Gần 1.000 camera ở Việt Nam có nguy cơ bị lộ thông tin

Thứ Năm, 13/11/2014, 11:27
Đó là khẳng định của ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav khi trao đổi với PV Báo CAND xung quanh việc web Insecam.com có địa chỉ IP từ Nga đưa ra cảnh báo tin tặc có thể quan sát, theo dõi được hàng chục ngàn văn phòng, nhà riêng, quán cà phê qua 73.000 webcam trên khắp thế giới, trong đó có gần 1.000 webcam xuất phát từ Việt Nam.

Theo ông Ngô Tuấn Anh, ngay sau khi website Insecam.com công bố thông tin “chấn động” trên, Bakv đã bắt tay ngay vào tìm hiểu để xem xét tính xác thực của những thông tin trên, từ đó có thể đưa ra những cảnh báo cho người dùng. Kết quả ban đầu cho thấy, những địa điểm tại Việt Nam có hệ thống camera giám sát bị thâm nhập và theo dõi phổ biến nhất là các trường học, nhà hàng, nhà kho, xưởng sản xuất, cửa hàng nhỏ… Ngoài ra, có cả những địa điểm tương đối riêng tư như phòng ngủ, song số lượng này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Cũng theo nhận định ban đầu của Bkav, số webcam tại Việt Nam bị thâm nhập, theo dõi trên thực tế có thể còn nhiều hơn con số gần 1.000 như theo công bố của website Insecam.com. Bởi lẽ, trang web này chỉ tập hợp các webcam với một số mẫu mã và khu vực nhất định. Trong khi đó, nếu mở rộng phạm vi thống kê với nhiều khu vực và mẫu mã camera hơn, thì con số camera bị mất an toàn có thể sẽ lớn hơn nhiều.

Đề cập cụ thể hơn đến nguyên nhân khiến cho gần 1.000 camera ở Việt Nam có nguy cơ bị kiểm soát thông tin, ông Ngô Tuấn Anh cho rằng: Nguyên nhân của vụ việc nêu trên xuất phát từ chính sự hớ hênh và chủ quan của người sử dụng camera an ninh cũng như đơn vị lắp đặt hệ thống. Bằng chứng là nhiều đơn vị cung cấp hệ thống camera sau khi lắp đặt cho khách hàng đã không đặt lại mật khẩu. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu lắp đặt hệ thống camera khi nhận bàn giao cũng không hề yêu cầu thay đổi lại mật khẩu mà giữ nguyên mật khẩu như nhà cung cấp dịch vụ đã mặc định. Do đó sẽ tạo ra lỗ hổng bảo mật, để các đối tượng khác có thể thâm nhập và theo dõi hệ thống camera của mình.

Cũng theo phân tích của ông Ngô Tuấn Anh, việc hệ thống camera an ninh bị thâm nhập và theo dõi trên thực tế có thể mang đến cho người dùng nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Đơn cử như đối với camera giám sát hệ thống kho bãi, hàng hóa… kẻ xấu có thể thâm nhập để thu thập thông tin, trên cơ sở đó thực hiện hành vi trộm tài sản. Thậm chí, sau khi thực hiện xong các hành vi phi pháp trên, tội phạm có thể thâm nhập vào hệ thống để hủy hình ảnh, xóa hết dấu vết phạm tội của mình. Hay đối với hệ thống camera trường học, kẻ xấu có thể thâm nhập để đánh cắp dữ liệu, hình ảnh, trên cơ sở đó có thể tiến hành hành vi bắt cóc trẻ em.

Do đó, để giảm thiểu những hệ lụy có thể xảy ra từ việc các hệ thống camera an ninh bị kiểm soát, theo dõi, ông Ngô Tuấn Anh khuyến cáo: Một nguyên tắc bất di bất dịch mà tổ chức, cá nhân lắp đặt hệ thống camera cần phải lưu ý là khi tiếp nhận bàn giao hệ thống từ đơn vị lắp đặt, cần thay đổi, đặt lại mật khẩu đủ mạnh. Tránh các kiểu mật khẩu đơn giản, dễ đoán như 12345, mật khẩu trùng luôn với tên của cơ sở; số điện thoại cá nhân… Thậm chí, đối với những hệ thống camera an ninh quan trọng, yêu cầu bảo mật cao, các đơn vị còn cần thiết lập một mạng riêng ảo (VPN) của đơn vị mình trước khi kết nối với mạng Internet. Điều này cũng giống như việc mặc thêm một lớp áo giáp để bảo vệ cho sự an toàn của chính mình trước hàng loạt sự tấn công nguy hiểm từ bên ngoài                  

Huyền Thanh
.
.
.