Ghé làng thịt chuột Xuân Cầu

Thứ Hai, 11/02/2008, 15:23
Một ngày giáp Tết, tôi qua thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên vào khoảng 17h chiều. Cảnh chợ quê khá đặc biệt, như các loại chợ khác gồm rau, hoa quả, thịt cá.v.v... Song ở đây có món hàng chiếm nhiều hơn cả là thịt chuột đồng. Đa phần chuột được làm sạch, luộc chín và bày trên mẹt lót lá chuối, mùi thịt bốc lên thơm phức.

Du khách sành ăn món này dù ở xa cũng mò về chợ tìm mua, bởi chỉ có ở đây mới đích thực là thịt chính phẩm- đặc sản do các thợ săn trong thôn vừa bắt về.

Hỏi thăm các thợ săn vào loại "sát thủ" bà con cho biết trong đó có ông Lê Việt. Không khó khăn lắm tôi tới được nhà ông. Đúng lúc tôi đến, vợ ông bắt đầu gắp từng con chuột to bằng cổ tay nom con nào con nấy trắng ởn, bốc khói thơm nghi ngút ra cái mẹt đưa ra chợ bán.

Ông Việt thì đang cất chiếc rọ nan, cái thuổng buộc từ xe máy Babetta- ông bảo đây là đồ nghề bắt chuột đấy! Là cựu chiến binh đã nghỉ hưu nhưng bản tính hay lam hay làm cùng với việc góp phần nâng cao kinh tế gia đình còn đang khó khăn. Trong lúc chưa biết tính toán làm gì, thế là ông quyết định đầu tư theo một số người chuyên đi bắt chuột đồng về bán hoặc làm thức ăn cải thiện.

Đầu tiên, ông tìm mua một chú chó con. Đây phải là giống chuyên săn bắt. Trước đây, mua một chú chó như vậy phải 1 triệu đồng. Bây giờ đắt hơn. Muốn chó bắt chuột tốt cần phải biết mẹ nó hoặc những con cùng mẹ sinh lứa trước nhưng đã có nghề săn chuột. Còn dáng chó thì "chân khoeo mèo", mõm nhọn.v.v... có biệt tài phát hiện các loại chuột nhỏ, chuột to.

Ông Việt bật mí: Muốn ăn chuột ngon, chính hiệu chuột đồng phải tầm tháng 10, tháng 11, lúc này chúng nằm hang, ít đi lại.

Săn bắt phải biết luồng có nghĩa là hướng đi của chúng, kể cả ở ruộng lúa, ao, hồ. Đi săn, ông thường phải đi xa nhà từ 10- 20km, từ 4h sáng đến 3h chiều mới về. Hành trang thì đơn giản. Một chiếc xe máy cà tàng, cùng cái rọ hoặc cái sọt to cho chó ngồi vào đó, một rọ kín đựng chuột, một cái thuổng và một nắm cơm ăn trưa.

Tới nơi, chú chó tự đi lùng sục, nếu phát hiện ra hang có chuột theo tín hiệu của nó. Nhìn hang mình sẽ biết chuột nhỏ hay chuột to hoặc rắn, ếch.v.v... Nếu chuột to thì mình chỉ đào vài nhát là chuột lao ra và chú chó tóm gọn ngay.

Gặp chó, chuột không hề dám chống cự, vì vậy chó không cần phải tốn công nên chuột không hề xước sát gì. Khi đó, chỉ việc bỏ vào rọ. Cứ như vậy, có ngày 3kg- 4kg, ngày nào nhiều thì 5kg.

Về tới nhà, các bà "phó săn" xắn tay làm thịt thoăn thoắt, luộc chín và mang ra chợ bán. Người mua về làm giả cầy, người luộc chấm với lá chanh, muối tiêu.v.v... rất hấp dẫn. Giá mỗi kg trước kia khoảng 15.000 đồng nay thì cao hơn tới 30.000- 40.000 đồng một kg.

Cứ như vậy, đã bao nhiêu năm với nghề này nhà ông Việt đã xây hai tầng cao ráo với đầy đủ tiện nghi cũng như nhiều gia đình thợ săn khác hoà chung sự đổi mới ở địa phương

Trần Mạnh Tuấn
.
.
.