Đưa lan rừng về phố

Thứ Sáu, 10/01/2014, 16:20
Để có được những chậu lan cỡ 3-4 người ôm, với chiều dài cành lên tới gần 2m, phải mất từ 7-10 năm. Và lan phải được trồng dưới những gốc cây rậm trong các tán rừng già Tả Phìn, Trung Chải, thuộc thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai. Hơn chục năm nay, có một người đã âm thầm nuôi dưỡng những gốc lan rừng để rồi trước Tết, những chậu lan khủng đã theo xe tải về xuôi, đọ sắc với muôn vàn các loài hoa rực rỡ khác. Anh là Phan Bá Hồng, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thanh Xuân, thị trấn Sapa.

Quê gốc ở Vĩnh Phúc, nhưng Phan Bá Hồng lại lên lập nghiệp ở vùng đất có khí hậu lạnh, thích hợp với các loại hoa quý, trong đó có địa lan. Trải qua nhiều nghề, cuối cùng, anh tự nhận là bị hoa lan quyến rũ bởi sự dịu dàng, thanh khiết và tương đối… khó tính của nó nên đầu tư tiền bạc, công sức vào việc trồng hoa lan.

Sự thanh khiết, cao quý của giống hoa chỉ biết ngậm sương đêm và uống nước suối nguồn, luôn được nhiều gia đình lựa chọn. Nhưng đôi khi, niềm đam mê được sở hữu một chậu lan xanh trong nhà vào ngày Tết không phải ai cũng thực hiện được, bởi giá của nó quá đắt, nhất là trong thời buổi kinh tế tụt dốc thê thảm như hiện nay.

Khách hàng đang xem một chậu lan có giá 40 triệu .

Anh Hồng cho biết, HTX nơi anh làm chủ nhiệm trồng chủ yếu địa lan với các loại: lan xanh, lan vàng, lan vàng chanh, trong đó lan xanh có giá đắt nhất. Hàng nghìn gốc lan được giao cho các hộ gia đình người dân tộc Mông, Dao, cư trú ở các xã vùng cao Tả Phìn, Trung Chải… ở huyện Sa Pa chăm sóc. Mỗi gốc lan, phải chăm sóc ít nhất là 3 năm mới cho sản phẩm và trước tết, những gốc lan này sẽ được gom lại, cho vào chậu. Trung bình một chậu có khoảng 40-70 cành lan (500-700 nghìn/cành).

Trước Tết năm nay, 400 chậu lan khủng đã được anh Hồng đưa về một trang trại ở xóm Quyết Tiến, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh  Phúc. Anh Hồng cho biết, 400 chậu lan này đã có chủ gần hết. Họ đặt hàng từ trong năm, thậm chí từ tết năm trước, và đa số là các doanh nghiệp, chứ ít có gia đình nào dám chơi sang như vậy, bởi giá thành “bèo” nhất của một chậu lan trong trang trại cũng từ 15-20 triệu trở lên.

Anh cũng cho biết, rất may mắn là tất cả số lan này đã được vận chuyển về xuôi trước đợt tuyết khủng khiếp ở Sapa vừa qua, để có mặt khoe sắc trong dịp Tết Giáp Ngọ.

Để có được cành lan xanh dài như thế này, phải mất 3 năm chăm sóc.

Mô hình trồng hoa lan của HTX Thanh Xuân, thị trấn Sapa do anh Phan Bá Hồng làm chủ, hiện đang được nhân rộng, để có thể giúp đỡ các hộ gia đình người dân tộc thiểu số thoát nghèo. Hiện nay, đã có hàng trăm gia đình người Mông, người Dao nhận công việc chăm sóc hoa giống từ HTX Thanh Xuân, với thù lao gấp nhiều lần so với trồng nương rẫy. Được biết,  mỗi gốc lan thành phẩm, HTX phải trả công chăm sóc từ 300-500 ngàn đồng

Hiền Anh
.
.
.