Đừng để việc trả lại danh hiệu di tích trở thành “hội chứng”!

Thứ Hai, 15/07/2013, 11:48
Vụ việc gần 100 hộ dân ở làng cổ Đường Lâm ký đơn đòi đượctrả lại danh hiệu Di tích Quốc gia còn chưa kịp lắng, thì những ngày đầu tháng 7/2103, dư luận lại một lần nữa xôn xao khi Bí thư Huyện ủy Đồng Văn (Hà Giang), ông Sùng Đại Hùng cho biết: những người dân của hơn 10 ngôi nhà ở phố cổ Đồng Văn cũng có ý định trả lại bằng Di tích Quốc gia, vì đã xuống cấp rất nặng, nhưng không được sửa chữa. Có vẻ như, việc đòi trả bằng công nhận di tích đang trở thành “hội chứng”, cho dù, danh hiệu này có nơi mong không được?
>> Sớm có giải pháp cho làng cổ Đường Lâm

Phố cổ Đồng Văn thuộc huyện Đồng Văn, được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, là địa chỉ du lịch văn hóa nổi tiếng bởi những nét độc đáo riêng của vùng cao nguyên đá miền biên giới phía Bắc. Nhiều ngôi nhà cổ tuy còn nguyên trạng nhưng đã hư hỏng, dột nát.

Theo chính quyền huyện Đồng Văn, phố cổ Đồng Văn hiện còn khoảng 40 ngôi nhà cổ, trong đó hai ngôi nhà của dòng họ Lương, là cổ nhất, có tới 300 năm, những ngôi nhà còn lại đều khoảng 100 năm. Các ngôi nhà cổ được xây dựng theo lối kiến trúc hai tầng, các cột, sàn nhà bằng gỗ nghiến, gỗ lim, nền đất, tường trình đất dày 40 - 50cm bảo đảm mùa đông thì ấm, mùa hè mát. Mái lợp ngói âm dương, loại ngói đặc trưng của các dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc. Khuôn viên nhà được bố cục hài hoà theo phong thuỷ truyền thống.

Qua hàng trăm năm nắng mưa, cùng điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt của cao nguyên đã khiến khu phố cổ xuống cấp. Thế nhưng, việc bảo tồn khu phố cổ Đồng Văn gặp nhiều khó khăn, do người dân không đủ kinh phí để sửa chữa theo đúng kiểu kiến trúc cổ, còn sống trong những ngôi nhà cũ lại rất bất tiện do phải giữ nguyên hiện trạng.

Trước thực trạng này, huyện Đồng Văn đã bước đầu khảo sát, đánh giá và đưa ra định hướng để bảo tồn, song chưa có kinh phí, nên mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Đại diện của UBND huyện cho biết, chính quyền đã cố gắng vận động, nhưng các ngôi nhà cổ được làm bằng đất, tuổi đời đều đã trăm năm, nếu cứ bắt dân ở mãi trong ngôi nhà cổ sẽ rất nguy hiểm.

Những ngôi nhà cổ ở Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh: Quế Hà.

Năm 2008, UBND huyện đã dành hẳn một diện tích lớn ven suối Đồng Văn để giãn dân và mời các chuyên gia quy hoạch và thiết kế ở Hà Nội về giúp. Nhưng các chuyên gia cứ ngồi ở Thủ đô mà “quy hoạch”, nên chả phù hợp với thực tế ở địa bàn miền núi nhỏ bé, khiến dự án không thể tiến triển.

Sự chậm trễ của các cấp có trách nhiệm trong việc quy hoạch, cấp kinh phí đã khiến cho bà con ở một địa bàn vùng cao còn phải lên tiếng trả lại danh hiệu, thực sự là điều cấp báo về công tác quản lý di sản. Rõ ràng, cơ quan quản lý Nhà nước đã luôn để rơi vào thế bị động trong công tác bảo vệ di sản. Họ quên rằng, làng cổ Đường Lâm, phố cổ Đồng Văn… là những “di sản sống”, có sự phát triển hàng ngày, đòi hỏi phải ứng xử hoàn toàn khác với những “di sản chết”.

Bên cạnh đó, năng lực quản lý yếu kém của những người có trách nhiệm khiến nhiều năm dài vẫn không đưa ra được giải pháp cần thiết, dù biết rõ thực trạng bất hợp lý và đã kéo dài nhiều năm. Quy hoạch “treo” nhiều năm liền ở nhiều di sản càng khiến cho người dân “không biết đằng nào mà lần” nên bức xúc.

Bên cạnh năng lực, trình độ tham mưu của cán bộ quản lý yếu kém, nhiều người giật mình khi đến giờ này, vẫn chưa có tiêu chí cho qui hoạch di sản. Cũng không có điều luật nào điều chỉnh làng cổ, phố cổ. Cơ chế, chính sách là cái gốc bảo vệ di sản, mà đến nay vẫn chưa có.

 Đáng ra, cơ quan quản lý phải thường xuyên nắm bắt tình hình, để tham mưu các biện pháp giải quyết phù hợp: di sản xuống cấp cần được đầu tư sữa chữa hoặc xây mới, thay vì để người dân tự phát sửa chữa, làm hỏng di tích; dân số tăng trong khu vực di tích, thì phải tiến hành giãn dân, hoặc cho xây dựng để đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện tại... Nhưng thực tế, ở hầu hết các di tích cổ, đã xảy ra tình trạng “con khóc, mẹ cũng không cho bú”, khiến lợi ích từ việc được công nhận là di sản chưa thấy, mà người dân lại phải chịu nhiều điều bất hợp lý.

Nhiều người cho rằng, việc trả lại danh hiệu di tích là “hội chứng dễ lây”. Song, nếu như cơ quan chức năng làm đủ trách nhiệm, đảm bảo hài hòa lợi ích trong việc bảo vệ di sản với cuộc sống của người dân, thì liệu có xảy ra những điều đáng tiếc như đang diễn ra?

Thực tế, nếu không có những hành động mang tính “cú sốc” như Đường Lâm, hay tuyên bố của sư trụ trì chùa Một Cột, thì các dự án tu bổ, gìn giữ làng cổ, nhà cổ, di tích cổ sẽ còn tiếp tục “treo” đến bao giờ?

Thanh Hằng
.
.
.