Đường Rừng Sác - Cần Giờ, con đường trả nghĩa

Thứ Hai, 14/02/2011, 16:15
Năm Tân Mão - 2011, bà con "huyện đảo Cần Giờ" ăn Tết trong niềm vui lớn. Khi đường Rừng Sác - Cần Giờ chính thức khánh thành đưa vào sử dụng. Nhờ vậy mà việc thăm thân và trẩy hội xuân thật rộn ràng. Việc đưa tuyến đường vào sử dụng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện; đồng thời, tạo cơ sở thuận lợi để các đơn vị ngành điện, nước đẩy mạnh đầu tư các công trình phục vụ người dân.

Thiếu tướng Trần Thành Lập, Chính ủy lực lượng Đặc công Rừng Sác, về thăm chiến trường xưa, chung vui và trao đổi với chúng tôi: 10 năm chiến đấu ở Rừng Sác, sống dưới bom rải thảm B52, có ngày Rừng Sác hứng chịu trên 20.000 quả pháo, Rừng Sác còn là nơi trút bom, đạn của kẻ thù đi gieo rắc chết chóc khắp nơi còn sót lại, trước khi hạ cánh xuống căn cứ Tân Sơn Nhất… 10 năm bám trụ chiến đấu, lực lượng đặc công Rừng Sác, hy sinh 852 đồng chí, nhân dân cũng chết vì bom đạn hơn 10.000 người.

Nhưng nhân dân sống ở Cần Giờ đã không sợ hy sinh, gian khó, hết lòng bảo bọc, nuôi dưỡng lực lượng đặc công Rừng Sác. Chính nhờ sự bảo bọc đó mà khu căn cứ  nằm sát Sài Gòn vẫn tồn tại và đã bao phen làm cho Mỹ - ngụy và chư hầu kinh hồn bạt vía, được Nhà nước 2 lần tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đường Rừng Sác - Cần Giờ là công trình chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XI, cũng là công trình trả nghĩa cho những cống hiến vì nền độc lập của dân tộc, của nhân dân huyện Cần Giờ.

Khánh thành đường Rừng Sác - Cần Giờ.

Tuyến đường Rừng Sác - Cần Giờ có điểm khởi đầu tại bến phà Bình Khánh, kết thúc tại điểm giao nhau với đường 30/4. Đường rộng 30 - 120m, dài 31,6km, sáu làn xe với tổng vốn đầu tư là 1.420 tỷ đồng. Trong đó có tám cây cầu mới với tải trọng 30 tấn thay thế các cầu cũ có tải trọng 13 tấn với tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Sau khi khánh thành, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp với UBND huyện Cần Giờ hoàn thiện hệ thống biển báo giao thông và đèn tín hiệu giao thông tại những nơi cần thiết. Là con đường cửa ngõ hướng ra biển của TP, có vị trí chiến lược quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cần Giờ và đảm bảo quốc phòng - an ninh; đồng thời, tạo cơ sở thuận lợi để các đơn vị ngành điện, nước đẩy mạnh đầu tư các công trình phục vụ người dân.

Ông Lê Văn Kim, 83 tuổi, hơn 60 năm sống tại Cần Giờ đã cảm ơn Đảng, chính quyền thành phố dành nhiều ưu ái cho vùng căn cứ Cần Giờ.

Tuyến đường được khởi công từ năm 2004, phục vụ cho việc phát triển kinh tế huyện Cần Giờ, đặc biệt tạo đà phát triển các dự án khu đô thị biển. Cùng với con đường huyết mạch Rừng Sác, mạng lưới giao thông đường bộ của huyện đã phát triển rộng khắp, từ các xã Bình Khánh, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp… hay xã đảo Thạnh An, nhiều tuyến đường đã được nâng cấp mở rộng, trải nhựa; nhiều công trình giao thông cũng đang gấp rút hoàn thành. Đường Rừng Sác sẽ rút ngắn thời gian từ trung tâm về khu du lịch và kinh tế biển Cần Giờ.

Cùng với việc hoàn thành tuyến đường bộ huyết mạch, Cần Giờ đang kêu gọi đầu tư xây dựng các bến tàu thuỷ, trong đó, có thể xây dựng bến tàu cánh ngầm từ bến Bạch Đằng đi Cần Giờ. Việc mở rộng đường Rừng Sác là mở đường cho Cần Giờ phát triển, để người dân Cần Giờ có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, đưa Cần Giờ phát triển nhanh hơn, hoà với sự phát triển chung của thành phố.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian tới, Cần Giờ sẽ nhanh chóng hoàn thiện mô hình phát triển phù hợp, nhất là các lĩnh vực du lịch sinh thái, kinh tế biển, theo hướng bền vững, phát triển kinh tế đi cùng với việc giữ gìn rừng phòng hộ và Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. 

Cần Giờ có diện tích tự nhiên trên 70.421ha, trên 23.000ha diện tích mặt nước (chiếm 25% diện tích của toàn huyện), với các sông lớn Soài Rạp, Lòng Tàu cùng các chi lưu của chúng là Gò Gia, Đồng Tranh, Vàm Sát… Vùng ngập mặn chiếm 56,7% diện tích toàn huyện, tạo nên hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, trong đó chủ yếu là cây đước, mắm, bần.

Cần Giờ chiếm 1/3 diện tích TP HCM và là huyện ven biển duy nhất của thành phố. Và, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới vào năm 2000. Cần Giờ có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái, biển. Với các điểm du lịch Vàm Sát, Khu di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác, Lâm viên (đảo khỉ), bãi biển 30/4 và hàng loạt dự án khu du lịch đang triển khai thực hiện.

Việc hoàn thành tuyến đường Rừng Sác có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển Đông và cửa ngõ Đông Nam thành phố. Tuyến đường Rừng Sác được xây dựng xong sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ ngành du lịch sinh thái và rút ngắn khoảng cách phát triển của huyện Cần Giờ với các quận huyện khác của thành phố

Phương Nam
.
.
.