Đừng nhất thời chạy theo những ngành nghề nóng, cảm tính

Chủ Nhật, 09/03/2014, 14:36
Giáo sư Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD & ĐT đã bộc bạch: “Tôi rất chia sẻ với thí sinh vì những áp lực, khó khăn mà các em đang phải đối diện khi chọn ngành, chọn nghề. Tôi có lời khuyên các em như thế này: Khi chọn ngành phải dựa vào năng lực bản thân, nếu chọn đúng, phù hợp với năng lực thì mình sẽ phát huy được, sẽ thành công; còn nếu chọn sai thì cả đời mình sẽ lấn cấn vì cái sai đó. Năng lực, trình độ bản thân phải được ưu tiên số 1. Các em đừng vội vàng chạy theo ngành nghề nóng; đừng vì nhu cầu nhất thời...".

Tuyển sinh đại học, cao đẳng đang nóng lên từng ngày vì chỉ còn ít ngày nữa, thí sinh cả nước bắt đầu đăng ký dự thi chọn ngành, chọn trường. Vấn đề khiến phụ huynh và thí sinh phải băn khoăn là làm sao chọn được đúng ngành nghề, chọn được công việc mà xã hội đang cần. Vì hiện nay chúng ta đang phải đối diện với một thực trạng là rất nhiều ngành nghề đang ở tình trạng bội thực không có đầu ra; số cử nhân thất nghiệp lên đến hàng vạn, gây lãng phí tốn kém lớn, đồng thời tạo tâm lý căng thẳng cho cả xã hội.

Chia sẻ với PV Báo CAND, Giáo sư Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD & ĐT đã bộc bạch: “Tôi rất chia sẻ với thí sinh vì những áp lực, khó khăn mà các em đang phải đối diện khi chọn ngành, chọn nghề. Tôi có lời khuyên các em như thế này: Khi chọn ngành phải dựa vào mấy yếu tố: thứ nhất là năng lực bản thân, nếu chọn đúng, phù hợp với năng lực thì mình sẽ phát huy được, sẽ thành công; còn nếu chọn sai thì cả đời mình sẽ lấn cấn vì cái sai đó. Năng lực, trình độ bản thân phải được ưu tiên số 1. Các em đừng vội vàng chạy theo ngành nghề nóng; đừng vì nhu cầu nhất thời. Thứ hai là phải đánh giá được tương đối chính xác nhu cầu của xã hội. Gần đây, Bộ GD & ĐT đã cảnh báo một số ngành đã bão hòa như tài chính ngân hàng hay sư phạm, thì các em nên cân nhắc kỹ khi đăng ký dự thi vào các ngành này. Muốn vậy thì phải có một tổ chức đứng ra làm bài “test”, như một phép thử với thí sinh, từ kết quả “test” đó, họ sẽ đưa ra được lời khuyên, thí sinh nên đi theo ngành nghề, lĩnh vực nào”

PV: Giáo sư vừa nói đến ý tưởng có một tổ chức đứng ra “làm phép thử” với thí sinh. Cụ thể hơn, tổ chức này sẽ làm những phần việc gì?

Giáo sư Trần Hồng Quân: Tôi đã từng chia sẻ ý tưởng này ở nhiều diễn đàn, nhưng chưa được thực hiện mạnh mẽ. Tổ chức này sẽ kiểm tra nhiều thông số ở thí sinh như: cảm xúc, độ nhạy thần kinh, sức khỏe, chỉ số IQ, năng khiếu, họ cũng sẽ có barem, từ kết quả kiểm tra sẽ cho thí sinh lời khuyên có cơ sở khoa học nhất nên đi lĩnh vực nào. Các tổ chức này cần thiết phải đến các địa phương, các trường phổ thông làm công tác tư vấn, hướng nghiệp. Hiện nay, việc này chủ yếu vẫn do trường phổ thông và thầy cô giáo chủ nhiệm làm công tác tư vấn, phân luồng, nhưng cảm tính lắm. Chẳng hạn, một thầy giáo dạy Toán hay, thí sinh thấy thích thế là đăng ký sư phạm toán. Như vậy, không phải là một khảo sát khoa học và toàn diện.

Giáo sư Trần Hồng Quân.

PV: Câu chuyện đào tạo theo nhu cầu xã hội đã được xới lên mạnh mẽ nhiều năm trước, nhưng đến nay, hiệu quả chưa thấy đâu. Bằng chứng là có hàng vạn cử nhân ra trường vẫn thất nghiệp, nhiều nhóm ngành nghề đào tạo ra không biết để làm gì. Vậy theo Giáo sư, nguyên nhân chính là do đâu và ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này? Để đào tạo “cán đích” nhu cầu, đào tạo gắn liền với sử dụng nhân lực, chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu?

Giáo sư Trần Hồng Quân: Thực trạng mà nhà báo vừa nêu có hai mặt: Do kinh tế của chúng ta suy thoái, việc làm ít và do ta chưa cơ quan nào dự báo nhu cầu. Đào tạo đại học 4, 5 năm, trong quá trình đào tạo đã phải biết trước khi ra trường cơ cấu lao động sẽ được sử dụng như thế nào. Tức là có khả năng dự báo. Nhưng đáng tiếc là chúng ta chưa làm được điều đó. Một gia đình phấn đấu cho con cái học hành, gian khổ lắm, học xong rồi mà không có việc làm thì cũng xót xa vô cùng. Cũng đã có một số đề án về nhu cầu nhân lực do Bộ GD & ĐT, Bộ Kế hoạch – Đầu tư chủ trì nhưng điều mà xã hội mong chờ thì vẫn chưa có kết quả. Giờ chúng ta đang ở tình trạng: khi ngành nghề quá thừa (ví dụ như kinh tế, tài chính, ngân hàng) thì mới cảnh báo. Lúc đó thì quá muộn rồi. Cần là cần một lời cảnh báo từ ngay đầu vào của các trường đại học. Trách nhiệm này thuộc về ai? Theo tôi, đã ràng buộc trách nhiệm thì phải ở tầm vĩ mô rồi. Các bộ, ngành được giao dự báo nhu cầu xã hội phải có kế hoạch điều tiết, công bố công khai năm tới chúng ta cần gì, không cần gì. Những ngành mà nhu cầu đang rất cần như khoa học kỹ thuật thì Nhà nước phải hỗ trợ đầu tư, vì các trường rất ngại đào tạo ngành này, lí do là ngốn nhiều chi phí, tiền bạc của họ.

PV: Câu chuyện tự chủ, tự chủ tuyển sinh vừa qua cũng làm nóng các diễn đàn. Theo Giáo sư, hiểu “tự chủ” một cách đầy đủ nhất là như thế nào? Có phải được tự tổ chức tuyển sinh là tự chủ hay không?

Giáo sư Trần Hồng Quân: Tuyển sinh chỉ là một khâu trong quá trình đào tạo, tự chủ tuyển sinh là quyền và trách nhiệm của nhà trường, phải tuyển được sinh viên có năng lực. Cũng giống như một nhà máy sản xuất thuốc thì nguyên liệu sẽ do nhà máy lo, thuốc có chất lượng hay không phụ thuộc vào nguyên liệu. Việc tuyển sinh là trách nhiệm của nhà trường. Nhưng không nên hiểu, tuyển tốt đầu vào thì đầu ra mới tốt vì còn phụ thuộc vào cả quá trình đào tạo. Nhà trường đại học hay nhà máy sản xuất thuốc dứt khoát phải đảm bảo đầu ra, nhà trường phải chịu trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm của trường mình. Câu chuyện tuyển sinh chung hay riêng, các trường được tự chủ tuyển sinh trước đây đã có rồi. Đó là thời kỳ sau năm 1954, các trường ĐH tự tuyển sinh, Bộ Đại học lúc đó không can thiệp. Thời chống Mỹ, có chủ trương đưa các trường tập trung hết về Hà Nội để thi, nhưng như thế quá nguy hiểm vì Mỹ đánh phá ác liệt. Vì thế, việc tổ chức thi lại phải giao cho các địa phương, các trường sẽ cử người về cùng giám sát. Kỳ thi chung này kéo dài đến khi kết thúc kháng chiến chống Mỹ, các trường lại tổ chức thi riêng. Sau đó, lại thấy thi chung tốt hơn nên lại tổ chức thi chung (chung thời gian, dùng chung kết quả), nhưng không có điểm sàn, mà chỉ có điểm chuẩn cho từng trường. Về điểm sàn cho kỳ thi 3 chung hiện nay, tôi cho rằng rất vô lý. Các trường ĐH có chất lượng phân hóa, không có tiêu chí nào có thể dàn hàng ngang hoặc thẳng tắp chất lượng giáo dục được. Tâm lý điểm sàn quyết định chất lượng cũng từ đó mà ra, trong khi giáo dục đại học, đầu ra mới là quyết định. Như trường ĐH RMIT, họ có thi 3 chung đâu, cũng không có điểm sàn, nhưng có ai chê chất lượng đào tạo của họ đâu.

Thí sinh cần thực tế và cân nhắc khi chọn ngành nghề.

PV: Vậy theo Giáo sư, có những tiêu chí mới nào có thể thay điểm sàn là tiêu chí đơn nhất như hiện nay?

Giáo sư Trần Hồng Quân: Chúng tôi đang thảo luận, nghiên cứu những tiêu chí mới, chắc chắn sẽ hay hơn tiêu chí điểm sàn và sẽ công bố sau

PV: Vừa qua, Bộ GD & ĐT có giới thiệu một đề xuất: Đó là từ năm 2015 có thể sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia. Về bản chất kỳ thi này không khác gì kỳ thi “hai trong một” mà trước đây Bộ đã từng có đề án. Vậy theo Giáo sư, thời điểm 2015 có thích hợp để triển khai một kỳ thi quốc gia hay không? Bài toán một kỳ thi quốc gia nếu trở thành hiện thực thì cần phải có điều kiện cần và đủ như thế nào?

Giáo sư Trần Hồng Quân: “Hai trong một” ở đây, thì “một” phải là kỳ thi tốt nghiệp THPT, không phải là kỳ thi trung gian giữa thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học được. Trên cơ sở kỳ thi tốt nghiệp, các trường sẽ xác định tiêu chí để tuyển chọn phù hợp với tính đa dạng ngành nghề. Tôi muốn nhấn mạnh, kỳ thi này không thể là kỳ thi đại học được vì nhiều thí sinh tốt nghiệp THPT xong họ không đi học đại học. Tấm bằng phổ thông mới là hành trang theo họ suốt cuộc đời, họ có thể đi học nghề, du học. Tôi cũng hiểu là xã hội đang mất niềm tin vào kỳ thi tốt nghiệp vì tính không nghiêm túc của nó, nên cho rằng nó không đủ tin cậy để xét tuyển vào đại học. Nhưng chúng ta đã tổ chức được kỳ thi đại học rất nghiêm túc. Vậy thì tại sao không áp cách làm như tuyển sinh đại học vào thi tốt nghiệp. Tôi tin Bộ GD & ĐT hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư về những chia sẻ thẳng thắn này!

Thu Phương (thực hiện)
.
.
.