Gặp lại ông chủ dự án "Thủy cung Thăng Long" Lê Tân Cương
Trong cuộc đời làm báo, tôi đã gặp khá nhiều người có mảng đời như thế. Ngã và sa vào vòng lao lý rồi tự đứng dậy ở chính nơi mà mình đã ngã xuống. Đó là một đoạn trường thấm đẫm mồ hôi - nước mắt và những cay nghiệt. Song bằng nghị lực của mình, sự động viên, chia sẻ của các cấp chính quyền, đoàn thể và ngành chức năng ở địa phương, họ đã làm lại cuộc đời với một khát vọng hoàn lương cháy bỏng. Ông chủ dự án "Thuỷ cung Thăng Long" Lê Tân Cương - Giám đốc Công ty TNHH Vạn Thiện là một người như thế.
Gặp lại Lê Tân Cương, nghe anh kể đôi chút về cuộc đời, tôi mới biết: Cương sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, gia đình ông bà nội của Cương là nơi nuôi dưỡng các cán bộ cách mạng nên đã được Nhà nước tặng Bằng "Có công với nước"; bố đẻ của Cương là ông Lê Triệu - một Đại tá Quân đội. Thoát ly gia đình từ năm 16 tuổi, cả cuộc đời ông Lê Triệu gắn liền quân ngũ và trận mạc. Còn mẹ Cương cũng là một phụ nữ can trường, bà tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Nay mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu song bà vẫn tích cực với nhiều hoạt động xã hội. Nhà có 5 anh chị em, anh cả của Lê Tân Cương cũng nối gót người cha và hiện cũng đang mang cấp hàm Đại tá Quân đội.
Sinh năm 1960, là người con thứ 2, sau khi tốt nghiệp trường phổ thông trung học, Lê Tân Cương thi đỗ vào Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau 5 năm theo học môn tiếng Nga ở trường, năm 1986, Cương tốt nghiệp. Thời đó nền kinh tế - xã hội ở đất nước ta còn gặp nhiều khó khăn, bức xúc; đặc biệt là nền sản xuất hàng hóa còn chưa phát triển, lạm phát ở mức độ phi mã. Trong bối cảnh ấy, sẵn có tấm bằng ngoại ngữ, Lê Tân Cương được lựa chọn làm quản lý và phiên dịch cho những người Việt Nam đi xuất khẩu lao động tại Liên bang Nga.
Là một chàng trai ở một quốc gia nghèo, lại vừa phải trải qua gần 30 năm chiến tranh, lần đầu tiên đặt chân đến đất nước Xô Viết, với Lê Tân Cương cũng như bao người lao động Việt Nam thời đó dường như bị choáng ngợp bởi đất nước và con người nơi đây.
Vốn là người ham hiểu biết, trong thời gian sống và làm việc ở quê hương Xôviết, ngoài thời gian dành cho việc quản lý, chỉ dẫn cho người lao động Việt Nam làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp của Nga, thời gian rảnh rỗi, Cương thực hiện nhiều chuyến đi đến nơi này, thành phố kia trên đất Nga. Tại các chuyến đi ấy, Lê Tân Cương được tận mắt nhìn thấy các khu du lịch, vui chơi giải trí ở nơi đây thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước Nga. Và cũng từ những chuyến đi ấy, Cương sớm nhận ra rằng ở Việt Nam tiềm năng để xây dựng các khu du lịch như thế đâu có ít nhưng vẫn chưa được khai phá.
Ấp ủ ước vọng sẽ đưa mô hình này về Việt Nam mỗi lúc một lớn dần trong Cương. Do vậy, sau 6 năm sống ở Liên bang Nga, năm 1995, Lê Tân Cương về nước mang theo niềm tin về việc lập dự án xây dựng một khu du lịch sinh thái. Theo Lê Tân Cương thì vào thời điểm ấy, Đảng và Nhà nước ta cũng có chủ trương xã hội hoá các công trình du lịch công cộng. Chắt chiu được số vốn kha khá sau những năm làm việc ở Liên bang Nga, trở lại Việt Nam, Lê Tân Cương xúc tiến thành lập Công ty Vạn Thiện với chức năng là thương mại, du lịch, vui chơi, giải trí nhằm tạo một sân chơi lành mạnh cho du khách trong và ngoài nước.
Thành lập Công ty được một thời gian, thấy địa bàn quận Tây Hồ - một khu vực tập trung nhiều danh lam thắng cảnh ở Thủ đô Hà Nội, nơi có Hồ Tây thơ mộng và quyến rũ, song rất tiếc những ưu thế ấy vẫn như một "nàng công chúa" ngủ quên chưa kịp đánh thức. Với ý nghĩ ấy, sau khi đi thăm và nghiên cứu kinh nghiệm quản lý ở một số khu du lịch tại TP HCM như Đầm Sen, khu du lịch Suối Tiên và tham khảo ý kiến một số chuyên gia Singapore và Hồng Kông về công tác thiết kế, Lê Tân Cương xúc tiến lập dự án "Thủy cung Thăng Long" trên đất Tây Hồ.
Ngày ấy mới chỉ nghe đến cụm từ "Thủy cung Thăng Long" thôi, ai cũng thấy hấp dẫn và mới lạ. Nhiều người hy vọng khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ là một tụ điểm thu hút và giữ chân các khách du lịch trong và ngoài nước. Còn đối với các cấp chính quyền ở Hà Nội vào thời điểm này có thể coi là một dự án du lịch lớn nhất trên địa bàn Thủ đô. Do quy mô của dự án nên trong quá trình thẩm định đã thu hút sự quan tâm của dư luận và xuất hiện nhiều ý kiến, thậm chí có một số ý kiến trái chiều nhau.
Nhưng rồi sau rất nhiều cuộc bàn thảo, tranh thủ ý kiến của các ngành chức năng ở Trung ương và Thủ đô Hà Nội, dự án với cái tên "Khu du lịch Văn hóa Thể thao Thăng Long" với tổng diện tích 22ha và vốn đầu tư 204 tỷ đồng đã được phê duyệt ở cấp Chính phủ. Mọi việc tưởng đầu đã xuôi đuôi tất sẽ lọt. Nhưng không, chỉ sau đó ít ngày dự án có cái tên mộng mơ ấy đã bị đổ bể. Một số người cho rằng đây chỉ là dự án "tay không bắt giặc". Có lẽ vì thế chăng mà Lê Tân Cương và một số người khác đã bị các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố và bắt giam.
Sau một thời gian điều tra, những người liên quan trực tiếp đến vụ án này bị đưa ra xét xử. Trong đó, Lê Tân Cương bị Tòa tuyên phạt 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 139 Bộ luật Hình sự. Kết thúc phiên tòa phúc thẩm, Cương được đưa về Trại giam Thanh Cẩm để thụ án. Ở đây một năm, Cương được chuyển tiếp về Trại giam số 5 và sau đó là Trại giam Nam Hà. Thời gian cải tạo ở trại giam là thời gian để Cương suy ngẫm về việc làm và những lỗi lầm của mình.
Điều như Cương nói với chúng tôi trong dịp ở Trại giam Nam Hà là chỉ vì nóng vội và thiếu hiểu biết cặn kẽ về những quy định của pháp luật đã dẫn Cương sa vào vòng lao lý. Cương thấy ân hận và tự hứa với chính mình sẽ cải tạo thật tốt để chuộc lại lỗi lầm. Với quyết tâm ấy, bằng những việc làm cụ thể hàng ngày, sau 10 năm ngồi bóc lịch trong trại, Lê Tân Cương được Chủ tịch nước ký lệnh đặc xá trước 10 năm.
Ngày được đặc xá là thời khắc như Cương nói: Mừng mừng, tủi tủi; Cương không khóc mà nước mắt cứ trào ra. Anh cảm ơn Ban Giám thị và các cán bộ quản giáo, trong thời gian anh thụ án, nhờ sự cảm hoá, giáo dục của họ đã giúp Cương vượt qua những khủng hoảng về tinh thần và nhận ra những sai phạm của mình, quyết tâm cải tạo những mong sớm được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước.
Anh cũng tỏ lòng biết ơn Ban giám thị và các cán bộ quản giáo trong thời gian cải tạo đã giao cho anh một công việc phù hợp với sức khỏe và sở thích của Cương là chăm sóc vườn cây cảnh trong khuôn viên của Trại. Với công việc ấy làm cho Cương ngày càng có tình yêu thiên nhiên, môi trường sinh thái. Do vậy, khi được đặc xá trở về với cộng đồng, Lê Tân Cương thể hiện khát vọng hoàn lương của mình vào những công việc mà Cương cho rằng nó bình thường nhất, nhưng lại góp ích lợi cho cộng đồng. Thay vì những dự án mang tính phiêu lưu, mạo hiểm, Lê Tân Cương hướng Công ty Vạn Thiện của mình vào lĩnh vực: ươm cây và tham gia trồng rừng.
Tại cuộc tiếp xúc với chúng tôi tại trụ sở công ty, Lê Tân Cương bảo rằng, hơn lúc nào hết, vấn đề biến đổi khí hậu đang là vấn đề thời sự nóng bỏng và là mối quan tâm hàng đầu ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam ta. Một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra biến đổi khí hậu chính là do con người đang tàn phá môi trường thiên nhiên; nguồn tài nguyên rừng đang ngày một cạn kiệt. Nhiều khu đô thị mới mọc lên, nhu cầu về cây xanh, cây cảnh ngày càng lớn. Ý thức được điều ấy, ngay sau khi được đặc xá, anh đã bỏ công đi tìm hiểu và khảo sát rồi quyết định chọn cho mình hướng làm ăn mới. Đó là đầu tư vào lĩnh vực trồng cây xanh.
Vườn ươm. |
Để hiện thực dự án này, Lê Tân Cương ngày ngày đi đến một số địa phương như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hòa Bình và một số huyện ngoại thành Hà Nội. Tại đây anh đã phối hợp với tổ chức đoàn thanh niên để triển khai dự án "Vườn ươm 1 triệu cây xanh". Với dự án này, Lê Tân Cương hy vọng sẽ góp phần tạo môi trường sinh thái ở nhiều khu đô thị đang mọc lên ở Thủ đô Hà Nội cũng như một số địa phương khác.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi, vì sao anh không chọn lĩnh vực khác mà lại chọn nghề ươm cây và trồng rừng? Lê Tân Cương bảo: Tôi đã học được nghề đó từ những ngày còn thụ án ở trại giam. Hơn nữa, đây là dự án không đòi hỏi nguồn vốn lớn, lại giải quyết được nguồn lao động nhàn rỗi ở các địa phương, lại ít doanh nghiệp để tâm đến.
Tuy nhiên, như Lê Tân Cương giãi bày, vấn đề ươm cây, trồng rừng hiện cũng đang vấp phải những khó khăn và bức xúc. Đó là ý thức của người dân về lĩnh vực này còn thấp so với nhiều lĩnh vực, việc thu hồi vốn thường lâu hơn, nguồn tài trợ từ đồng vốn Nhà nước còn hạn chế. Việc giao đất, giao rừng ở một số địa phương còn bất cập và chưa đúng đối tượng. Người có lòng say mê gắn bó với nghề này thì không được giao đất. Trái lại người thờ ơ với nghề trồng rừng lại được giao. Nhưng bù lại những người có thể tham gia vào việc ươm cây, trồng rừng ở nước ta thì lại rất lớn, từ các em học sinh tiểu học cho đến các cụ cao niên, các tổ chức quần chúng, hội nghề nghiệp đều có thể tham gia có hiệu quả. Hơn nữa xu thế của các khu đô thị mới đều quan tâm đến vấn đề môi trường, sinh thái, cây xanh, cây cảnh. Một thuận lợi cơ bản nữa như Cương nói là hàng năm cứ vào những ngày đầu năm hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước đều phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại".
Với việc triển khai dự án "Vườn ươm 1 triệu cây xanh", Lê Tân Cương còn có một nguyện vọng khác, đó là chung tay giúp đỡ những người cũng có cảnh ngộ như anh có được công ăn, việc làm. Đọc báo, nghe đài thấy ở Đà Nẵng và TP HCM thành lập Quỹ hoàn lương với mục đích quy tụ và giúp đỡ những người hết hạn án trở về với cộng đồng, Lê Tân Cương cho rằng đây là một việc làm có ý nghĩa xã hội rất lớn. Nếu ở địa bàn thành phố Hà Nội cũng có một mô hình như thế sẽ góp phần làm dịu vơi những bức xúc của bao người, bao nhà.
Cương lại bảo: "Trong cơn phong ba bão táp mới thấm thía những nỗi đau của những lần vấp ngã". Hỏi thêm một chút nữa mới biết, ngày Cương vướng vào lao lý và thụ án ở trại giam cũng là thời điểm mà người vợ của anh dứt áo ra đi. Nhưng điều mà Lê Tân Cương khẳng định: Mình sẽ đứng dậy ở nơi mình đã ngã và vươn lên làm lại cuộc đời. Với ý chí và niềm tin, hy vọng rằng với "Vườn ươm 1 triệu cây xanh" sẽ chắp cánh cho Lê Tân Cương vượt lên những mặc cảm, bỏ lại sau lưng những nỗi niềm, vươn lên làm những việc có ích cho đời và cho cộng đồng xã hội