Dư luận quốc tế chào mừng Việt Nam gia nhập WTO

Thứ Năm, 09/11/2006, 09:06

Theo TTXVN, ngay sau khi Việt Nam được kết nạp vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 7/11, dư luận thế giới tiếp tục có những phản ứng tích cực trước sự kiện này.

Phát biểu với các phóng viên tại trụ sở của WTO ở Geneve (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy đánh giá Việt Nam là một trong những ngôi sao đang lên của thương mại thế giới. Ông Lamy cho rằng, việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ có lợi cho cả Việt Nam và WTO.

Từ Washington, Đại diện thương mại Mỹ Susan Schwab cho biết, Mỹ rất vui mừng trước việc Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới. Bà Schwab khẳng định, thế giới sẽ được lợi từ việc một nền kinh tế năng động và phát triển nhanh như Việt Nam tham gia hệ thống buôn bán toàn cầu.

Bà Schwab cho biết, Chính phủ Mỹ sẽ kêu gọi Quốc hội nước này nhanh chóng thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam và bày tỏ hy vọng sau sự kiện này, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ sẽ bước sang một trang mới.

Trong đánh giá hằng năm về tình hình kinh tế các nước Đông Nam Á, IMF cho rằng việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ tạo ra những cơ hội mới thúc đẩy sự tăng trưởng của các ngành xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Sự kiện này cũng đặt Việt Nam trước sự cạnh tranh quyết liệt toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam cần cải cách nhanh một số ngành công nghiệp để tận dụng triệt để những lợi ích của việc gia nhập WTO.

Các quan chức WTO dự lễ kết nạp Việt Nam.

Nhiều hãng thông tấn, báo chí của các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Áo và Thụy Sĩ tiếp tục đăng tải thông tin về việc Việt Nam gia nhập WTO. Theo hãng tin Tân Hoa của Trung Quốc, gia nhập WTO sẽ giúp Việt Nam tiến vào thị trường lớn toàn cầu, nâng cao địa vị quốc tế và thúc đẩy hơn nữa sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ chủ động tham gia chế định chính sách mậu dịch toàn cầu, bình đẳng hưởng các đãi ngộ dành cho một thành viên WTO.

Tờ "Bình quả" đưa tin, sau 11 năm nỗ lực, Việt Nam đã được kết nạp vào WTO. Việc Việt Nam đạt được mục tiêu gia nhập WTO chứng tỏ nước này đã hòa nhập vào thế giới, bước vào vũ đài kinh tế thế giới.

Tờ báo nói rằng, Việt Nam là nền kinh tế phát triển mạnh nhất châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ kinh tế mậu dịch với thế giới, một số quốc gia cũng sẽ dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam.

Hãng tin Kyodo và các báo lớn ở Nhật Bản ngày 8/11 đều đánh giá cao việc Việt Nam gia nhập WTO. Tờ "Nihon Keizai" nhận xét rằng, cùng với việc trở thành thành viên của WTO, quá trình chuẩn bị môi trường đầu tư cho sân chơi mới cũng đã được Việt Nam thúc đẩy và đất nước này sẽ trở thành điểm thu hút đầu tư lớn của nước ngoài.

Trong khi đó, tờ "Akahata" cho rằng với việc trở thành thành viên của WTO, ngoài việc hướng tới mở cửa thị trường các sản phẩm nông nghiệp và hàng công nghiệp, Việt Nam cũng sẽ phải tăng cường bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ.

Tờ "Thời báo tài chính" của Đức đánh giá sự kiện này là một mốc quan trọng trong việc hòa nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Bài báo dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng việc đất nước 83 triệu dân với mức tăng trưởng đạt 7,8% trong năm nay gia nhập WTO sẽ tạo một luồng sinh khí tăng trưởng mới cho Việt Nam.

Báo "Làn sóng Đức" nêu rõ Việt Nam đã thực hiện những cải cách sâu rộng trong suốt thập kỷ qua để đáp ứng các quy định về thành viên của WTO và nước này hiện đã là một trong những nền kinh tế đạt tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Nhật báo kinh tế Bỉ "Tiếng vang" đã có bài viết về sự kiện Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO. Theo tác giả bài báo, Việt Nam đã kiên trì theo đuổi công cuộc đổi mới sâu sắc và toàn diện trong suốt 20 năm qua (tính từ năm 1986) để trở thành một nền kinh tế mạnh mẽ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến nay, Việt Nam là nước sản xuất gạo và cà phê lớn thứ hai trên thế giới; ngoài ra, còn là nhà xuất khẩu các sản phẩm dệt may, giày dép có năng lực cạnh tranh lớn cũng như là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo bài báo, Việt Nam đã xác định được con đường đi đúng đắn từ năm 1986 với công cuộc đổi mới để dẫn đến thành quả là ngày 7/11/2006, đất nước này đã được Đại hội đồng của WTO, gồm 149 quốc gia và vùng lãnh thổ, biểu quyết chính thức công nhận là thành viên của sân chơi thương mại toàn cầu.

Chiều 7/11, trang web bằng tiếng Anh của Tổ hợp truyền thông BBC đã đưa tin Việt Nam được chính thức kết nạp làm thành viên thứ 150 của WTO và cho rằng việc gia nhập WTO sẽ tạo cho Việt Nam cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các thị trường nước ngoài.

Sau khi gia nhập WTO, các nhà xuất khẩu hàng dệt, gạo và cà phê của Việt Nam không phải chịu hạn ngạch nhập khẩu của các nước khác nữa. Song các lĩnh vực khác như ngân hàng, bảo hiểm và thông tin viễn thông sẽ phải đứng trước khả năng cạnh tranh mạnh mẽ của quốc tế

PV
.
.
.