Dự án "công viên hoa Tây Tựu" có nguy cơ phá sản?

Thứ Hai, 26/10/2009, 14:52
Được phê duyệt dự án từ năm 2004, đến thời điểm này, Dự án xây dựng khu trồng hoa tập trung Tây Tựu (huyện Từ Liêm) đã trải qua gần 5 năm "giậm chân tại chỗ". Hơn 100 tỷ đồng được TP Hà Nội đầu tư với mục đích biến làng hoa Tây Tựu thành một công viên hoa giữa lòng Thủ đô có nguy cơ trở thành "bất khả thi". Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng một công trình nằm trong loạt 38 công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đứng trước nguy cơ phá sản?

Công viên hoa lùi bước vì vướng GPMB

Dự án xây dựng khu trồng hoa hàng hóa tập trung Tây Tựu với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2004. Với kỳ vọng năm 2010, Thủ đô Hà Nội sẽ có một "công viên" hoa vừa hiện đại, vừa giữ được nét đẹp truyền thống của một làng hoa lâu đời, UBND TP Hà Nội đã quyết định giao cho UBND huyện Từ Liêm làm chủ đầu tư thực hiện.

Dự án nằm trọn vẹn trong địa giới xã Tây Tựu và một phần thuộc xã Liên Mạc với tổng diện tích 526ha, gồm nhiều tiểu dự án như: Quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống điện, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi, các dự án về khuyến nông như tổ chức tập huấn, hỗ trợ, triển khai các giống mới cho nông dân vùng hoa.

Rau vẫn được trồng trên diện tích của Dự án hoa mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đặc biệt, dự án dành ra 10ha để thực hiện phần quan trọng nhất, được coi là điểm nhấn để nâng tầm cho cả vùng hoa, biến Tây Tựu trở thành "Công viên hoa" giữa lòng thành phố, là tiểu dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và bảo quản hoa.

Tiểu dự án này do Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO) là chủ đầu tư. Tây Tựu là xã chiếm 66% diện tích trồng hoa của huyện Từ Liêm với hơn 500ha đất dành cho trồng hoa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Nguyệt, Tổng Giám đốc HADICO cho biết, phần tiểu dự án, điểm mấu chốt nhất của cả Dự án với diện tích hơn 10ha sẽ để sản xuất hơn 50 triệu cây hoa giống với công nghệ tiên tiến từ quy trình trồng đến thu hoạch và bảo quản. Bên cạnh đó, dự án còn thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ cho cả vùng hoa về cây giống, kỹ thuật, đào tạo nghề và xúc tiến tiêu thụ. Dự án hoàn thành sẽ góp phần cải thiện chất lượng và nâng cao giá trị cho hoa Tây Tựu phục vụ người tiêu dùng trong nước và từng bước vươn ra thị trường quốc tế...

Ngoài ra, dự án còn trồng hoa thương phẩm ngoài đồng với quy mô 3,5ha nhằm chuyển giao công nghệ và tập huấn kỹ thuật cho nông dân, đồng thời dành 5.000m2 cho sản xuất hoa chậu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đây là dự án duy nhất của ngành nông nghiệp Hà Nội được UBND thành phố lựa chọn để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Thế nhưng, đến thời điểm này, ngoài các tiểu dự án như nâng cấp đường điện, lắp đặt các trạm biến áp, cải tạo hệ thống thủy lợi đã cơ bản thực hiện xong. Nhưng, phần quan trọng nhất của dự án là tiểu dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và bảo quản hoa do HADICO làm chủ đầu tư hiện vẫn đang bị chậm tiến độ do khâu giải phóng mặt bằng (GPMB).

Ông Nguyệt cho biết, dù phương án đền bù, GPMB đã được hoàn tất nhưng mới chỉ có hơn 50% số hộ dân nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư... Xác nhận điều này, ông Lê Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã  Tây Tựu cho biết, 137 hộ nằm trong diện chi trả đợt 1 và đợt 2 nhưng mới chỉ có 46 hộ đến nhận tiền bàn giao mặt bằng, còn lại các hộ vẫn chưa nhận tiền đền bù, mặt bằng cũng chưa giao.

Theo giải thích của ông Việt thì một số bất cập đã nảy sinh từ Quyết định 18 ban hành năm 2008 của UBND TP quy định về đền bù đất nông nghiệp dự án xây dựng vùng hoa công nghệ cao dự kiến diện tích gần 10ha, nhưng qua quá trình đo đạc thực tế, diện tích được đẩy lên thành 11 ha. Quyết định 18 phần quy định, với những hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp ngoài số tiền đền bù, hỗ trợ theo quy định còn được thêm 80m2 đất dịch vụ, có thể nhận đất hoặc nhận tiền một lần.

"Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, có những hộ ít diện tích đất nông nghiệp nên mới thu hồi chưa đến 1 sào Bắc bộ (360m2) đã quá 30%, nếu họ nhận tiền một lần thì tổng số tiền lên tới hơn 700.000 triệu đồng. Trong khi, có những hộ nhiều đất nông nghiệp, bị thu đến 2 - 3 sào song vẫn chưa quá 30% diện tích, họ lại chỉ thu về số tiền bằng 1/5 như vậy. Do đó, đã nảy sinh mâu thuẫn, hộ bị thu hồi ít lại nhận được tiền đền bù nhiều, hộ bị thu hồi nhiều lại nhận được ít hơn", ông Việt phân tích.

Trì hoãn bàn giao đất đợi mức bồi thường mới

Để giải quyết vướng mắc trong việc triển khai Dự án, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng đã có cuộc họp với UBND huyện Từ Liêm và chủ đầu tư. Trong cuộc họp này, UBND TP giao cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư & PTNT Hà Nội bố trí kinh phí GPMB và lập hồ sơ dự toán định mức đầu tư trình cấp có thẩm quyền.

Huyện Từ Liêm phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống đường giao thông trong khu vực dự án, rà soát lại hiện trạng vùng hoa Tây Tựu trước tháng 3/2009 để có hướng đầu tư tổng thể, tiến tới khu vực này sẽ trở thành công viên hoa lớn nhất của Thủ đô.

Nhưng đến nay, theo ông Việt, UBND xã Tây Tựu và các đoàn thể đã tuyên truyền giải thích, vận động đến các hộ gia đình nhưng hầu như không có kết quả. UBND xã Tây Tựu đang tính đến phương án cố gắng vận động nhân dân nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng trong tháng 10 này.

Nếu vẫn không nhận được sự đồng thuận của người dân, UBND xã Tây Tựu sẽ trình lên UBND huyện Từ Liêm để có hướng giải quyết

Ngọc Yến
.
.
.