Dùng “bẫy điện” gây chết người

Thứ Sáu, 10/10/2014, 12:06
Gần đây, trên địa bàn một số huyện ngoại thành tại TP Hải Phòng vẫn còn tình trạng sử dụng “bẫy điện” để bảo vệ hoa màu, vật nuôi, chống chuột phá hoại và chống trộm. Mặc dù đã được cảnh báo, song người dân vẫn sử dụng điện làm bẫy diệt chuột, gây ra những vụ chết người thương tâm. Những người sử dụng “bẫy điện” đã vi phạm các quy định của ngành Điện và phạm tội “giết người”, quy định tại điều 93 của Bộ luật Hình sự.

Tối 30/9, cháu Trần Tiến Anh, 24 tuổi, con trai anh Trần Văn Thức, SN 1966, trú tại xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng đến câu trộm cá tại ao nhà Trương Văn Cường, 57 tuổi, người cùng địa phương. Do sơ ý, trong lúc câu Tiến Anh làm rơi cần câu xuống ao. Do bức xúc về việc ao cá của gia đình thường xuyên bị người lạ đến câu trộm, Trương Văn Cường nảy sinh ý định làm bẫy điện bảo vệ. Theo đó, 8h ngày 2/10, Cường mua 2kg dây thép, gia cố thêm vào đường dây thép cũ mắc trước đó ở xung quanh ao. Sau đó, Cường lấy đoạn dây đồng nối từ ổ cắm đặt tại bờ ao đến đường dây thép đó. Đến 16h cùng ngày, Cường đấu điện 220V của gia đình đến đường dây kim loại chăng xung quanh ao.

Đến 20h cùng ngày, hai bố con Trần Văn Thức đi đến góc vườn nhà chị Nguyễn Thị Dương, 34 tuổi (em vợ Thức), tiếp giáp với bờ ao nhà Cường. Trong lúc trèo lên bờ tường bao ao cá, anh Thức bị trượt chân ngã xuống, chạm vào dây kim loại chăng quanh bờ ao. Thấy vậy, Tiến Anh hô hoán mọi người đến ứng cứu. Cường vội chạy vào bếp rút phích điện ra khỏi ổ cắm. Một số người dân nhảy xuống ao rà tìm và đưa anh Thức lên bờ nhưng nạn nhân đã tử vong. Được sự vận động của lực lượng Công an và chính quyền địa phương, đến 8h ngày 3/10, Cường đến cơ quan điều tra đầu thú. Công an huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng đã tạm giữ hình sự Trương Văn Cường nhằm xác minh làm rõ hành vi phạm tội của Cường để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, anh Phạm Văn Thăng, 49 tuổi, trú tại xã An Hưng, huyện An Dương, Hải Phòng có một thửa ruộng lúa ở cánh đồng cách nhà khoảng 60m. Do thường xuyên bị chuột phá lúa nên Phạm Văn Thăng đã dùng điện bẫy chuột. Thăng mua dây thép trần, chăng xung quanh bờ ruộng rồi đấu với dây điện kéo từ trong nhà ra. Thăng cắm điện từ tối hôm trước. Sáng hôm sau ra ruộng kiểm tra, Thăng giật mình khi phát hiện anh Nguyễn Văn Mơ, cùng trú tại xã An Hưng và chị Đào Thị Hưởng, SN 1962, trú tại xã Đại Bản, huyện An Dương bị điện giật chết. Sau đó, Thăng đã đến cơ quan Công an đầu thú.

Nguyên nhân dẫn tới những cái chết thương tâm, đau lòng trên là do ý thức của người dân trong việc bảo vệ tài sản riêng mà không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng. Hầu hết các nạn nhân của những chiếc bẫy điện là những người thân quen, thậm chí là hàng xóm của họ. Hành vi dùng dây điện để giăng bẫy bắt chuột, bảo vệ tài sản đã dẫn tới việc chủ nhân của những chiếc bẫy điện phạm tội giết người. Những cái chết thương tâm trên là hồi chuông cảnh báo về những chiếc bẫy điện ở các làng quê. Do vậy, ngành Điện và chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở người dân thực hiện các quy định và cách sử dụng điện an toàn. Đồng thời, xử lý nghiêm tình trạng dùng “bẫy điện”. Mặt khác, người dân cần nâng cao ý thức chấp hành quy định, khi phát hiện có người lén lút sử dụng điện để đặt bẫy, cần báo cho chính quyền cơ sở kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý, phòng ngừa hậu quả xấu xảy ra

Đăng Hùng
.
.
.