Du lịch tâm linh: “Mỏ vàng” chờ được khai thác

Thứ Hai, 11/11/2013, 11:05
Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch tâm linh là loại hình du lịch có nhiều tiềm năng phát triển đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Đây là một sản phẩm du lịch mới của du lịch Việt Nam nhưng hứa hẹn đem lại xu hướng phát triển mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt, với tỉnh Ninh Bình, sản phẩm du lịch tâm linh đã tạo được bước đột phá mới, thay đổi cuộc sống cả chục ngàn người dân vùng đất Gia Viễn - Hoa Lư.

Kinh nghiệm từ Ninh Bình

Thời gian qua, Ninh Bình đã trở thành một hiện tượng về du lịch tâm linh (DLTL). Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú và con người cũng tạo nên ở nơi đây nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như Cố đô Hoa Lư, Nhà thờ đá Phát Diệm, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Tam Cốc - Bích Động, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính… Tất cả những di tích và danh lam thắng cảnh này đã trở thành những điểm du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Phát huy lợi thế là mảnh đất thiêng, từng là cố đô của ba vương triều phong kiến là Đinh, Tiền Lê, Lý gắn liền với những biến chuyển trọng đại trong lịch sử của dân tộc; là nơi hội tụ, giao thoa của Phật giáo và Thiên Chúa giáo, du lịch chuyên về văn hóa, tâm linh đang trở thành thế mạnh trong phát triển ngành công nghiệp không khói của tỉnh Ninh Bình.

Ông Trần Hữu Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, năm 2009 với doanh thu 170 tỷ đồng từ du lịch, sau 4 năm đến năm 2013 ngành Du lịch Ninh Bình đã đón trên 4 triệu lượt khách, tăng trưởng bình quân 20%/ năm, với doanh thu trên 800 tỷ đồng. Đây là một con số tăng trưởng khá ấn tượng của ngành Du lịch địa phương trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Trước đây, hơn 10 năm khu vực Bái Đính là một vùng đất chưa được du khách biết đến, đường đi vào rất khó khăn, người dân sống lam lũ, một mùa cấy lúa nước, thu nhập bấp bênh, không có việc làm, nhưng từ khi dự án xây dựng chùa Bái Đính, bộ mặt ở đây đã đổi thay cuộc sống của người dân đã có sự dịch chuyển từ thuần nông sang ngành công nghiệp không khói, hàng chục ngàn người đã có việc làm, thu nhập 4-6 triệu đồng/ tháng, an ninh trật tự được đảm bảo. Có thể nói, cuộc sống của người dân ở đây đã thực sự đổi thay nhờ DLTL, ông Bình cho biết thêm.

Chùa chiền là một trong những điểm đến chính trong các tour du lịch tâm linh (ảnh tư liệu).

DLTL đang trở thành sản phẩm du lịch chủ đạo của một số địa phương, góp phần mở rộng thêm các sản phẩm du lịch, đem đến nhiều hành trình và sự trải nghiệm khác nhau cho du khách trong nước và quốc tế. Như đến với khu du lịch Tràng An – Bái Đính, du khách có thể tham quan điện Tam Thế có tượng Tam Thế đúc bằng đồng, nặng tới 50 tấn; điện Pháp Chủ với tượng Thích Ca Mầu Ni nặng 100 tấn; hai quả chuông đồng nặng 36 tấn và 27 tấn đồng, cổng Tam quan, hồ Phóng sinh… Ngoài ra, khách du lịch còn được nghỉ ngơi trong công viên yên tĩnh nơi trồng nhiều cây dược liệu, cây quý hiếm hoặc dạo thuyền vào thăm khu hang động Tràng An cách chùa không xa, nơi có tới 50 hang động dưới lòng núi đá vôi đã phát lộ.

Du lịch tâm linh kết nối giá trị lịch sử, văn hóa

Với mỗi tour DLTL, du khách đều có sự trải nghiệm thú vị, đây là một sản phẩm mới nhưng rất tiềm năng. Sản phẩm DLTL có thể là cuộc hành hương đến đền chùa, thăm các cơ sở tôn giáo, các tuyến đường lịch sử văn hóa liên quan đến các di sản hữu hình và vô hình như lễ hội, âm nhạc, sân khấu, văn học, nghệ thuật ẩm thực, giải thích về bản chất và vũ trụ, lịch sử; thiền tĩnh tâm, trung tâm yoga và spa; nghỉ tại nhà dân cộng đồng bản địa và các sản phẩm du lịch được tạo ra bởi sự sáng tạo của con người.

Việt Nam có lợi thế về hệ thống đền chùa, thắng cảnh đa dạng và phong phú nếu ta xây dựng tốt các điểm tour sẽ thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang xúc tiến quảng bá DLTL Ninh Bình như một điểm đến trọng điểm của du lịch phía Bắc. Hầu như đoàn Farm trip nào cũng được Tổng cục đưa đến khảo sát Ninh Bình và đoàn nào cũng rất ấn tượng với tiềm năng du lịch nơi đây. Trong đó, tại miền Bắc tập trung phát triển tam giác du lịch gồm Hà Nội - Ninh Bình – Hạ Long để kết nối 1 tuyến hành trình thú vị với nhiều trải nghiệm khác nhau kéo dài trong 1 tuần.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, DLTL là một sản phẩm du lịch hấp dẫn và có tiềm năng phát triển trong thời gian tới, ngành Du lịch tập trung phát triển có trọng tâm trọng điểm về DLTL có chất lượng, chiều sâu và hiệu quả. Đồng thời, hình thành và xây dựng một số tuyến cơ bản về DLTL. Đó là Hà Nội – Hạ Long (qua Côn Sơn Kiếp Bạc, Đông Triều với đền An Sinh, khu lăng mộ 8 vua Trần, chùa Quỳnh Lâm, núi Bài Thơ, đền Cửa Ông) – Ninh Bình. Tuyến Hà Nội - chùa Hương - chùa Tam Trúc Ba Sao (Hà Nam). Tuyến hành trình qua kinh đô Việt cổ bắt đầu từ Đền Hùng (Phú Thọ) tới Thăng Long (Hà Nội) - Tràng An (Ninh Bình) – Lam Kinh (Thanh Hóa) – Huế.

Tại  khu vực phía Nam đến nay chưa xây dựng được tuyến DLTL như miền Bắc, nhưng đã có một số điểm DLTL như chùa Bà Chúa Xứ Núi Sam (An Giang), núi Bà Đen ở Tây Ninh, Côn Đảo, Phú Quốc… Riêng trường hợp Ninh Bình, đây là địa phương có tốc độ phát triển du lịch rất tốt, tuy nhiên doanh thu từ du lịch chưa cao, do đó tỉnh cần chú trọng phát triển sản phẩm du lịch, tạo ra dịch vụ giá trị gia tăng để thu hút khách lưu trú nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn.

Trong 2 ngày 21 và 22/11 tại Ninh Bình, lần đầu tiên Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp tổ chức sẽ diễn ra tại Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính.

Bên cạnh việc giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch của Việt Nam nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng đến bạn bè trong nước và quốc tế, đây là diễn đàn để các đại biểu trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan về công tác quy hoạch, quản lý, công tác bảo tồn, khai thác phát triển du lịch gắn với tâm linh, một loại hình du lịch mà theo đánh giá của UNWTO có rất nhiều tiềm năng phát triển.

Lưu Hiệp
.
.
.