Dù bán vé phụ, khách vẫn phải mua vé tàu “chợ đen”

Thứ Sáu, 18/02/2005, 08:40
Tại Ga Hà Nội, Anh Trần Tuấn Tú, quê ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), hiện là kỹ sư xây dựng hầm đèo Hải Vân cho biết: Do công việc gấp rút, anh đành phải mua vé “chợ đen” với giá chênh lệch là 200.000 đồng.

Cũng giống trường hợp của anh Tú, bác Nguyễn Mạnh Hà ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng phải mua vé “chợ đen” để vào Tp. Hồ Chí Minh với giá đắt hơn gần một nửa so với giá quy định để kịp trả phép.

Năm nào Ga Hà Nội cũng nhận được 35% phương án bán vé từ trong Tp. Hồ Chí Minh chuyển ra để phục vụ nhu cầu của hành khách phía Bắc. Tuy nhiên, số vé này đã được các khách hàng đặt chỗ và mua hết. Hiện Ga Hà Nội chỉ thực hiện bán nốt 15% phương án ghế phụ (mỗi toa được thêm khoảng 12 ghế), nhưng số ghế này vẫn còn quá ít so với nhu cầu của người dân trong những ngày sau Tết.

Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó trưởng ga Hà Nội cho chúng tôi biết, tính đến 14h ngày 13/2, Ga Hà Nội đã bán hết 35.000 vé; tàu Thống Nhất trong ngày 14/2 bán được 3.916 vé, doanh thu 1,4 tỷ đồng... đủ thấy lượng khách trong những ngày vừa qua tăng thế nào. Đặc biệt trong năm nay, tuyến tàu phía Tây (đi Lào Cai - Yên Bái) tăng đột biến vì nhiều du học sinh Trung Quốc cùng người nhà đã lựa chọn tuyến đường này để đi.

Cũng theo ý kiến của bà Hà, các hành khách không muốn nhỡ tàu thì cố gắng đến mua vé trước một ngày. Đặc biệt trong năm nay, nếu các ga xa như Nha Trang, Diêu Trì, Tuy Hoà trước giờ tàu chạy 10 tiếng vẫn chưa có khách mua vé thì các ga gần của tuyến đó được quyền bán vé linh động cho khách (các năm trước chỉ được đợi trong 4 tiếng). Ngoài ra, trong năm nay, nếu hành khách nào chưa mua được vé, nhưng do nhu cầu đi lại cấp bách, gặp khó khăn thì sẽ được nhà ga tạo điều kiện cho mua thêm vé phụ ngoài 15% vé phụ đã bán.

Phương án ghế phụ vẫn đang được Ga Hà Nội triển khai bán để phục vụ hành khách. Tuy nhiên, để đáp ứng được hết nhu cầu đi lại tăng đột biến của người dân thì chắc chắn là không đủ. Do vậy, trong những ngày qua, nhiều người đã chấp nhận mua vé chợ đen và chuyển phương tiện là ôtô hoặc máy bay để kịp trả phép.

Tuy vậy, điều khiến nhiều hành khách thắc mắc là, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có sáng kiến bán vé theo CMND, nhưng tại sao vẫn có vé “chợ đen” bán cho hành khách? Và những người mua vé như anh Tú, bác Hà sẽ lên tàu thế nào trong khi vé chợ đen của họ có số CMND không khớp với số CMND trên vé?

H.G.
.
.
.