Già làng cả cuộc đời chăm cột mốc biên cương

Chủ Nhật, 12/01/2014, 14:15
Không nổi tiếng, không nhiều người biết đến bởi cả cuộc đời Hồ Mút sống giữa rừng sâu đặc quánh của núi rừng Trường Sơn. Nhưng khi gặp ông, thấy việc ông làm, chúng tôi thực sự xúc động. Gần 60 năm, Hồ Mút tự nguyện chăm cột mốc biên giới N11 (Việt - Lào).

Nhiều lần bị thú dữ đuổi, nhiều lần đau do gặp mưa rừng, không ít lần nhịn đói vì khi lên cột mốc trở về gặp lũ... nhưng Hồ Mút vẫn cần mẫn với công việc chăm chút cột mốc của mình bởi đơn giản như ông nói "Cột mốc là hàng rào, phải làm cho cột mốc sáng thì hàng rào mới đẹp và 2 nước bên này bên kia mới thương quý nhau".

Điểm tựa tinh thần của người Mày

Xuân này Hồ Mút đã bước qua tuổi 75, và hai phần ba đời người ông đã dành để chăm chút cột mốc biên cương. Ngày đầu lên chăm cột mốc Hồ Mút không biết là ngày nào, nhưng hơn 50 mùa rẫy rồi Hồ Mút chăm cột mốc, điều này thì ông nhớ rõ lắm. Cột mốc N11 ở Quảng Bình nằm trên đỉnh núi bốn mùa mây phủ, đường lên cột mốc len lỏi qua những dòng suối sâu, những dốc đá lởm chởm, dựng đứng, luôn làm mỏi gối Hồ Mút. Nhưng không vì thế cản được bước chân ông. Hồ Mút lên cột mốc bằng cả tấm lòng chân thành của đồng bào Mày với cách mạng, với quê hương. "Lâu lắm rồi, mình đi rừng bắt con thú về thấy mấy anh bộ đội bồng súng đứng thẳng hàng chào cái cột xi măng (cột mốc), mình thấy lạ lắm. Anh bộ đội cho biết có cái cột là để biết nước mình nước bạn, từ đó mình yêu thương cái cột mốc giữa núi rừng", Hồ Mút cho biết vậy.

Việc lên cột mốc của Hồ Mút hoàn toàn tự nguyện, không do chính quyền hay đơn vị Biên phòng nào giao. Công việc khi lên đến cột mốc của Hồ Mút là lau chùi 4 mặt cột mốc cho sạch sẽ, rồi Hồ Mút dùng cuốc, rựa phát quang cỏ, cây cối mọc quanh mốc biên giới. Mỗi lần từ cột mốc trở về, Hồ Mút lại tìm đến trạm Biên phòng ở Trọng Hóa, Quảng Bình để báo cột mốc có bị mưa lũ xói mòn, xô ngã không, còn rõ chữ không... Công việc chỉ có vậy, nhưng để thực hiện được không hề giản đơn chút nào. Để lên đến cột mốc, Hồ Mút phải đùm cơm, khoai, vác dao, cuốc... đi mất vài ngày đường rừng. Đêm để tránh con thú, Hồ Mút đã nhiều lần phải leo lên cây rừng rồi dùng dây rừng buộc mình vào cây để ngủ. Nhiều lần lên cột mốc trở về, gặp lũ lớn cắt đường, Hồ Mút đã phải nhịn đói cả tuần lễ chờ nước rút mới lần về đến nhà.

Già làng Hồ Mút và con trai Hồ Lê cùng các chiến sĩ Biên phòng bên cột mốc N11.

Đã bao lần lên với cột mốc rồi, nhưng mỗi lần lên với cột mốc Hồ Mút vẫn thấy bồi hồi như với một chuyến hành hương tìm về với cội nguồn. Những ngày xưa trẻ, Hồ Mút sống giữa đất rừng, ăn cái cây con thú ngọt lành, uống cái nước trong mát của rừng. Mỗi khi đi rừng mệt chân mỏi gối, ngang qua cột mốc là Hồ Mút lại ngồi nghỉ, lưng dựa vào cột mốc như một điểm tựa. Lâu thành quen. Rồi đi đâu xa trong rừng hoang vắng, Hồ Mút cũng tìm về với nơi có cái cột mốc xi măng yên lặng ấy, như một định vị cho con đường trở về bản Xòn. Bên cạnh việc giữ gìn bảo vệ cột mốc, Hồ Mút còn là người giữ nhiều "kỷ lục" nhất vùng của bà con người Mày; Hồ Mút là người đầu tiên được bà con trong bản cử đi bộ đội, được kết nạp Đảng, có nhiều huân, huy chương, kỷ niệm chương...

Nói về công việc của chồng, bà Hồ Thị Đăn nói: “Ngày nắng hay ngày mưa dầm chi ông Hồ Mút cũng đi. Đi mãi rồi từ ngày trẻ, nay người già rồi ông cũng cứ sắp sắp nửa tháng là lại chống gậy đi thăm, quét dọn, lau chùi cột mốc”. Biết bao mùa rẫy qua rồi gia đình quen với sự vắng mặt của Hồ Mút trong nhà. Dân bản cũng quen với hình ảnh Hồ Mút đeo xắc cơm nắm, bình toong nước uống, một mình lầm lũi lên với cột mốc.

"Đồng đội" của những người lính vùng biên

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai vẫn coi Hồ Mút là một “biên chế không danh sách”, “người lính biên phòng” không lương, là người đồng đội mẫn cán và đáng tin cậy của đồn. Khi nhắc đến ông, nhiều người lính vẫn nói vui ông là một người lính... vượt khung tuổi quân. Những người lính trẻ biên phòng yên tâm hơn khi hằng ngày trên đường tuần tra biên giới, như vẫn ẩn hiện đâu đó hình bóng vững chãi của Hồ Mút giữa rừng xanh đại ngàn Trường Sơn. Khi nói về Hồ Mút, nhiều cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Quảng Bình xúc động cho rằng: Gần sáu mươi năm Hồ Mút tự nguyện gắn bó với đường biên, với cột mốc N11, Hồ Mút là tấm gương cho nhiều người lính biên cương noi theo. Hồ Mút xem cột mốc như là nhà của mình. Nhờ có Hồ Mút mà dù cột mốc ở cách xa đồn nhưng vẫn được chăm sóc, bảo quản rất tốt.

Khi nào tuần tra lên cột mốc thấy cột mốc sạch sẽ, phong quang cây cỏ là biết Hồ Mút đã lại lên rồi. Trong sâu thẳm của mình, Hồ Mút hiểu là khi cột mốc N11 còn đứng yên trên đỉnh núi cao Giăng Màn thì bản làng của ông, gia đình của ông đang sống bình yên giữa núi rừng. Sau gần 60 năm gắn bó với cột mốc, tuổi đã cao nay chân Hồ Mút đã mỏi mất rồi. Nhưng trong chuyến lên cột mốc hôm nay, bên cạnh những người lính biên phòng ở đồn Ra Mai còn có thêm một thành viên mới, đó là Hồ Lê, người con trai út của Hồ Mút. Hồ Lê sẽ tiếp nối công việc của cha mình, của người Mày. Hồ Lê sẽ tiếp tục lên cột mốc, bởi nơi cột mốc là trái tim của nhiều người dân luôn ngắm tới với lòng tự hào đất Việt

Sông Lam - Minh Lợi
.
.
.