Đưa việc chấp hành Luật Giao thông vào họp họ, họp làng

Thứ Hai, 16/12/2013, 14:05
Kết thúc năm 2013, tình hình tai nạn giao thông ở nước ta giảm nhiều mặt về số lượng người chết, người bị thương. Kết quả đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Song tình hình tai nạn giao thông ở nước ta vẫn là nỗi lo thường trực của tất cả mỗi người. Để hạn chế tai nạn giao thông, nhiều giải pháp rất cần được xử lý đồng bộ.

Đưa Luật Giao thông vào cuộc sống

Trong số các tỉnh, thành miền Trung, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình và xã Đồng Văn, Thanh Chương, Nghệ An được coi là xã điểm về việc thực hiện an toàn giao thông. Chục năm qua, đây là 2 địa phương có số vụ tai nạn giao thông ít nhất so với nhiều xã khác trong khu vực. Để có kết quả đó, nhiều giải pháp hay, cách làm mới đang được hai địa phương triển khai thực hiện. Tất cả các cuộc họp của thôn, xóm đến cấp xã đều có một phần nội dung về việc hạn chế, kiềm chế tai nạn giao thông. Những văn bản, luật về giao thông được chính quyền địa phương tóm tắt, giải thích một cách dễ hiểu, đơn giản nhất đối với người dân. Nhờ vậy, sau mỗi cuộc họp, người dân đều nắm chắc, nhớ lâu về việc thực hiện an toàn giao thông.

Chẳng hạn như, khi đi xe máy, cứ nhìn kim đồng hồ của xe chỉ chạy dưới 40km, phải luôn nhìn đồng hồ xe, chạy càng chậm càng tốt, rèn luyện thành thói quen khi điều khiển xe. Khi quay đầu xe, đỗ xe, xe từ nhà ra ngõ phải quan sát, an toàn mới thực hiện. Khi điều khiển xe bị CSGT bắt lỗi, phải bình tĩnh hỏi rõ lỗi như thế nào, mức xử phạt... để nhớ lâu, nhớ rõ. Một thành viên trong gia đình đi xe vi phạm an toàn giao thông, các thành viên khác trong gia đình phải có trách nhiệm nhắc nhở, giáo dục. Con em đi học phổ thông chưa đủ 18 tuổi dù biết điều khiển xe, đi học xa nhà, gia đình cũng dứt khoát không cho điều khiển xe. Chính vì vậy, nhiều năm liền, sau mỗi kỳ thi đại học thì việc tiếp theo của học sinh tốt nghiệp phổ thông ở các vùng quê này là đi học thi bằng lái xe.

TNGT luôn là nỗi lo đối với nhiều người khi tham gia giao thông.

"Mua chiếc xe máy thì dễ nhưng mua để rồi suốt ngày lo chuyện con có lấy xe đi và tai nạn giao thông thì thêm mệt, vì vậy chúng tôi đều thống nhất với nhau, đỗ đại học thì cho tập điều khiển xe máy, thi lấy được bằng rồi cho đi. Cả nhóm bạn học lớp 12 của con tôi chưa cháu nào biết đi xe máy. Tôi động viên con, học mới khó chứ lái xe thì dễ lắm, học cho giỏi rồi sau này muốn lái máy bay, tàu hỏa còn được chứ nói gì xe máy...", anh Lục, ở xã Đại Trạch nói vậy.

Bên cạnh chính quyền địa phương thì vai trò của các dòng họ, người cao tuổi trong việc giáo dục mọi người chấp hành Luật Giao thông hết sức quan trọng. Tại xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An, mỗi lần họp họ, tổ chức giỗ chạp, lễ Tết, mọi người trong họ tộc lại nhắc nhau không điều khiển xe thiếu trách nhiệm làm họ tộc mang tiếng. Có trưởng họ còn nhờ một người trong họ hay điều khiển xe chạy nhanh chở về TP Vinh để thăm bạn. Khi đi, nhiều người ngăn trưởng họ đừng đi vì sợ người chở chạy nhanh, nguy hiểm. Nhưng trên quãng đường gần 40km, trưởng họ đã khuyên nhủ, vừa đi vừa chỉ trực quan trên đường để giáo dục anh ta chạy chậm, đi đúng đường, từ đó anh ta thay đổi hẳn thói quen phóng nhanh, vượt ẩu...

Trách nhiệm từ mỗi cá nhân

Nhiều người tham gia giao thông còn đang chấp hành Luật Giao thông theo kiểu chống chế với cơ quan chức năng. Nhiều người khi điều khiển xe mang theo mũ bảo hiểm nhưng vẫn không chịu đội, đến khi trông thấy CSGT mới dừng xe để đội mũ. Điều này chứng tỏ nhiều người tham gia giao thông đang chấp hành luật theo kiểu chống chế, tránh bị xử phạt là chính, chứ chưa có ý thức chấp hành luật.

Một số cơ quan, đơn vị hành chính quy định: Nếu thành viên trong đơn vị vi phạm Luật Giao thông sẽ trừ vào điểm thi đua hằng năm, xét tăng lương, khen thưởng cuối năm... nhưng đó chỉ là quy định còn việc thực thi lại không hiệu quả. Bởi việc theo dõi công nhân viên vi phạm được giao cho bảo vệ cơ quan thực hiện. Nhiều nơi học sinh vẫn mặc nhiên đi xe gắn máy tới trường, nhưng lại gửi xe gần trường rồi đi bộ đến trường. Nguyên nhân là do các đơn vị, cơ quan ban hành quy định theo kiểu đánh trống bỏ dùi. Dân số nước ta đông, tỷ lệ phương tiện trên đầu dân cao, trong khi đó lực lượng CSGT còn mỏng nên không thể quán xuyến hết công việc theo dõi, xử lý từng người vi phạm.

Trong khi đó, người vi phạm Luật Giao thông lại luôn tìm cách tránh né. Bên cạnh đó, không ít người khi vi phạm Luật Giao thông bị CSGT xử lý lại tìm cách gọi điện đến những người thân quen để can thiệp; có trường hợp bị xử lý đã cố tình xúc phạm CSGT, sau đó còn vu vạ CSGT đánh người. Chỉ trong vòng 10 năm qua, đã có hơn 800 cán bộ, chiến sĩ CSGT bị chết và bị thương khi làm nhiệm vụ. Đất nước thời bình, nhưng sự hy sinh của họ vẫn thường diễn ra khi làm nhiệm vụ

Dương Sông Lam
.
.
.