Đưa 5 ngư dân tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa về đất liền
Trao đổi với chúng tôi ngay trên bến cảng, ông Khanh cho biết, theo kế hoạch, tàu cá của ông sẽ chở 5 ngư dân vào đất liền vào chiều 12-7.
Nhưng, do tàu đi qua vùng biển có thời tiết xấu, sóng lớn khiến tàu đi chậm nên phải đến cuối giờ chiều 13-7, tàu cá của ông mới về tới cảng Tịnh Kỳ. Những người đi đánh cá cùng tàu với ông Lựu là anh em, cha con trong một nhà. Vì thế, khi nghe tin tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa, người thân ở đất liền luôn phải sống trong lo âu, thấp thỏm.
Mọi liên lạc đều chỉ trông cậy vào người trực Icom xóm Gành Cả, nên lúc tàu đi qua vùng biển xấu, bị mất liên lạc gần một ngày lại làm cho nỗi lo càng chồng chất...
Khi đặt chân lên bờ, các ngư dân đi trên tàu cá QNg 90479TS vẫn chưa hết bàng hoàng, phẫn nộ khi nhắc lại sự việc. Còn ông Lựu thì thẫn thờ nhìn ra phía biển, vì tàu cá bị đâm chìm là tài sản, vốn liếng của gia đình.
Nhưng rồi ông Lựu quả quyết: “Tàu cá bị chìm thiệt hại ước tính trên 2 tỷ đồng. Tiếc của, đau xót vì mình đánh bắt hải sản trên vùng biển của đất nước mình cũng bị Trung Quốc hiếp đáp. Nhưng, anh em ngư dân tui vẫn không nhụt chí. Tui sẽ vay mượn tiền bạc đóng tàu ra Hoàng Sa đánh bắt. Biển của mình không thể bỏ được!”…
Các ngư dân trên tàu cá bị chìm đã về được cảng Tịnh Kỳ. |
Theo các ngư dân đi trên tàu cá ông Lựu, khi tàu cá đang đánh bắt tại khu vực đảo Linh Côn, thuộc quần đảo Hoàng Sa thì bị 2 tàu Trung Quốc truy đuổi và tông chìm. Các ngư dân văng xuống biển, ôm phao bơi mỗi người mỗi nơi. Nhận được tín hiệu cầu cứu của ngư dân tàu ông Lựu, tàu QNg 95001TS của ông Khanh đang đánh bắt hải sản gần đó chạy tới vớt người, nhưng bị các tàu Trung Quốc ngăn cản.
“Khi tàu tui đến cách khoảng 1 hải lý thì vẫn còn thấy mũi tàu cá của ông Lựu nổi trên mặt nước, nhưng xung quanh có rất nhiều tàu của Trung Quốc bao vây. Tui không dám đến cứu, vì sợ tàu Trung Quốc bắt giữ. Trước đây nhiều lần tàu ngư dân Quảng Ngãi bị họ dùng tàu sắt đâm chìm, sau đó dẫn dụ mình cho tàu đến cứu để bắt giữ…”.
Ông Khanh kể tiếp rằng, đến khoảng 19h cùng ngày, khi thấy các tàu Trung Quốc bỏ đi, ông mới cho tàu QNg 95001TS mới tiếp cận và vớt được 5 ngư dân đang chới với bám víu các phao đưa lên tàu.
“Việc ngừng hoạt động đánh bắt để cứu vớt các ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm đưa về bờ, tàu anh em tui bị tốn trên 100 triệu đồng. Nhưng, không vì thế mà anh em tui bỏ rơi người bị nạn. Đánh bắt trên biển Hoàng Sa – Trường Sa, ngư dân luôn đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hoạn nạn cùng nhau.
Dù phía Trung Quốc gây cản trở, song ngư dân các tỉnh miền Trung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng vẫn giương buồm ra vùng biển truyền thống của cha ông mình đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ biển đảo đất nước”, ông Khanh khẳng khái nói.