Dự án làng đại học Đà Nẵng: Mười năm vẫn nằm trên... giấy

Chủ Nhật, 03/09/2006, 14:24
Niềm hy vọng của mọi người trở thành thất vọng. Hơn hai thế hệ sinh viên ra trường, làng ĐHĐN vẫn chỉ dừng lại ở sơ đồ và mảnh đất 300ha vẫn nằm im chưa chuyển động.

Cách đây mười năm, Ban Giám đốc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã ngồi lại với nhau, trải qua nhiều cuộc họp và lập ra dự án "Quy hoạch chung Đại học Đà Nẵng" (thường gọi là làng ĐHĐN).

Ngày 9/12/1997 tại Quyết định số 1057/1997/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung ĐHĐN. Sau khi có quyết định của Thủ tướng, lãnh đạo ĐHĐN, lãnh đạo TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đi đến thống nhất dành 110ha đất trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn thuộc Đà Nẵng và 190ha đất của Điện Bàn, Quảng Nam để xây dựng làng ĐHĐN.

Theo tính toán của Ban Giám đốc ĐHĐN, làng ĐHĐN sẽ có các khu chức năng gồm: Khu các trường, các trung tâm nghiên cứu khoa học, khu ký túc xá học viên, khu thể thao, khu phục vụ công cộng và khu cây xanh. Khi được nghe, được xem sơ đồ thiết kế làng ĐHĐN, hàng ngàn sinh viên khấp khởi mừng thầm vì hy vọng sẽ có ký túc xá để ở thoát khỏi nỗi lo năm nào cũng chạy ngược chạy xuôi đi thuê phòng trọ, an ninh trật tự không đảm bảo. Đông đảo giáo viên vui mừng hy vọng có điều kiện nghiên cứu học thuật trong môi trường làm việc hiện đại...

Song đến nay, niềm hy vọng của mọi người trở thành thất vọng. Hơn hai thế hệ sinh viên ra trường, làng ĐHĐN vẫn chỉ dừng lại ở sơ đồ và mảnh đất 300ha vẫn nằm im chưa chuyển động. Trao đổi với phóng viên về nguyên nhân chậm trễ này, ông Phạm Định - Giám đốc dự án làng ĐHĐN cho rằng: Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình đề xuất với Chính phủ dãn tiến độ do khả năng vốn quá lớn, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề xuất ĐHĐN tập trung đầu tư các cơ sở hiện có chứ chưa xây dựng làng ĐHĐN.

Khi tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng dành 300ha đất để xây làng ĐHĐN, trên diện tích xây dựng làng ĐHĐN mới chỉ có hơn 800 hộ dân sinh sống cần giải tỏa thì hiện nay số hộ dân lên đến gần 1.500 hộ. Nguyên nhân do người dân biết đây là vùng đất quy hoạch xây dựng ĐHĐN nên chen lấn vào ở, đồng thời xây dựng, cơi nới nhà cửa để chờ ngày giải tỏa lấy tiền đền bù.

Để hạn chế tình trạng trên, Ban quản lý dự án làng ĐHĐN đã tiến hành cắm mốc cọc bê tông xung quanh khu vực đất dự án nhưng chỉ được một thời gian ngắn hệ thống cọc cắm mốc đều mất sạch. Để giữ đất, Bộ GD-ĐT yêu cầu ĐHĐN lập tiếp dự án làm đường bao 7km để bảo vệ đất làng ĐHĐN. Song đến nay, ĐHĐN cũng mới chỉ làm được 1,7km đường bao.

Để xây dựng làng ĐHĐN, lãnh đạo 2 địa phương là Đà Nẵng và Quảng Nam không chỉ dành 300ha đất để xây dựng mà Quảng Nam đã cấp 30ha, Đà Nẵng 50ha để đón những hộ dân khi bị giải tỏa về nơi ở mới. Nhưng gần 80ha đất chờ người dân đến ở khi xây dựng làng ĐHĐN vẫn nằm im mười năm qua, trong lúc hàng trăm hộ dân ở Đà Nẵng vẫn phải đi tìm chỗ định cư vì thành phố giải tỏa để làm đường và các công trình xây dựng.

Điều chúng tôi thực sự khó hiểu là trong lúc một dự án tổng thể như làng ĐHĐN với những mục tiêu, mục đích đã rõ ràng chưa được triển khai đầu tư thì hàng năm Bộ GD-ĐT, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, ĐHĐN vẫn lập các dự án nhỏ lẻ xin kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa chắp vá các cơ sở hiện có. Nói xây dựng làng ĐHĐN do vốn quá lớn, vậy tại sao các ngành liên quan và ĐHĐN không tiến hành xây dựng từng hạng mục mà lại tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hiện có?

Dương Sông Lam
.
.
.