Gia đình trẻ sơ sinh viêm phổi tiếp tục khiếu nại BV Pháp Việt

Thứ Ba, 06/01/2009, 10:20
Vấn đề cốt lõi mà gia đình anh T. khiếu nại là muốn BV Pháp Việt nhận trách nhiệm một cách có thiện chí là con anh có chuyện bị sặc sữa hay không. Nếu có thì trách nhiệm của từng người tham gia vào ê kíp tới đâu.
>> Một trẻ sơ sinh viêm phổi tại BV Việt Pháp

Vụ việc bức xúc của vợ chồng anh V.K.T. (ngụ tại Phú Nhuận) TP Hồ Chí Minh cho rằng ê kíp dưỡng Nhi tại khoa sản Bệnh viện (BV) Pháp Việt (FV) TP Hồ Chí Minh đã sơ suất tùy tiện trong quy trình chăm sóc gây hậu quả nghiêm trọng cho con gái anh mới sinh bị sặc sữa dẫn tới viêm phổi vẫn đang được gia đình anh T. "muốn đi tới cùng sự việc".

Nguyên nhân cũng vì những lời giải thích từ phía BV chưa làm thỏa mãn thắc mắc của gia đình và những ý kiến từ một số nhà chuyên môn cho thấy vụ việc còn nhiều vấn đề cần suy xét. Mới đây, anh T. tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên Ban Giám đốc, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhờ can thiệp.

Thiện chí hay "công nghệ" đối phó?

Vấn đề cốt lõi mà gia đình anh T. khiếu nại là muốn BV nhận trách nhiệm một cách có thiện chí là con anh có chuyện bị sặc sữa hay không. Nếu có thì trách nhiệm của từng người tham gia vào ê kíp tới đâu.

Giải thích nguyên nhân của BV cho rằng con anh nhiễm vi khuẩn Streptococus B và Staphylococus spp do hít phải nước ối lây truyền từ mẹ sang con đã bị anh T. và gia đình phản đối với các lý do: Chị T. vợ anh đã được BV FV nhận theo dõi trọn gói với kết quả tốt không có gì bất thường cho tới tận lúc sinh.

Hồ sơ trọn gói cũng có xác nhận sản phụ bình thường trong tất cả các xét nghiệm, khám định kỳ, kể cả kết quả xét nghiệm nước ối gửi mẫu sang tận Pháp.

Một chi tiết vô lý nữa theo anh là BV không hề cho anh chị biết ngay sau khi ra đời con anh đã có nghi vấn bị hít phải nước ối nhiễm phân su nên phải làm các xét nghiệm cũng như theo dõi đặc biệt hay việc bị nhiễm 2 vi khuẩn trên mà gia đình chỉ được báo vào ngày 6/10 (tức sau 6 ngày con anh gặp sự cố khi cho bú bình).

Nhiễm khuẩn sơ sinh dẫn tới viêm phổi - các nhà chuyên môn nói gì?

Theo bác sĩ Phạm Văn Ánh, Phó thường trực Nhi sơ sinh BV Phụ sản quốc tế Sài Gòn, có khá nhiều tình huống có thể nghĩ tới trên một bệnh cảnh nhiễm khuẩn - nhiễm trùng sơ sinh (NTSS) gây viêm phổi suy hô hấp sau 2 tiếng. Có thể trẻ bị bệnh màng trong. Những trường hợp này sau 1 - 2 giờ mới có triệu chứng suy hô hấp (SHH). Nhưng thường rơi vào những trẻ do sinh non tháng.

Hai là do viêm phổi bẩm sinh.Tức viêm phổi ngay từ trong bào thai. Trong thai kỳ mẹ bị nhiễm vi trùng sinh dục thâm nhập vào nước ối. Khi bị bệnh này có bé bị SHH ngay sau sinh hoặc có bé sau 1 - 2 giờ. Triệu chứng là tím tái suy hô hấp.

Hít phải nước ối nhiễm phân su có thể xảy ra ngay từ trong bụng mẹ khi bị dây rốn quấn cổ, chèn ép, trẻ không được cung cấp đủ oxy gây phản xạ hít thở ngay trong bụng mẹ, nhu động ruột tăng tống suất phân su ra và hít vào phổi. Hít phân su cũng có thể xảy ra ngay lúc sinh khi miệng đầy phân su mà việc làm vệ sinh sơ sót, hay khi cho bú cữ đầu tiên mà trẻ chưa được hút hết phân su ra ngoài và lần nút sữa đầu tiên chỉ cần hít phải vài giọt cũng đủ viêm phổi...

Nhiễm vi khuẩn Streptococus B và Staphylococus spp từ nước ối có được khi cấy dịch ối hay máu của em bé, dịch tiết từ dạ dày, nuôi cấy kháng sinh đồ… nhưng tình huống này không phổ biến lắm.

Khi bị NTSS thường dẫn tới nhiễm trùng huyết hoặc viêm màng não nên điều trị phối hợp nhiều kháng sinh và nguy cơ tử vong cao. Xác suất tử vong do NTSS cao thường từ 27 - 36%. Một bệnh cảnh NTSS sớm (trước 3 ngày tuổi) thường là bị ngay lúc sinh hoặc lây mẹ từ trong bào thai. NTSS muộn (sau 3 ngày tuổi) có thể do sơ sót trong khâu chăm sóc bệnh nhi.

Trao đổi với bác sĩ Trần Thị Việt - Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 cũng cho biết, kết quả nghi ngay khi mới ra đời bé đã có những dấu hiệu phổi có nguy cơ bị nhiễm trùng nước ối nhuốm màu phân su thì có thể kiểm chứng lại ghi chép nhật ký quá trình sinh của sản phụ. Sinh thường hay sinh khó?

Nếu bị nhiễm vi trùng nước ối phân su bé sẽ bị tím tái ngay từ khi ra đời. Và kèm theo là các triệu chứng tím tái cũng như trong phổi kết quả sẽ phát hiện có chất dịch lỏng. Khác với sặc sữa sẽ có dịch (rất ít) và nếu sặc sữa sẽ phải xảy ra trong thời gian bú lâu.

Gia đình anh T. khó có thể tránh bức xúc khi cho tới nay dù đã hơn 2 tháng sau khi xảy ra vụ việc nhưng yêu cầu của gia đình được gặp gỡ với 2 nữ điều dưỡng Tuyền và Loan trực ca hôm đó nhưng BV đã lấy nhiều lý do mà tới nay anh chị T. vẫn chưa gặp để đối chất… Anh T. còn đề nghị cơ quan quản lý xem lại chất lượng điều trị với mức thu viện phí cùng giá thuốc tại đây rất cao trong khi chất lượng điều trị cho bệnh nhân hoàn toàn không tương xứng...

N.H.
.
.
.