Đua nhau đi học... kỹ năng sống

Chủ Nhật, 05/07/2009, 10:30
Những kiến thức "sin, cos, tag, cotag", rồi "bảy hằng đẳng thức đáng nhớ" mà mình cố gắng học thuộc khi còn đi học dường như đã không được ứng dụng hữu ích trong suốt cuộc đời. Chính vì thế, học kỹ năng sống đang là vấn đề được nhiều người quan tâm và cho thấy một mảng thiếu hụt lớn trong việc chuẩn bị hành trang vào đời của mỗi người.
>> Vừa bế giảng đã lo học hè / Lỗ hổng giáo dục tâm lý

Không tự tin hòa nhập trong một buổi tiệc có khiêu vũ, ngại phát biểu trước đám đông, gục ngã khi gặp stress… Đó là những điều nhiều người gặp phải khi trải nghiệm cuộc sống và giật mình nhận ra, mình còn thiếu quá nhiều kỹ năng sống.

Nở rộ lớp học kỹ năng sống

Có cầu thì ắt có cung. Nhiều trung tâm, lớp học đào tạo kỹ năng sống ra đời. Kỹ năng sống là một khái niệm bao gồm tổng thể các khả năng làm chủ, thích ứng, xử lý tình huống và thực hiện thành thạo một hành vi nào đó để có được cuộc sống thành công và hạnh phúc hơn.

Có hàng loạt các kỹ năng sẽ được học như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, tự bảo vệ bản thân, cách tư duy sáng tạo, cách hoà nhập vào một nhóm người v.v… Trong đó, có nhiều khái niệm khá xa lạ với các môn học toán, văn trong nhà trường phổ thông và tưởng như mơ hồ, như học cách cảm nhận hạnh phúc, nhưng lại rất thiết thực khi ứng dụng trong cuộc sống.

Học cách cảm nhận hạnh phúc và học cách duy trì và đánh giá những trạng thái tâm lý tích cực. Khi có các kỹ năng đó, người học nhìn nhận nhiều hơn các yếu tố tích cực trong cuộc sống, bớt ảnh hưởng bởi những luồng thông tin tiêu cựu, biết giao hòa, thể hiện và cảm nhận hạnh phúc xung quanh mình từ những điều nhỏ nhất.

Đây là điều được chứng minh là cần thiết và quan trọng như thức ăn nước uống hàng ngày vậy. Bởi chỉ một ánh mắt thân thiện, một cái bắt tay tin tưởng có thể khiến chính mình và người xung quanh vui vẻ, được an ủi và tự tin hơn rất nhiều, trong khi chỉ một xúc cảm tiêu cực cũng có thể dẫn người ta đến những sai lạc, lỗi lầm rất nghiêm trọng.

Hiện có nhiều hình thức để học kỹ năng sống, trong đó phổ biến nhất là theo học tại các trung tâm đào tạo, kế đến là tổ chức học như một hoạt động ngoại khóa theo trường học, cơ quan và học theo các chuyến du lịch, dã ngoại…

Đặc biệt, nghỉ hè là dịp nhiều phụ huynh và con em tham gia học kỹ năng và trải nghiệm cuộc sống. Có nhiều nơi làm tốt việc đào tạo này. Nhưng cũng có nơi quảng cáo là hướng dẫn trải nghiệm cuộc sống, học các kỹ năng tự bảo vệ sức khỏe hằng ngày, biết sơ cứu khi gặp nguy hiểm…, nhưng trên thực tế, người học chỉ được tham gia một chuyến du lịch ngắn với các trò chơi tập thể thông thường, nội dung học kỹ năng sống quá sơ sài và không được lồng ghép vào các hoạt động chung. 

Một số tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam hiện cũng tham gia tích cực trong việc phổ biến đào tạo kỹ năng sống trong toàn xã hội một cách phi lợi nhuận. Ở nhiều nước, kỹ năng sống là một môn học thường quy trong nhà trường.

Sinh hoạt tập thể cũng là một cách rèn luyện kỹ năng sống. Ảnh: M.T..

Ở nước ta, khi mà kỹ năng sống chưa được chính thức đưa vào nhà trường, thì khó tránh khỏi việc chỉ có một bộ phận dân số tương đối có điều kiện kinh tế mới được học kỹ năng sống. Hơn nữa, khi không được học thường xuyên và bài bản, người học sẽ dễ quên và khó biết ứng dụng hiệu quả trong cuộc sống, nhất là trẻ em.

Bạc tóc vẫn đi học kỹ năng sống

Có một chuyện khá vui ở một trung tâm, là có cả các cụ già tóc đã bạc cũng đi học… kỹ năng sống. Bởi đơn giản, khi con cái sống và giáo dục trẻ em các kỹ năng sống trong xã hội hiện đại, rất có thể các cụ sẽ không hiểu, không tuân theo và áp dụng những quan điểm cũ của mình, dẫn đến mâu thuẫn và có thể vô tình phá vỡ những kỹ năng mà con cái dày công tập luyện cho các cháu.

Vì thế mới có chuyện cả ông bà, cha mẹ và con cái cùng đi học "cách sống". Với các cụ già, dù đã trải qua đủ mọi thăng trầm, đắng cay trong đời, những bài học "vỡ lòng" về kỹ năng sống cũng vẫn khiến các cụ thấy ngạc nhiên, mới mẻ và thay đổi một phần quan niệm về cuộc sống. Tuy vậy, không phải gia đình nào cũng nghĩ ra "sáng kiến" đưa ông bà… đi học, khiến các cuộc tranh luận không đầu không cuối về cách sống, cách giáo dục con trẻ vẫn xảy ra.

Tại một diễn đàn về kỹ năng sống, một phụ nữ chia sẻ, cứ mỗi buổi đón con mới vào học lớp 1, nghe con được điểm 8 là chị đã thấy không vui, nhiều khi còn bực bội. Dù biết con được 8 điểm là đã giỏi hơn mình ngày xưa, chị cũng thương con và thấy có lỗi khi trách mắng, gây sức ép cho con. Nhưng xung quanh các bé khác đều được 9, 10 điểm, nếu con không cố gắng thì luôn bị thua kém bạn bè, sau này làm sao được vào học trường tốt… nên chị không còn cách nào khác là bắt con học.

Đây là một ví dụ khá tiêu biểu về mâu thuẫn khi ứng dụng bài học kỹ năng sống trong hoàn cảnh xã hội hiện tại. Một điều rất quan trọng mà nội dung đào tạo kỹ năng sống hướng tới cho người học, là biết tự chủ, tự nhận định giới hạn trong vô số các "khái niệm mờ" về hạnh phúc, thành công, hoài bão…

Tự biết mình, tự nhận định giới hạn để sống "chất lượng" hơn, có định hướng, không sa đà và thất vọng khi chạy theo những mục tiêu xa vời, không thực tế. Nhưng trong xã hội chúng ta hiện nay, tâm lý "đám đông", sống theo những gì mọi người cho là đúng, là vẫn rất phổ biến. "Mọi người nói thế", "mọi người đều làm thế" thì mình cũng làm theo, dẫn đến vô số chuyện bi hài về cách chữa bệnh, cách đầu tư tiền bạc, các vụ lừa đảo… đã xảy ra.

Với người lớn, những tình huống bất ngờ xảy ra như bị chê cười, bị từ chối khi ứng xử theo suy nghĩ của mình, không theo tâm lý đám đông, còn có thể gây bối rối, buồn bã, thì với trẻ nhỏ, điều này càng khó khăn. Vì thế, không tránh khỏi nhiều người lại… quay về với đám đông, làm theo những điều tất cả mọi người làm dù thấy không tốt, để cho… an toàn.   

Đừng vội đổ lỗi cho xã hội

PGS.TS Nguyễn Công Khanh, Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên gia về tâm lý trẻ em - một người giàu tâm huyết với đào tạo kỹ năng sống bày tỏ những ý kiến lạc quan về hiệu quả nội dung giáo dục mới này ở nước ta. Theo PGS Khanh, việc đưa giáo dục kỹ năng sống vào nhà trường phổ thông không phải là điều khó khăn, vì đội ngũ chuyên gia trong nước hoàn toàn đủ khả năng để viết giáo trình căn bản

 Điều khó hơn cả là làm sao để đội ngũ giáo viên - những người trực tiếp chuyển tải nội dung này có niềm tin rằng, nội dung giáo dục này là rất cần thiết, từ đó để họ làm tốt công việc của mình.

Còn trong hoàn cảnh hiện tại, trước những mối giao hòa, xâm nhập của những quan điểm mới, khác với lối giáo dục truyền thống kéo dài trong hàng thế kỷ qua, trong khi chưa có sự thống nhất đưa nội dung mới vào nền giáo dục cơ bản chung, thì đừng vội đổ lỗi cho xã hội.

Không thể tư duy theo hướng "vì tất cả mọi người đều ăn cắp nên tôi cũng ăn cắp". Giáo dục kỹ năng sống không phải là cái gì mới hoàn toàn phủ nhận cách giáo dục cũ, mà chỉ nhằm giúp cho mỗi chúng ta sống vui vẻ hơn, sáng tạo nhiều hơn và biết cách chống đỡ tốt hơn với những khó khăn trong cuộc sống.

Đám đông hay dư luận xã hội chính là quan điểm của mỗi chúng ta cộng lại. Nếu mỗi người cứ hành động theo đám đông, thì vô tình, trong nền giáo dục, "làn gió cũ cứ thổi mãi". Còn nếu mỗi người tự tin hành động theo quan điểm của mình, thì dần dần những quan niệm mới sẽ là quan niệm của đám đông

Thanh Loan
.
.
.