GS Nguyễn Tài Thu: Không thể chỉ dùng phương pháp điện não đồ để kết luận “nghiện”

Thứ Sáu, 08/09/2006, 08:07

Xung quanh những hoài nghi về việc một số người bị quy kết oan nghiện ma túy ở Sơn La, GS Nguyễn Tài Thu, Viện trưởng Viện Châm cứu Trung ương nói: Trước hết phải khẳng định nếu chỉ dùng phương pháp ĐNĐ để kết luận một người nghiện hay không nghiện ma túy là chưa đúng.

PV: Thưa GS, phương pháp điện não đồ (ĐNĐ) có thể xác định được người nghiện ma túy hay không?

GS Nguyễn Tài Thu (GSNTT): ĐNĐ là phương pháp chẩn đoán y học đã được Bộ Y tế Việt Nam và thế giới công nhận, song nó không phải là phương pháp chẩn đoán độc lập, mà còn phải dựa vào 4 yếu tố khác nữa (gồm kết quả xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, kết quả chụp và khám lâm sàng).

Tại Viện Châm cứu Trung ương, một bệnh nhân có đơn xin điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy, chúng tôi tiến hành khám Tây y, tiên lượng biểu hiện sử dụng ma túy, khám loại trừ một số bệnh chống chỉ định với phương pháp điện châm. Nếu bệnh nhân có ít nhất 3 trong số 13 triệu chứng lâm sàng mà Tổ chức Y tế thế giới đưa ra, chúng tôi mới đưa vào Khoa Điều trị.

Khoa Điều trị tiếp tục làm các xét nghiệm máu, nước tiểu định lượng chất gây nghiện, xét nghiệm sinh hóa, tế bào xác định một số bệnh truyền nhiễm. Sau đó mới tiến hành đo ĐNĐ và khám Đông y, dựa vào "tứ chẩn bát cương" rồi mới kết luận bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi ma tuý theo hội chứng nào để chọn phác đồ điều trị phù hợp.

PV:Vậy tại sao thời gian qua đã xảy ra các trường hợp có kết quả ĐNĐ dương tính nhưng xét nghiệm máu, nước tiểu âm tính, hay người chưa từng sử dụng ma túy lại bị "kết án" là nghiện và chỉ định đi cai nghiện?

GS NTT: Theo quan điểm của chúng tôi, ĐNĐ không phải là vấn đề mới và không phải điều gì ghê gớm. Yếu tố quyết định vẫn là người thầy thuốc. Riêng Viện Châm cứu Trung ương, chúng tôi khẳng định chưa nhầm lẫn tới mức người không "nghiện" thành người "nghiện", điều này trái với lương tâm người thầy thuốc.

Chúng tôi cũng không điều trị cưỡng bức, tất cả bệnh nhân đang điều trị hỗ trợ cai nghiện bằng phương pháp điện châm tại Viện đều là tự nguyện. Hơn nữa, chúng tôi không quy kết một người nghiện hay không nghiện ma túy, mà chỉ kết luận người đó có triệu chứng lâm sàng thuộc hội chứng nào để chọn phác đồ điều trị phù hợp theo đúng nhóm chuyên khoa Bộ Y tế giao cho.

Tuy nhiên, chúng tôi đã rút kinh nghiệm tiến hành quy trình khám bệnh chặt chẽ hơn. Có một điều nữa, chính người nghi ngờ kết quả ĐNĐ ở địa phương đi khám lại bằng phương pháp này ở Trung ương.

PV: Việc xảy ra rắc rối ở Ban chỉ đạo 03 tỉnh Sơn La, theo GS là do chủ quan trong khâu giảng dạy của Viện, do thiếu sót trong quá trình tiếp thu hay là cả sự tắc trách của chính quyền địa phương?

GS NTT: Việc địa phương áp dụng phương pháp ĐNĐ như thế nào, chúng tôi chưa thể kết luận được. Đối với các trường hợp tạm thời kết luận là "nghiện" có oan hay không oan, chúng ta phải xem xét lại kỹ lưỡng và căn cứ vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhìn vấn đề một cách tổng quan hơn.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 03 Sơn La gửi tới Viện chúng tôi ngày 30/8, qua kiểm tra bằng ĐNĐ cho 3.653 người cam kết bước đầu không mắc nghiện ma túy thì có tới 2.597 người được phát hiện sử dụng chất ma túy, trong đó có 2.469 người sau đó đã nhất trí với kết quả xét nghiệm và viết đơn xin cai nghiện. Ngay sau khi có các sự việc xảy ra, Ban chỉ đạo 03 Sơn La đã quyết định tạm thời chưa áp dụng hình thức hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy với những người chưa nhất trí với kết luận của Ban chỉ đạo.

PV: Xin cảm ơn GS!

Thanh Loan
.
.
.