Đưa phòng, chống quấy rối, lạm dụng tình dục vào trường học

Chủ Nhật, 16/08/2009, 10:34
Năm học mới ngày, bộ tài liệu thử nghiệm khá táo bạo về "Phòng chống quấy rối, lạm dụng tình dục và nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cho học sinh THPT, do Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), Viện Nghiên cứu & Phát triển xã hội (ISDS) và Actionaid Việt Nam (AAV) phối hợp biên soạn, sẽ được đưa vào một số trường học.

Nhận diện mối nguy hiểm

Theo một cuộc khảo sát về việc bảo vệ trẻ em ở 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang và Quảng Bình), QR, LDTD trẻ em là 1 trong 5 vấn đề bức xúc được người lớn quan tâm nhất (gồm xâm hại thân thể, xâm hại tình dục, xâm hại tinh thần, bóc lột sức lao động và xao nhãng trẻ em).

Vì lo lắng, người lớn thường đưa ra những bối cảnh đáng sợ như đêm khuya, đường vắng, người đàn ông lạ mặt... để dọa dẫm con cái về nguy cơ bị QR, LDTD. Nhưng trên thực tế, theo kết quả khảo sát của dự án nêu trên, mối nguy hiểm đó có thể xảy ra ở mọi nơi, ở bất kỳ người nào, ngay cả những nơi, những người tưởng như là an toàn, tin cậy nhất.

Phần lớn "yêu râu xanh" lại là người hàng xóm của bé gái (chiếm 54,8%), tiếp theo là người không quen biết với gia đình và trẻ (35,5%), sau đó là bạn cùng trang lứa cùng học, cùng tuổi (12,9%) và có cả người trong gia đình bé gái (9,7%). Vì thế, trẻ em và ngay cả thầy cô và cha mẹ cần phải biết nhận diện dấu hiệu của mối nguy hiểm để những câu chuyện đau lòng không xảy ra.

Dưới hình thức những trò chơi, thảo luận, vẽ tranh, câu đố..., những kiến thức về nhận diện mối nguy hiểm sẽ được truyền đạt tới học sinh như một giờ học ngoại khóa. Mặc dù yêu râu xanh có thể là bất cứ ai, cả nam lẫn nữ, trẻ lẫn già, người giàu lẫn người nghèo, người lạ hay người quen, nhưng trẻ sẽ được hướng dẫn về các thủ đoạn thường gặp của đối tượng xấu.

Thủ phạm là người lạ thường kiếm cớ làm quen với nạn nhân rồi lợi dụng sự thật thà của nạn nhân để QR, LDTD; sử dụng vũ lực, sức mạnh để uy hiếp nạn nhân; hành vi thường diễn ra ở những nơi vắng vẻ ít người qua lại thuận tiện cho việc thực hiện hành vi QR, LDTD. Thủ phạm là người quen thường tìm cách xây dựng mối quan hệ với trẻ bằng cách chăm sóc, giúp đỡ như cho tiền, quà cáp, hướng dẫn học tập... ; thường thăm dò thái độ của trẻ (ví dụ gọi điện hỏi trẻ có đang ở 1 mình không) trước khi thực hiện hành vi QR, LDTD; tìm hiểu những điểm yếu của trẻ để lợi dụng, khống chế trẻ.

Theo nghiên cứu, những địa điểm quen thuộc như nhà hàng xóm, trên đường về nhà, nhà vệ sinh trường học, xung quanh trường học, ở nhà là nơi các em thường ít đề phòng nhất, khiến kẻ xấu dễ lợi dụng làm điều xấu. Đặc biệt, những nơi công cộng như công viên, sân chơi, nhà vệ sinh, rạp chiếu phim là nơi hay xảy ra hành vi quấy rối, xâm hại tình dục, nhưng ít được chú ý tới. Những nơi hẻo lánh như bãi đất hoang, nhà kho, khu xây dựng là nơi có nguy cơ cao nhất xảy ra hành vi quấy rối, xâm hại tình dục.

Trẻ em có quyền được bảo vệ và giúp đỡ để được an toàn.

Từ đó, các em được hướng dẫn để nhận biết các tình huống có nguy cơ bị QR, LDTD: Không đi một mình ở nơi tối tăm, vắng vẻ; không ở trong phòng kín một mình với người lạ; không nhận tiền, quà hoặc sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lý do; không để người lạ đến gần đến mức họ có thể chạm tay vào người mình; không để cho người lạ vào nhà khi trong nhà chỉ có một mình; không nói với người lạ là mình đang ở nhà một mình.

Từ bị động thành chủ động

Bước vào THPT, các em đã bắt đầu bộc lộ rõ tâm lý giới tính. Theo TS Trịnh Thị Bích Liên, Phụ trách Phòng Phụ nữ - CSAGA, thành viên dự án "Phòng chống QR, LDTD và nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cho học sinh THPT, các em gái vào lứa tuổi này có nhiều nguy cơ bị QR, LDTDT hơn. Vì các em bắt đầu có những bộ phận cơ thể gợi cảm, bản thân các em cũng có tâm lý muốn hướng ngoại, thu hút sự chú ý của người xung quanh, nhất là người khác giới hơn, nhưng các em lại rất thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, khi bị QR, LDTD thì không biết phòng vệ.

Khi được hỏi, hầu như các em chỉ nhận ra được những hành vi trực tiếp dẫn đến QR, LDTD như động chạm, sờ mó vào ngực, bộ phận sinh dục... Còn những hành vi gián tiếp như cầm tay, nhắn tin, gọi điện gạ gẫm, phơi bày bộ phận sinh dục... thì các em không phân biệt được và chỉ cho đó là cách đùa vô văn hóa, kiếm cớ làm quen...

QR, LDTD trẻ em thường xảy ra vào những cảnh huống rất bất ngờ hoặc kéo dài dai dẳng mà người lớn không hề hay biết. Dù là xảy ra như thế nào thì hậu quả của nó cũng đều nặng nề, đau đớn. QR, LDTD trẻ em gây ra hậu quả khác nhau đối với từng đứa trẻ, có thể gây ra sự xáo trộn tâm lý tạm thời như xấu hổ, sợ hãi, bối rối, lo lắng, không tin tưởng vào người lớn... tới những hậu quả lâu dài như rối loạn hành vi, tổn thương về tâm lý, tổn thương về tinh thần, tổn thương về thể chất. Nhưng còn có những hậu quả  lâu dài rất khó nhận biết nhưng không kém phần nguy hiểm.

Ở tuổi 16-18, cả em nam và em nữ đều bắt đầu có xúc cảm thân thể tương đối rõ, có ám ảnh về tình dục. Khi bị QR, LDTD và thiếu hiểu biết, nhất là lạm dụng bằng phim ảnh, trong tương lai, các em có thể trở thành người lệch lạc về tình dục. Nhiều nạn nhân của QR, LDTD đến khi trưởng thành lại là kẻ xâm hại, hoặc có xu hướng tình dục đồng giới nếu kẻ xâm hại có cùng giới tính với nạn nhân. Nạn nhân còn có thể mắc chứng ghê sợ tình dục, có những phán xét rất nghiệt ngã về hành vi tình dục của người khác hoặc sợ hãi, dẫn đến căm ghét người khác giới.

QR, LDTD còn có thể dẫn tới quan hệ tình dục sớm, kéo theo những hậu quả khó lường. Có những trường hợp ở vùng sâu vùng xa, gia đình ép thủ phạm xâm hại tình dục phải cưới nạn nhân, khiến các em phải chung sống với người từng cưỡng hiếp mình và cuộc sống rất bất hạnh. Điều quan trọng hơn cả, là các em cần có hiểu biết để chủ động tránh bị QR, LDTD, thay vì bị động, ngơ ngác khi sự thể xảy ra.

Học cách phòng vệ

Khi bị QR, LDTD, có nhiều lý do ngăn cản các em nói ra sự thật. Các em sợ phải nhớ và thường cố gắng quên đi những gì đã xảy ra. Nạn nhân QR, LDTD thường cảm thấy mình không còn trong sạch, thấy mình có lỗi về những gì xảy ra và nghĩ rằng bạn bè, cha mẹ không còn yêu thương, tôn trọng mình sau khi biết sự thật. Các em có thể được biết hoặc cảm thấy việc quan hệ tình dục với người lớn là sai trái, nên cảm thấy xấu hổ, tội lỗi khi nói cho người khác hay thừa nhận là chuyện đó đã xảy ra.

Khi bị QR, xâm hại trẻ thường xuất hiện tâm lý lo sợ bị cha mẹ, người lớn trách mắng. Đây cũng chính là kẽ hở để kẻ xâm hại lợi dụng để chạy tội. Tiếc thay, mọi người thường có xu hướng tin người lớn hơn trẻ con. Các em còn sợ chính kẻ QR, LDTD, vì chúng thường khống chế, đe dọa nạn nhân. Vì thế, khi muốn giúp đỡ, khuyến khích các em nói ra tình trạng bị xâm hại tình dục, cần hết sức tôn trọng và tế nhị.

Khi cảm thấy sợ hãi do có người muốn đụng chạm hay xâm hại tình dục (dù bất kì là ai), em cần: Đứng ngay dậy, nhìn thẳng vào kẻ định xâm hại tình dục, lùi xa đủ để kẻ đó không với tay được đến người mình; Nói, hét to và kiên quyết cho kẻ đó biết nếu không dừng lại, sẽ mách mọi người…; Bỏ đi ngay; Kể với những người tin cậy, nếu người đó chưa tin có thể kể cho người thứ 2, thứ 3… cho đến khi được họ tin và giúp đỡ em; Nếu bị cưỡng hiếp, hãy nói với người thân đưa đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị.

Hãy nhớ rằng em không hề có lỗi khi bị xâm hại tình dục, em có quyền được bảo vệ và có quyền được giúp đỡ để được an toàn

Thanh Loan
.
.
.