Già làng người Dao tâm huyết với công tác an ninh

Thứ Tư, 28/05/2014, 19:59
Nhắc tới già làng Bàn Sinh Lương, ở xóm Đồng Chụa, xã Thống Nhất, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), người dân trong xã đều dành những lời tốt đẹp, kính trọng, khâm phục. Nhờ những đóng góp không biết mệt mỏi mà già Lương đã làm thay đổi cơ bản những phong tục, tập quán cũ kỹ, lạc hậu tồn tại bao đời nay trong đời sống cộng đồng người Dao ở xã Thống Nhất.

Câu chuyện của già làng Bàn Sinh Lương đưa chúng tôi trở lại giai đoạn khó khăn, thiếu thốn của người Dao trước đây. Ngày đó, cuộc sống bà con dân tộc Dao ở xóm Đồng Chụa gặp vô vàn khó khăn, số hộ đói, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Hơn nữa, những phong tục tập quán lạc hậu được lưu truyền qua nhiều thế hệ, gây nhiều phiền phức trong cộng đồng.

Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, già làng Bàn Sinh Lương quyết định phải thay đổi ngay những tập tục lạc hậu của bà con, trước hết phải thực hiện việc này từ dòng họ của mình. Với suy nghĩ đó, già Lương đã triệu tập cuộc họp dòng họ, thống nhất với các gia đình đưa việc cải cách phong tục tập quán vào hương ước của dòng họ, theo đó mọi lễ nghi đều được thực hiện theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện thực tế, song vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc Dao.

Già làng Bàn Sinh Lương (thứ 2 từ trái sang) chứng kiến lễ ký kết xây dựng bản Dao văn hóa – an ninh.

Trước đây, gia đình nào có việc cưới, việc tang đều tổ chức linh đình cả tuần trời, phải mổ trâu bò, lợn, gà mời cả bản, cả dòng họ. Gia đình chú rể phải có cả vài trăm lít rượu mới lấy được vợ… thì nay việc cưới xin, ma chay đã được cải thiện rất nhiều, người chết không được để trong nhà quá 3 ngày, uống rượu phải hạn chế, không được uống say, nếu uống rượu để xảy ra vụ việc, gây mất an ninh trật tự thì chủ gia đình phải chịu các hình thức kỷ luật của dòng họ. Già Lương lại kiên trì giáo dục, thuyết phục mọi người, trước hết là con cháu trong dòng họ, sau đó vận động đến các gia đình khác trong xóm, trong xã, thế rồi dần dần mọi người đều nhận ra và ủng hộ việc làm của già Lương. Trong các cuộc họp, già đều nhắc nhở, giáo dục con cháu trong gia đình, dòng họ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không mắc các thói hư, tật xấu ngoài xã hội, không nghiện ma túy, cờ bạc, mại dâm... Già Lương cũng lưu ý con cháu ngay cả những việc nhỏ, như: đi đường phải đội mũ bảo hiểm, không đi hàng hai, hàng ba... Già Lương cũng kiến nghị các đồng chí Công an xã xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm răn đe, giáo dục người khác.

Sau khi thống nhất ý kiến, già Lương cẩn thận ghi chép vào hương ước, quy ước của dòng họ và tổ chức ký cam kết thực hiện. Già cho rằng, muốn xây dựng bản làng giàu đẹp thì trước hết, công tác an ninh, trật tự phải được đặt lên hàng đầu. Mới đây nhất, trong xóm xảy ra một vấn đề phức tạp, liên quan tới tranh chấp đất đai. Sau khi nắm bắt vấn đề, già Lương đã nhiều lần gặp gỡ, đối thoại với 2 bên gia đình nhằm tìm biện pháp giải quyết hợp tình, hợp lý. Nhờ sự kiên trì, bền bỉ của già Lương mà đôi bên đã vui vẻ chấp thuận, tình làng nghĩa xóm được gắn kết trở lại. Già Lương cũng là người đã khởi xướng mô hình điểm bản người Dao “văn hóa – an ninh” ở chính quê hương xóm Đồng Chụa, xã Thống Nhất của mình, do vậy trong năm qua, không chỉ trong dòng họ của ông, xóm người Dao của ông, mà cả xã Thống Nhất không xảy ra vụ việc phức tạp nào về an ninh, trật tự, không có tai tệ nạn xã hội...

Như Hùng
.
.
.