Du khách cảnh giác với những tuyên truyền về Pháp Luân Công

Thứ Bảy, 04/11/2006, 08:46

Gần đây, tại các điểm tham quan ở Hồng Kông, Singapore, Malaysia, nơi có đông khách du lịch Việt Nam, nhiều thành viên của tổ chức Pháp Luân Công đứng phân phát tờ rơi giới thiệu về tổ chức này. Đây là một tổ chức đã bị Trung Quốc cấm cửa vì có nhiều hoạt động quá khích.

Vừa qua, tôi được tham dự vào một tour du lịch Hồng Công - Macao từ ngày 16/10 đến ngày 19/10/2006. Trong chương trình ở Hồng Công có điểm tham quan rất nổi tiếng là đền thờ Huỳnh Đại Tiên (Wong Tai Sin). Trên đường vào đền thờ, tôi giật mình vì thấy hai bên ngõ vào treo đầy những băngrôn tuyên truyền cho tổ chức Pháp Luân Công (Fa lun kung) và những thành viên đứng phân phát các tờ rơi giới thiệu về tổ chức này cho khách tham quan.

Sở dĩ tôi giật mình vì khi đưa khách đi du lịch Singapore tôi cũng đã chứng kiến hoạt động tương tự của tổ chức này tại khu vực nhà hát Esplanade. Còn ở Malaysia thì họ phân phát tờ rơi tại điểm tham quan phế tích nhà thờ thánh Paul, bang Melaka. Điều này có nghĩa là tổ chức này có tầm hoạt động quốc tế.

Trước đây, Chuyên đề ANTG đã đăng bài viết đề cập rất chi tiết về tổ chức này. Đây là một tổ chức bị Trung Quốc “cấm cửa” vì những hoạt động “quá khích” của nó. Việc chọn các điểm du lịch nổi tiếng để phân phát tờ rơi và tuyên truyền về các hoạt động của mình là một việc làm có ý đồ rõ rệt của tổ chức này. Họ đang nhắm đến cộng đồng người Hoa hiện diện đông đảo ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, các điểm du lịch nổi tiếng của các nước là nơi thu hút đông đảo du khách quốc tế đến tham quan, do đó cũng là nơi tốt nhất để tổ chức hoạt động tuyên truyền.

Hằng năm, các công ty du lịch tổ chức đưa du khách Việt Nam đi tham quan các nước nói trên với con số không nhỏ (chỉ riêng Malaysia đã hơn 200 ngàn), trong đó có không ít là người Việt gốc Hoa và họ rất “vô tư” khi chìa tay nhận các tờ rơi giới thiệu về tổ chức Pháp Luân Công. Tình hình này ngày càng phổ biến nhưng theo tôi, cho đến giờ vẫn chưa được Nhà nước ta, đặc biệt là Cơ quan An ninh có sự quan tâm đúng mức.

Qua trao đổi trực tiếp với hướng dẫn viên một số công ty du lịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy họ còn rất “mù mờ” về tổ chức này; và do vậy họ không thể giải thích rõ ràng để khách du lịch Việt Nam có thái độ ứng xử phù hợp khi tổ chức này tìm cách phân phát tờ rơi cho họ.

Theo tôi, Bộ Công an cần theo dõi sâu sát hơn tình hình này; đồng thời trao đổi với Tổng cục Du lịch để có những biện pháp phối hợp nghiệp vụ cần thiết. Ngoài ra, trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho hướng dẫn viên, cần đưa chuyên đề về An ninh du lịch vào nội dung bổ trợ ngoại khóa, thậm chí nếu cần thiết có thể đưa vào nội dung đào tạo chính thức.

Có như vậy, các hướng dẫn viên có nhiệm vụ đưa khách đi du lịch nước ngoài mới có thể chủ động tuyên truyền, giải thích cho du khách Việt Nam nhằm ngăn ngừa những việc đáng tiếc xảy ra

Sơn Hà
.
.
.