần đối với cộng đồng còn quá hạn chế, người dân tin vào mê tín dị đoan đã làm cho bệnh bị phát hiện muộn, khó khăn trong việc tái khám và điều trị, tạo gánh nặng cho gia đình bệnh nhân và cộng đồng.

Qua đây, cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về áp lực học tập đối với học sinh trong việc gia tăng bệnh tâm thần.

Phát hiện sớm sẽ điều trị hiệu quả

Bác sĩ, Thạc sĩ Nguyễn Thế Mạnh, Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, trung bình mỗi ngày có 60-70 ca khám tại viện. Ở đây chủ yếu khám và điều trị những bệnh nhân tâm thần thể nhẹ nhưng số lượng người đến đây tăng theo từng năm.

Theo số liệu thống kê của viện, trong năm 2012, có 27.991 lượt người đến khám chữa bệnh, trong đó lứa tuổi từ 6-17 tuổi là 3.624 lượt người, từ 17 tuổi trở lên là 24.344 lượt người. Trong 11 tháng đầu năm 2013, số lượt khám chữa bệnh là 28.421 lượt người, trong đó người lớn là  24.415 lượt người, từ 6-17 tuổi là 4.006 lượt người, dưới 6 tuổi là 515 cháu. Trong đó, lứa tuổi thanh thiếu niên đến khám ở viện chiếm từ 10% - 20%.

Theo khảo sát sức khỏe tâm thần học sinh trường học TP Hà Nội bằng công cụ thang SDQ của Tổ chức Y tế Thế giới chuẩn hóa Việt Nam của Dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh trường học Hà Nội - Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương - Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm Sức khỏe tâm thần quốc tế Đại học Melbourne, Australia cho thấy: 19,46 % học sinh trong độ tuổi từ 10-16 tuổi gặp trục trặc về sức khỏe tâm thần. Trong khi đó, hiểu biết về chăm sóc sức khỏe tâm thần còn rất hạn chế.

Theo bác sĩ Lê Đào Nghĩa, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, trong thời gian qua, nhiều loại bệnh có xu hướng tăng, nhất là bị rối loạn tâm thần chủ yếu rơi vào độ tuổi thanh thiếu niên, nhân cách chưa ổn định. Độ tuổi này thường có những thay đổi tâm lý. Thực tế này ảnh hưởng đến sức lao động, sản xuất của xã hội do đây là lực lượng lao động chính. Ước chừng khoảng 15-20% thanh thiếu niên có các rối loạn về sức khỏe tâm thần và cảm xúc cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nguyên nhân của căn bệnh này có thể từ các yếu tố sinh học (như di truyền, cân bằng sinh hóa trong cơ thể, tổn thương hệ thần kinh T.W), yếu tố môi trường như bị bạo hành, bị thảm họa, mất người thân, cho đến sự bảo bọc, nuông chiều thái quá của những người xung quanh... Ngoài ra, những em nghiện ma túy, nghiện game cũng sinh ra triệu chứng này. Vì vậy, khi gia đình phát hiện trẻ có dấu hiệu rối loạn tâm thần cần phải đưa đi điều trị sớm, rút ngắn được thời gian điều trị và khả năng khỏi bệnh cao. Nếu để lâu, bệnh có thể nặng hơn và phát triển thành bệnh lý thần kinh như tự kỷ, tâm thần… rất khó chữa trị hoặc chữa trị rất lâu. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy tạo không gian và thời gian chăm sóc, gần gũi, chia sẻ, quan tâm đến phát triển tâm lý của trẻ. Đặc biệt là cần phải bố trí thời gian học tập hợp lý cho trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thế Mạnh khuyến cáo, để phòng và chữa bệnh kịp thời thì trước hết cần phải tuyên truyền phổ biến kiến thức, nâng cao sức khỏe tâm thần cho cộng đồng, khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh cần phải đưa đi thăm khám kịp thời. Trong chăm sóc và điều trị bệnh cần kết hợp liệu pháp hóa dược và phương pháp trị liệu tâm lý để giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và hòa nhập với cuộc sống. Trong đó, trị liệu tâm lý có vai trò quan trọng, giúp người bệnh giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, hạn chế tối đa khả năng tái phát bệnh xảy ra

Lưu Hiệp
.
.
.