Giả mạo giấy tờ, chiếm đoạt tiền bồi thường dự án

Thứ Năm, 21/02/2008, 10:04
Tuy đã được Tổng Cty Mía đường II cấp nhà hoặc cấp đất ở nơi khác, nhưng "bộ ba" Lê Minh Diện, Nguyễn Cao Hùng, Đỗ Hải Triều (cán bộ của Tổng Công ty) vẫn ký vào những hồ sơ làm giả để họ có hộ khẩu, được cấp nhà tập thể tại nhà khách… để đề nghị Ban Quản lý dự án quận 4 đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho họ.

Căn cứ kết quả xác minh hành vi hợp thức hóa 10 căn hộ tập thể để nhận tiền đền bù giải tỏa, nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân, xảy ra tại Tổng Công ty Mía đường II TP HCM gây thiệt hại trên 2 tỷ đồng, ngày 20/2, Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt giam 3 tháng đối với Lê Minh Diện (63 tuổi), ngụ tại số 337/2/12 đường Lê Văn Sỹ, phường 1, quận Tân Bình, TP HCM, nguyên là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Mía đường II, TP HCM về hành vi "Đưa ra chủ trương và ký các văn bản báo cáo không đúng thực tế, hợp thức hóa hồ sơ 10 căn nhà tập thể để 10 hộ CBCNV thuộc Công ty Mía đường II đứng tên nhận tiền bồi thường, hỗ trợ từ 2 dự án về môi trường nước trên địa bàn quận 4, gây thiệt hại cho Nhà nước trên 2 tỉ đồng;

tống đạt quyết định bắt giam 3 tháng đối với Đỗ Hải Triều (57 tuổi), ngụ tại số 88 đường Ký Hòa phường 11, quận 5, TP HCM. Hiện tạm trú tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nguyên là Chánh văn phòng Tổng Công ty Mía đường II về hành vi hợp thức hóa hồ sơ 10 căn nhà của 10 hộ tập thể thuộc Tổng Công ty Mía đường II…;

Ủy quyền cho Cục CSĐT tội phạm về kinh tế - Bộ Công an tại Hà Nội tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt giam 3 tháng đối với Nguyễn Cao Hùng (56 tuổi), ngụ tại 256 đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM là Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Mía đường II - đang công tác tại Hà Nội.

Trong hai năm 2002, 2003 có hai dự án dính tới khuôn viên của Tổng Công ty Mía đường II (Tổng Cty MĐ II)  có trụ sở đóng tại quận 4, TP HCM. Đó là, ngày 25/2/2002, UBND TP HCM có quyết định về việc điều chỉnh, di chuyển các hộ dân cư, cơ quan, đơn vị, vật kiến trúc khác và đền bù, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư trong dự án cải thiện môi trường nước TP HCM lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 1 (2001-2006) trên địa bàn quận 4.

Tiếp đó, ngày 29/10/2002, UBND TP HCM phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư thuộc dự án này với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho 708 hộ bị giải toả số tiền trên 253 tỷ đồng. Trong đó khuôn viên nhà khách của Tổng Cty MĐ II chỉ được hỗ trợ đền bù giá trị công trình xây dựng trên đất trị giá khoảng 100 triệu đồng.

Lê Minh Diện tại cơ quan điều tra Bộ Công an.

Ông Lê Minh Diện, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty và ông Nguyễn Cao Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cùng thống nhất đưa ra chủ trương tiến hành làm thủ tục hợp thức hoá cho một số CBCNV của Tổng Cty MĐ II  đứng tên được cấp căn hộ tập thể trong nhà khách để nhận số tiền đền bù, hỗ trợ giải toả cao hơn gấp nhiều lần.

Lãnh đạo Tổng Cty MĐ II sau nhiều cuộc họp đã thống nhất giao cho ông Đỗ Hải Triều, Chánh Văn phòng Tổng Cty MĐ II lo thủ tục, soạn thảo các văn bản và hợp thức hoá hồ sơ theo hướng để 3 hộ CBCNV là Trần Thị Sơn, Lê Đức Tài và Nguyễn Xuân Thu đã được cấp nhà tập thể tại nhà khách với mục đích sau khi nhận tiền đền bù cao hơn, 3 hộ này sẽ nộp lại tiền cho Tổng Công ty.

Tuy cả 3 hộ CBCNV nói trên, trước đó đều được Tổng Cty MĐ II cấp nhà hoặc cấp đất ở nơi khác, nhưng "bộ ba" Lê Minh Diện, Nguyễn Cao Hùng, Đỗ Hải Triều vẫn ký vào những hồ sơ làm giả để họ có hộ khẩu, được cấp nhà tập thể tại nhà khách… để đề nghị Ban Quản lý dự án quận 4 (Ban QLDA) đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho họ.

Cụ thể, bà Trần Thị Sơn từng được cấp một căn hộ hai tầng lầu trên đường Cao Thắng quận Phú Nhuận (thuộc cư xá Liên Hiệp Mía đường II) từ tháng 4/1984 do vậy, đến thời điểm giải toả nhà khách Tổng Công ty, bà Sơn không thuộc diện được đền bù, hỗ trợ thiệt hại. Tuy nhiên, bằng thủ đoạn "phù phép" nói trên, ngày 19/4/2004, bà Sơn đã được Ban QLDA chi trả hơn 474 triệu đồng.

Tương tự, ông Lê Đức Tài đã được Tổng Cty MĐ II cấp lô đất có diện tích 4x12m tại khu quy hoạch nhà của Tổng Công ty ở phường Tân Thuận Tây, quận 7 từ tháng 5/1998, nên cũng không thuộc diện được đền bù, giải toả nhà khách Tổng Cty MĐ II, nhưng vẫn được Ban QLDA chi trả trên 319 triệu đồng; ông Nguyễn Xuân Thu cũng không thuộc diện được đền bù, hỗ trợ thiệt hại do đã được cấp đất từ năm 1993, nhưng vẫn được chi trả trên 469 triệu đồng. Tổng số tiền 3 hộ nhận tiền đền bù hỗ trợ là trên 1,2 tỷ đồng.

Ngày 16/1/2003, Hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư, sửa chữa, phục hồi Cầu Mống (giai đoạn 2) do UBND quận 4 làm chủ đầu tư ban hành phương án đền bù, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư với tổng giá trị dự án phải hỗ trợ hơn 4,1 tỷ đồng.

Cũng bằng thủ đoạn tương tự Tổng Cty MĐ II lại một lần nữa làm giả hồ sơ để "hô biến" nhà khách Tổng Cty MĐ II thành nhà riêng, "bộ ba" Lê Minh Diện, Nguyễn Cao Hùng, Đỗ Hải Triều thống nhất phù phép nhằm hợp thức hoá hồ sơ 7 căn nhà tập thể cho CBCNV của Tổng Cty MĐ II  nhằm để nhận được số tiền đền bù, hỗ trợ cao hơn.

Theo thoả thuận, 7 hộ sẽ được chia theo tỷ lệ mỗi cá nhân được hưởng 50%, còn lại 50% nộp về Tổng Công ty. Kết quả trong tháng 11/2004, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 4 đã chi tiền đền bù cho các hộ nói trên hơn 1 tỷ đồng. Sau khi nhận đủ số tiền nói trên, các hộ này không nộp lại Tổng Cty MĐ II và bỏ việc cơ quan từ thời gian đó.

Kết quả xác minh của cơ quan chức năng còn cho thấy, hầu hết các hộ nói trên đều đã được Tổng Cty MĐ II cấp đất hoặc cấp nhà từ năm 1998 hoặc đã thôi việc từ trước thời điểm giải toả 7 căn nhà tập thể của Tổng Cty MĐ II  nên không thuộc diện được đền bù, hỗ trợ của dự án này

Phương Nam
.
.
.