Dự thảo Luật Giáo dục Đại học: Cần sớm chấm dứt cơ chế “xin-cho”

Thứ Năm, 06/10/2011, 09:26
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học của Bộ GD&ĐT đề xuất, Bộ cần trao quyền tự chủ thực sự cho các trường chứ đừng nhầm lẫn phân cấp cho các cấp thấp hơn Sở, ngành, vì như vậy trường vẫn chưa có tự chủ.

Ngày 5/10, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Giáo dục Đại học (GD ĐH).

Tuy nhiên, dự thảo Luật này lại không được như các nhà khoa học, nhà giáo kỳ vọng bởi còn mù mờ về triết lý giáo dục, không thể hiện một tư tưởng chủ đạo nào, manh mún và chắp vá, nhiều vấn đề “cốt tử” của giáo dục đại học lại chưa được nhắc đến, chưa tạo được sân chơi bình đẳng giữa hệ thống trường công – trường tư.

Các trường phải thực sự được tự chủ

Đó là trăn trở của nhiều nhà giáo tham dự hội thảo vì lâu nay, tại rất nhiều diễn đàn giáo dục, các trường đại học luôn tha thiết “đòi” quyền tự chủ, được “cởi trói” để thoát khỏi cơ chế xin – cho.

Ông Lê Khắc Đóa, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho rằng, tự chủ, tự chịu trách nhiệm là vai trò quyết định, là linh hồn của đổi mới giáo dục, nhưng Luật cần chỉ ra cụ thể, các trường được tự chủ cái gì để xã hội giám sát. Ông Đoá còn kiến nghị, giảng viên đại học phải có trình độ trên đại học, thêm nữa, hiện nay, liên thông trong giáo dục đại học rất bát nháo vì đi trường trung cấp hay cao đẳng nào cũng thấy đào tạo nghề, dạy nghề.

Cũng theo ông Đoá, dự thảo nên bỏ khái niệm trường ngoài công lập thành tư thục, bỏ quy định tuổi hiệu trưởng đại học ngoài công lập 70 tuổi, đồng thời phải làm rõ chức năng Đại học quốc gia, nếu Đại học quốc gia trực thuộc chính phủ thì cần trở thành trường trọng điểm đào tạo giảng viên, chất lượng cao, đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ… chứ không đào tạo ĐH,CĐ.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học của Bộ GD&ĐT đề xuất, Bộ cần trao quyền tự chủ thực sự cho các trường chứ đừng nhầm lẫn phân cấp cho các cấp thấp hơn Sở, ngành, vì như vậy trường vẫn chưa có tự chủ.

Cũng theo TS Khuyến, đối với các trường công phải tính đến hiệu quả, không thể mở tràn lan trường công vì có đầu tư nhà nước. Cơ chế của chúng ta chỉ có Bộ - trường chứ không có vai trò của Hiệp hội, do đó, Bộ nên cho Hiệp hội vai trò giám sát các trường như kiểm định, kiểm toán. Bộ làm sao thẩm định được hết chương trình của các trường. Một thực trạng nữa là chúng ta có quá nhiều loại hình trường đại học, dẫn đến tình trạng “đại học trong đại học” nhưng trong văn bản dự thảo lại quá mập mờ, điều đó sẽ làm rối loạn hệ thống đại học.

Sinh viên học trong điều kiện giảng đường chật chội sẽ khó đảm bảo chất lượng giáo dục đại học tiên tiến.

Xoá bỏ phân biệt giữa trường công - tư

Bà Trần Thu Hà, Phó Hiệu trưởng ĐH Hòa Bình băn khoăn, dự thảo Luật lần này đã nói nhiều đến việc sẽ giao cho các trường quyền tự chủ, nhưng đã tự chủ rồi, sao dự thảo Luật lại còn nêu Bộ sẽ đứng ra biên soạn tất cả giáo trình cho các trường đại học. Bộ có cần ôm đồm cả việc này không? Bộ làm sao soạn giáo trình bằng các giáo sư đầu ngành được vì chỉ có các giáo sư đầu ngành mới chuyên sâu, am hiểu tri thức của nhiều chuyên ngành.

Cũng theo bà Hà, hiện có ba mô hình trường công, trường tư và trường có đầu tư nước ngoài, mỗi loại trường cần có một mô hình quản lý tài chính và tài sản, nhưng hiện dự thảo Luật GD ĐH chưa tách biệt được vấn đề này. Bà Hà còn cho rằng, dự thảo chưa đề cập được chính sách đối với trường đại học, đối với người dạy, người học thì làm sao phát triển được. Bà Hà cho hay, chỉ nên quan niệm “một hệ thống trường đại học” mà thôi, không nên đưa sở hữu vào tên trường để tạo sự công bằng.

Liên quan đến vấn đề giữa trường công và tư, bà Trần Kim Phương, Phó Hiệu trưởng trường CĐ ASEAN bày tỏ, hiện các trường ngoài công lập đang ở sân chơi không công bằng, vì vậy cần phải đảm bảo chỉ số rõ ràng về chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất. Bà Phương cho rằng, dự thảo Luật thiên về câu chữ, nghe thì hay nhưng làm thì khó. Nhân tài là nguyên khí quốc gia thì trường công – tư phải được đối xử ngang bằng.

Giáo sư Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Hải Phòng chia sẻ băn khoăn về điều kiện thành lập trường. Trường công lập muốn thành lập cũng phải có điều kiện. Chỉ có những trường ở vùng sâu, vùng xa, đặc thù cho an ninh quốc phòng, năng lượng hạt nhân, vũ trụ…thì mới nên thành lập mới, còn các loại trường khác thì không nên thành lập mà nên chuyển sang trường ngoài công lập, hoặc có thể gọi là “trường xã hội hoá”.

Phải triệt tiêu cơ chế “xin – cho”

Đó là quan điểm của Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. GS cho hay: Hiệp hội sẽ gửi một bản góp ý về dự thảo Luật GD ĐH cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trong đó, quan điểm chính là phải hoãn xem xét và thông qua Luật này. Cơ chế “xin – cho” đang phổ biến trong quản lý GD ĐH, mà căn nguyên chính là cơ chế quản lý một chiều, Nhà nước vừa đưa ra chính sách, lại vừa làm nhiệm vụ giám sát.

Cơ chế đó cần được thay bằng cơ chế 3 chiều: Nhà nước – nhà trường – xã hội. Giáo sư Trần Hồng Quân kiến nghị Uỷ ban Văn hoá Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cần thành lập ban nghiên cứu độc lập về Luật GD ĐH với Bộ GD&ĐT.

Thu Phương
.
.
.