Gia đình ngư dân bị Hải quân Indonesia bắt giữ

Thứ Năm, 18/12/2008, 08:21
Những ngày qua, gia đình của ngư dân Nguyễn Văn Đốc (ở thôn Đệ Đức 3, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) cầu cứu khắp nơi từ UBND huyện, UBND tỉnh cho đến Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh vì chuyện anh bị Hải quân Indonesia bắt giữ gần 2 tháng qua.

Bị bắt vì xâm phạm lãnh hải

Theo thông tin từ phía gia đình, anh Đốc là chủ tàu câu mực BĐ 0219 TS thường xuyên hoạt động đánh bắt tại các ngư trường phía Nam. Lúc bị bắt, tàu BĐ 0219 TS có 9 người gồm thuyền trưởng (anh Đốc) và 8 ngư dân "đi bạn".

Sau khi bắt tàu, Hải quân Indonesia thả ngay 7 người đi bạn trên tàu về nước, chỉ giữ lại 1 thuyền trưởng và lái tàu tên Huỳnh Văn Trường (35 tuổi, trú thôn Đệ Đức 3, xã Hoài Nhơn).

Khi về nước, 6 trong 7 ngư dân đi bạn vì quá sợ hãi đã bỏ về quê ở tỉnh Thanh Hoá không dám đi bạn cho các tàu khác. Hơn một tháng sau, anh Huỳnh Văn Trường cũng được Hải quân Indonesia thả về nước nhưng do hoảng sợ  nên không dám tính chuyện "đi bạn" mà ở nhà phụ vợ vá lưới kiếm tiền nuôi con.

Anh Trường kể lại: "Tàu BĐ 0219 TS xuất phát từ bờ biển Vũng Tàu vào ngày 18/10 đến đảo Côn Sơn (Vũng Tàu) nghỉ chân vào tối 19/10 và ngày hôm sau chạy tiếp ra khơi để tiến hành câu mực".

"Khoảng 11h ngày 20/10, khi thuyền trưởng vừa xem máy định vị trên biển biết là lãnh hải của Indonesia thì  tàu Hải quân  nước bạn ập đến. Phía Indonesia yêu cầu tất cả thuyền viên tàu BĐ 0219 TS sang tàu của mình rồi phái 2 nhân viên sang "khám xét" và kéo tàu BĐ 0219 TS về". 

"Trên đường đi, tàu của Hải quân Indonesia tiếp tục bắt thêm 4 tàu câu mực khác của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu cũng xâm phạm lãnh hải. Sau đó, Hải quân Indonesia đã gom tất cả thuyền viên Việt Nam sang một tàu của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu để trở về nước. Tôi, anh Đốc cùng các chủ tàu câu mực còn lại bị bắt về đảo Natona (Indonesia). Tại Natona, các ngư dân Việt Nam đều bị cạo trọc đầu và 2 đến 3 ngày lại cạo một lần".

Mỗi ngày một lon gạo

Chị Phan Thị Phượng (33 tuổi), vợ anh Đốc cho biết: Ngày 20/10 bị bắt nhưng mãi đến ngày 24/10, anh Đốc mới nhờ được bộ đàm trên tàu của một ngư dân Indonesia liên lạc về nhà để báo tin mình bị bắt. Từ đó đến nay đã gần 2 tháng nhưng mỗi tuần anh Đốc chỉ điện về nhà một lần rất ngắn ngủi để hỏi thăm, động viên người trong gia đình.

Phía Indonesia tuy không đánh đập nhưng lại giam lỏng, mỗi khi liên lạc về nhà phải lén lút, nếu không sẽ bị  phạt nặng. Mỗi ngày, các chủ tàu bị giam được cấp một lon gạo để ăn, vì không có tiền, anh Đốc phải lượm dừa rơi trên đảo để xào nấu làm thức ăn.

Ngay sau khi anh Trường về nước, biết cuộc sống của chồng khó khăn, chị Phượng đã nhờ các ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu sang đảo Natona chuộc tàu gửi cho anh Đốc 400 USD để chi tiêu. Theo anh Trường cho biết, có rất nhiều ngư dân Việt Nam bị bắt giam tại đảo Natona vì xâm phạm lãnh hải của Indonesia. Các chủ tàu này thường bị giam một thời gian rồi mới được đưa ra xét xử.

Trường hợp của anh Đốc phải chờ ra Tết Kỷ Sửu mới đến phiên xét xử. Chị Phượng than thở: "Số tiền phía nước bạn yêu cầu chuộc tàu lên đến gần 1 tỷ đồng nên gia đình không thể đáp ứng nổi. Phen này chắc phá sản mất thôi".

Ngay sau khi anh Đốc bị bắt, chị Phượng cùng những người trong gia đình làm đơn cầu cứu gửi Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh để nhờ can thiệp. UBND huyện Hoài Nhơn cũng đã có văn bản trình lên nhờ UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đề nghị các cơ quan chức năng của Trung ương can thiệp, giúp đỡ cho anh Đốc sớm được hồi hương

Hoàng Minh
.
.
.