Đua nở ngành học mới

Thứ Hai, 25/02/2008, 09:02
Nhiều trường ĐH, CĐ tại TP Hồ Chí Minh trong năm học 2008 đã mở thêm nhiều ngành học mới phù hợp với xu hướng thời đại và hướng phát triển của thị trường. Thêm nhiều cơ hội lựa chọn nhưng cũng đồng nghĩa với thêm những thách thức mới cho thí sinh.

Nói theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh thì ngành học rất đa dạng nhưng sự lựa chọn ngành của thí sinh còn chưa thật sự chuẩn.

Cơ hội nhiều hơn

Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh mùa tuyển sinh 2008 tiếp thị hai ngành mới là quản lý môi trường và quản lý tài nguyên môi trường với chỉ tiêu khoảng 200 sinh viên (SV). SV tốt nghiệp hai ngành này có thể công tác tại các phòng, sở quản lý môi trường, các công ty và trong lĩnh vực quản lý tài nguyên đất, nước, biển, rừng, khoáng sản.

Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng mở thêm các chuyên ngành mới: chứng khoán, kiểm toán, kinh tế bất động sản, toán tài chính, thống kê kinh doanh. Đây được xem là những ngành học đang "nóng", phù hợp với xu hướng hiện tại và tương lai.

Giống như mọi năm, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh sẽ có điểm chuẩn tuyển sinh chung cho tất cả các ngành và không đưa ra chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành. SV trúng tuyển vào trường, sau thời gian học đại cương là 1,5 năm sẽ xét tuyển vào từng ngành theo nguyện vọng.

ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) lần đầu tiên tuyển sinh khối A cho chuyên ngành mới: đô thị học (thuộc bộ môn đô thị học) dự kiến với 70 chỉ tiêu, thi đầu vào hai khối là A và D1. Đây là ngành học lần đầu tiên có ở Việt Nam, sinh viên học ngành này sẽ được cung cấp những kiến thức và kỹ năng nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển đô thị như quản lý đô thị, quản lý và đánh giá dự án, qui hoạch kinh tế - xã hội đô thị.

Học viện Quan hệ quốc tế năm nay mở hai chuyên ngành mới là luật quốc tế và kinh tế quốc tế. Cả hai ngành mới này đều đào tạo theo mô hình ngành chính, phụ. Ngành chính là luật và kinh tế, ngành phụ là ngoại ngữ.

SV ra trường sẽ trở thành cán bộ làm việc trong lĩnh vực ngoại giao, ngoài chuyên môn phải có khả năng thông thạo một ngoại ngữ. SV học luật quốc tế sẽ được cung cấp kiến thức cơ bản về hệ thống luật pháp quốc tế, tập trung vào hai lĩnh vực là công pháp quốc tế và luật kinh tế quốc tế. SV học kinh tế quốc tế được cung cấp kiến thức nền tảng về kinh tế quốc tế, tập trung vào lĩnh vực thương mại quốc tế và tài chính quốc tế. Cả hai ngành trên đều tuyển sinh 75 chỉ tiêu/ngành, dự thi theo khối A hoặc D.

Ngoài ra,  ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh cũng mở thêm ngành mới là bác sĩ chuyên ngành y học dự phòng (thuộc Khoa Y tế công cộng) với dự kiến chỉ tiêu là 50 SV, thời gian đào tạo 6 năm và ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh với hai ngành mới là cử nhân ngoại ngữ tiếng Nhật và sư phạm quản lý giáo dục, tuyển sinh các khối D1 (toán - văn - tiếng Anh), D4 (toán - văn - tiếng Trung Quốc), D6 (toán - văn - tiếng Nhật) với khoảng 110 chỉ tiêu cho 2 ngành.

Thách thức không kém

Trao đổi với Thạc sĩ Trần Thế Hoàng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo - công tác SV Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh ngày 22/2, ông cho rằng, mùa tuyển sinh 2008 những ngành học mang tính "thị trường" sẽ tiếp tục lên ngôi. Trong đó, nhóm ngành tài chính - ngân hàng được xem là ngành dẫn đầu, bởi theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì nhóm ngành này hiện đang có sức "hút" do nhu cầu của thị trường hiện nay rất lớn, đồng thời đây là một trong những nhóm ngành "cho tương lai". Năm 2008 ngành công nghệ thông tin cũng được xem là ngành của "thời đại".

Thế nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, khảo sát của trường qua các đợt tuyển sinh cho thấy thí sinh thường lựa chọn ngành nghề theo phong trào hoặc theo ý kiến của cha mẹ, bạn bè... tức kiến thức lựa chọn ngành nghề của thí sinh vẫn chưa có, đồng thời công tác tư vấn nghề chưa tốt.

Thế nên mới có chuyện trong mùa tuyển sinh vừa qua nhiều thí sinh đạt 27 điểm (Trường ĐH Y dược) nhưng vẫn bị rớt hay ở khối A của Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, có khoảng 13.000 thí sinh đạt trên 15 điểm (dù điểm chuẩn là 13,93) vẫn không được trúng tuyển.

Do vậy, để tránh việc chọn ngành không đúng thì thí sinh cần "ngẫm" kỹ trước khi lựa chọn, trong đó cần xem xét khả năng và năng lực của mình trước khi có quyết định chính thức trong việc chọn ngành

Nga Huyền
.
.
.