Gia cảnh khốn khó của cháu nội vua Thành Thái
- Cháu ngoại vua Thành Thái nặng lòng với công tác bảo vệ cổ vật triều Nguyễn
- Chiêm ngưỡng xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh sau hơn 1 thế kỷ lưu lạc ở Pháp
Trong ngày giỗ 3 vị vua: Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân do Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế tổ chức tại An Lăng vào ngày 24-3, có sự tham dự của ông Nguyễn Phước Bảo Tài (52 tuổi) - con trai út của hoàng tử Nguyễn Phước Vĩnh Giu và là cháu nội của vua Thành Thái, vị vua thứ 10 của triều đại nhà Nguyễn.
Ít ai biết được, vợ chồng ông Tài đang phải thuê trọ tại phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, lấy nghề chạy xe ôm, phụ hồ để mưu sinh, kiếm tiền chữa bệnh cho con gái...
Chúng tôi tình cờ gặp ông Tài cùng vợ và cô con gái tật nguyền từ TP Hồ Chí Minh ra Huế dự lễ giỗ các vị vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân.
Đứng trước mộ ông nội mình là vua Thành Thái và những người thân, ông Tài xúc động nói: “Cuộc sống quá khốn khó nên dù sống cách Huế có hơn 1.000 cây số, nhưng ước mơ được trở về Huế thăm mộ cha và ông nội suốt gần một thập kỷ nay vợ chồng tôi mới thực hiện được”.
Vợ chồng ông Tài và người con gái tật nguyền trở về Huế dự lễ húy kỵ vua Thành Thái, sau bao năm xa cách. |
Ông Tài kể rằng, vua Thành Thái lên ngôi năm 1889, là vị vua thứ 10 trong 13 vị vua triều Nguyễn. Sau khi đăng cơ, vì tư tưởng chống Pháp nên vua bị thực dân Pháp truất ngôi và bị lưu đày sang đảo Reunion, một hòn đảo nhỏ là thuộc địa của Pháp hồi bấy giờ.
Sau hơn 30 năm lưu đày ở xứ người, nhà vua cùng gia đình được Pháp cho trở lại Việt Nam vào năm 1947 và sống ở tại Vũng Tàu, riêng những người con cả của nhà vua thì lưu lạc khắp nơi.
“Trong đó, cha tôi là hoàng tử Vĩnh Giu (em ruột vua Duy Tân, con thứ 19 của vua Thành Thái và thứ phi Chí Lạc) bị người Pháp đưa về Cần Thơ làm ngành công chánh (cầu đường). Sau này ông lập gia đình và sinh ra 7 người con, tôi là con út.
Dù là dòng dõi hoàng tộc, nhưng vì bị người Pháp gây khó dễ nên hồi ấy, cuộc sống của gia đình rất khó khăn. Có thời điểm cha tôi phải làm nghề sửa xe đạp để nuôi vợ con. Cũng vì gia cảnh nghèo khó nên lúc ấy anh em tôi không ai được học hành đến nơi đến chốn cả”, ông Tài bùi ngùi nhớ lại chuyện xưa…
Năm 2004, tròn 40 tuổi, ông Tài lấy bà Nguyễn Bích Thủy, một người chung cảnh ngộ. Đến năm 2007, sau khi hoàng tử Vĩnh Giu mất, ông đưa hài cốt cha về an táng tại Huế. Và cũng từ đó đến nay, ông chưa có điều kiện để trở về Huế thăm mộ cha mình.
Trò chuyện với bà Thủy (vợ ông Tài), chúng tôi mới hiểu thêm gia cảnh khốn khó của người gọi vua Thành Thái là ông nội. Bà kể: “Sau khi lập gia đình với anh Tài, vợ chồng tôi sinh được một cháu gái, đặt tên Nguyễn Phước Thanh Tuyền. Thế nhưng, từ lúc mới sinh, cháu Tuyền đã mắc chứng bệnh liệt hệ thần kinh số 9, tứ chi không hoạt động được.
Năm nay đã 10 tuổi, nhưng việc sinh hoạt của cháu đều phải nhờ bố mẹ giúp đỡ. May thay mới đây, nhờ một thầy thuốc Đông y trị bệnh bằng phương pháp bấm huyệt nên từ nằm liệt giường, cháu đã có thể ngồi dậy được”.
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Tài, chính quyền địa phương và nhiều tấm lòng hảo tâm ủng hộ xây tặng một căn nhà tình nghĩa và một chiếc xe máy. Nhưng, từ giữa năm 2015, vợ chồng ông đành gửi ngôi nhà tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cho người quen, khăn gói lên TP Hồ Chí Minh thuê trọ ở phường An Lạc A, quận Bình Tân. Hằng ngày, ông chạy xe ôm, còn vợ đi làm phụ hồ để kiếm tiền lo thuốc thang cho người con gái có số phận kém may mắn…
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế nói rằng, sau khi biết thông tin về hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Tài, Trung tâm đã tạo điều kiện mua vé máy bay, miễn phí chỗ ăn, ở để đón gia đình ông ra Huế dự lễ húy kỵ 3 vị vua triều Nguyễn, qua đó giúp gia đình ông thực hiện ước nguyện trở lại Huế sau hơn 10 năm…