Được gì khi tàu du lịch Hạ Long có "đồng phục trắng"?
Ngày 5/1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, bà Vũ Thị Thu Thủy đã ký Quyết định số 10/QĐ-UBND khẳng định: buộc hơn 500 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long phải sơn màu trắng vỏ tàu xong trước ngày 30/4. Văn bản này đang gặp nhiều ý kiến trái chiều.
Chưa tạo được sự đồng thuận
Qua tìm hiểu, được biết, ngày 6/12/2011, Sở GTVT Quảng Ninh đã tổ chức cuộc họp với đại diện các Sở, ban, ngành, Liên minh Hợp tác xã, Chi hội tàu du lịch Hạ Long, Chi hội du thuyền Hạ Long...
Sau đó, Sở GTVT Quảng Ninh đề nghị với UBND tỉnh Quảng Ninh về việc triển khai sơn trắng toàn bộ các vỏ tàu và lắp cánh buồm nâu các tàu đang hoạt động trên vịnh Hạ Long, đặc biệt với các tàu du lịch hiện đang hoạt động yêu cầu sơn màu trắng phần vỏ tàu từ mặt boong đến cabin, lấy màu trắng làm màu sơn chủ đạo. Ban đầu sẽ làm thử một số tàu sau đó rút kinh nghiệm làm đại trà.
Theo ý kiến của đại diện Chi hội du thuyền Hạ Long: “Với những tàu có thiết kế đặc biệt kiểu Á Đông hay các tàu mang kiến trúc dân gian vỏ gỗ chúng tôi thấy màu sắc hiện tại là đảm bảo sự phù hợp, sự khác biệt và độ sang trọng cần thiết để phục vụ khách quốc tế. Đặc biệt, các tàu đi vào các bến đỗ, các điểm đón khách không tránh khỏi các va quệt thường xuyên nên nước sơn sẽ rất nhanh cũ vì màu trắng là màu không bền với thời gian”.
Ông Đào Trọng Tuyển, Tổng Giám đốc Công ty CP Du thuyền năm sao Tuần Châu cho hay: “Thương hiệu doanh nghiệp được tạo bởi danh tiếng và hình ảnh. Nếu hình ảnh bị đánh đồng tức là sơn cùng màu trắng sẽ làm mất đi thương hiệu của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới việc kinh doanh của các chủ tàu. Những chiếc tàu với hình dáng và màu sắc khác nhau là hình ảnh của mỗi doanh nghiệp, vì thế các doanh nghiệp đều nỗ lực xây dựng hình ảnh và quảng bá hình ảnh của chiếc tàu đó. Doanh nghiệp đã bỏ ra số tiền không nhỏ để thiết kế tàu, trong đó có việc xây dựng hình ảnh tàu, nếu tất cả các tàu đều có màu trắng sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín và thương hiệu của những tàu du lịch cao cấp”.
Ở góc độ quản lý về di sản, PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hội Di sản Văn hoá Việt Nam cho rằng: “Tôi đồng tình với việc đổi mới, làm đẹp, tạo sự hấp dẫn vịnh Hạ Long. Tuy nhiên khi tỉnh Quảng Ninh ra quyết định liên quan đến việc sơn tàu du lịch màu trắng đưa, đón khách trên vịnh Hạ Long cần phải cân nhắc kỹ. Trước khi quyết định, cần phải đưa ra nhiều phương án, phải lấy ý kiến dư luận nhân dân, ý kiến của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn và nhất là ý kiến của các doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch, cần thận trọng. Bởi trong thời gian gần đây cũng tại tỉnh Quảng Ninh đã có một số quyết định về quản lý tàu du lịch, tăng giá vé tham quan, gây bức xúc trong dư luận”.
Dấu ấn về thuyền Hạ Long không phải là màu trắng?
Từ góc độ lữ hành, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Du lịch Vietravel cho biết: “Chắc hẳn nhiều du khách sẽ nuối tiếc khi chiếc thuyền gỗ và cánh buồm nâu đặc trưng của Hạ Long biến mất, thay vào đó là hình ảnh toàn bộ tàu chở khách có “đồng phục màu trắng”, màu khác lạ của Hạ Long mang nét của văn hóa châu Âu. Chiếc thuyền gỗ là một phần không thể thiếu, gắn liền với vẻ đẹp của vịnh Hạ Long. Tỉnh Quảng Ninh cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định, vì vịnh Hạ Long còn là hình ảnh của du lịch quốc gia”.
PGS. TS Đỗ Văn Trụ cho rằng: “Vấn đề để Hạ Long đẹp, hấp dẫn điều quan trọng là tỉnh Quảng Ninh cần làm tốt công tác truyền thông, giới thiệu giá trị của Hạ Long. Cần củng cố, nâng cấp các đội tàu đưa khách đi tham quan vịnh Hạ Long luôn sạch, đẹp, đảm bảo an toàn cho khách, tàu du lịch phải có bản sắc và dấu ấn riêng, có hình thức, màu sắc, cách trang trí hấp dẫn, thu hút du khách. Dù có thay đổi nhưng những nét đẹp như thuyền gỗ, cánh buồm nâu lướt trên vịnh Hạ Long từ lâu đã in đậm trong dấu ấn đối với du khách, chúng ta phải biết trân trọng, giữ gìn, đó mới là nét riêng của Hạ Long không phải đâu cũng có được”