Nhiều di tích cấp Quốc gia xuống cấp trầm trọng ở Nam Định:

Đừng để di tích trở thành phế tích

Chủ Nhật, 03/11/2013, 11:27
Trên địa bàn TP Nam Định hiện có hàng loạt di tích lịch sử đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia như: Cửa hàng cắt tóc dưới hầm, Cửa hàng ăn uống dưới hầm, Khu Chỉ huy của Nhà máy Dệt, Khu di tích phố Hàng Thao, Hầm Chỉ huy Thành ủy Nam Định trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước (được công nhận tháng 4/1979); Nhà số 7 phố Bến Ngự (được công nhận tháng 4/1991)...

Đây là những minh chứng cho sự chiến đấu, anh dũng quật cường của nhân dân ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuy nhiên, do những biến cố thời gian và quan trọng hơn là do không được quan tâm đúng mức mà hầu hết những di tích này đang dần trở thành… phế tích.

Gia đình ông bà Hoàng Thị Hồng, 74 tuổi, hơn 40 năm tuổi Đảng, số nhà 19 C, tổ 11, phường Cửa Bắc (TP Nam Định) là một trong 7 hộ dân hiện đang sinh sống và “sở hữu” hầm trú ngụ, một trong những hạng mục công trình thuộc khu vực di tích Khu Chỉ huy sở Nhà máy Dệt thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Là một công nhân làm việc tại Nhà máy Dệt Nam Định từ năm 1963, bà Hồng là người hiểu rõ hơn ai hết những giá trị lịch sử liên quan đến di tích này. Qua câu chuyện với bà Hồng và dựa trên tư liệu về hồ sơ di tích, chúng tôi càng thấu rõ hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa, tầm quan trọng của di tích lịch sử này.

Ngày 2/1/1965 chỉ huy sở được tiến hành xây dựng, tới cuối năm 1966 thì hoàn thành nhằm đảm bảo sản suất trong thời kỳ giặc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc. Khu Chỉ huy sở của Nhà máy Dệt Nam Định được xây dựng thành hai khu vực chính cách nhau 8m, gắn với tường thành cổ. Khu vực 1 gồm nhà làm việc của ban quân sự, hệ thống báo động phòng không, hầm trực chiến, nơi đặt tổng đài, máy truyền thanh.

Từ đây có hệ thống đường dây thông tin truyền đi khắp nơi. Khu vực 2 gồm nhà làm việc của Đảng ủy, ban giám đốc, công đoàn, hệ thống đường hào, hầm. Trên nắp đường hào, hầm có hệ thống chống bom đạn, trong đường hào, hầm có điện sáng để đi lại, làm việc. Giặc Mỹ đã nhiều lần ném bom phá hoại nhưng nhà máy vẫn bám trụ ở đây trong suốt những năm chống Mỹ.

Vấn đề cần quan tâm hiện là di tích đang trong tình trạng “phế tích”. Bà Hoàng Thị Hồng cho biết, sau khi đất nước thống nhất, khu di tích này thuộc quyền quản lý của Nhà máy Dệt Nam Định, đến năm 1985, 7 gian thuộc Khu Chỉ huy sở thời kỳ chống Mỹ được phân cho các cán bộ, công nhân nhà máy, trong đó có gia đình vợ chồng bà Hồng.

Hiện tại, dấu vết của Khu Chỉ huy sở Nhà máy Dệt thời kỳ chống Mỹ cứu nước là hầm công sự (hơn 10m2) do gia đình bà Hoàng Thị Hồng lưu giữ tương đối nguyên gốc, còn lại các hạng mục thuộc di tích đều bị xuống cấp trầm trọng hoặc đã bị xóa sổ.

Theo bà Hồng và các hộ dân đang sinh sống ở đây, từ nhiều năm nay, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thiếu sự quan tâm, nhất là công tác kiểm kê, đánh giá thực trạng di tích. Là người hiểu rõ ý nghĩa và giá trị lịch sử của di tích này, chính vì thế, mặc dù không nhận được quan tâm hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích từ cơ quan chức năng, nhưng vợ chồng bà quyết tâm bảo vệ, lưu giữ một phần công trình di tích.

Cũng như các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến ở TP Nam Định, Cửa hàng ăn uống dưới hầm chạy dài từ ngã tư Hai Bà Trưng - Hàng Tiện tới ngã tư Hai Bà Trưng - Bà Triệu được Nhà nước cấp Bằng công nhận là di tích lịch sử cách mạng kháng chiến năm 1979, song hiện tại khu di tích này đã được doanh nghiệp và hộ gia đình mặc nhiên coi là “của riêng”, trong đó cửa hàng ăn uống dưới hầm được dùng làm quán bán cà phê, cửa hầm phía trước bị bịt kín hoàn toàn, cửa hầm phía sau được doanh nghiệp xây dựng thành các kiốt kinh doanh xe máy.

Chỉ còn hầm công sự thuộc di tích Khu Chỉ huy sở Nhà máy dệt Nam Định trong số nhiều di tích còn tương đối nguyên gốc.

Di tích Hầm chỉ huy Thành ủy Nam Định thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước (còn gọi là A4) hiện nằm tại số nhà 57 phố Quang Trung (trong khuôn viên của Công ty CP in Nam Định) được xây dựng vào tháng 9/1966. Trong chiến tranh chống Mỹ, từ căn hầm này, Thành ủy Nam Định đã chỉ đạo mọi hoạt động sản xuất, chiến đấu ở địa phương.

Sau hơn 30 năm kể từ khi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, giờ đây khu di tích này hầu như đã bị lãng quên, không ít người ngạc nhiên vì lần đầu tiên được nghe đến một di tích lịch sử cấp quốc gia “có mặt” trên địa bàn địa phương.

Tìm hiểu nguyên nhân những di tích này đang ngày càng xuống cấp, ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Ban quản lý di tích và danh thắng (Sở VHTT và DL Nam Định) cho biết, nguyên nhân khó quản lý và bảo tồn là do các di tích này nằm xen lẫn vào các khu dân cư và do nhiều đơn vị sở hữu, quản lý.

Ví dụ như Khu di tích Chỉ huy sở Nhà máy Dệt thì nằm lẫn trong các nhà dân, Cửa hàng ăn uống dưới hầm thì lại được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch giao cho một doanh nghiệp quản lý, Nhà số 7 phố Bến Ngự hiện đang do Công an phường Bến Ngự quản lý, Hầm Chỉ huy Thành ủy Nam Định đang nằm trong khuôn viên Công ty CP in Nam Định. Việc tách các khu di tích này ra riêng biệt để bảo tồn không phải là chuyện đơn giản. Bên cạnh đó, bảo tồn thì phải phát huy được, nếu bảo tồn rồi lại đóng cửa im ỉm thì không nên.

Một vấn đề quan trọng nữa, theo ông Bình là do nguồn kinh phí để bảo tồn ngày càng hạn hẹp. Ông Bình lý giải nếu là di tích tâm linh thì huy động các ngồn kinh phí từ xã hội hóa rất đơn giản nhưng di tích lịch sử cách mạng huy động nguồn xã hội hóa rất khó. Kinh phí từ địa phương thì quá khó khăn, chẳng hạn di tích Nhà số 7 phố Bến Ngự đang do Công an phường Bến Ngự quản lý, phường không thể đủ kinh phí để bảo tồn, trùng tu, tôn tạo. 

Đề nghị các cơ quan chức năng cần phải có sự quan tâm hơn nữa để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa về truyền thống, lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc để truyền lại cho các thế hệ mai sau

Phan Hoạt
.
.
.