Dự án cải tạo, nâng cấp QL32 đoạn Nhổn - Sơn Tây: 3 năm vẫn... chưa xong

Thứ Sáu, 22/08/2008, 15:59
Được khởi công từ năm 2005, nhưng đến nay, đã gần 3 năm Dự án cải tạo, nâng cấp QL32 đoạn Nhổn - Sơn Tây vẫn chưa thể hoàn thành. Trong khi nhà thầu và chính quyền địa phương vẫn đang đổ lỗi cho nhau thì người dân ngày ngày vẫn phải chứng kiến những tai nạn giao thông do "ổ trâu", "ổ voi" trên đường gây ra.

3 năm chưa GPMB xong

Dự án cải tạo, nâng cấp QL32 km14 - km41 dài 27km đoạn Nhổn - Sơn Tây được Bộ GTVT phê duyệt từ năm 2003, lấy nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ và giao cho Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư.

Tháng 12/2005, Dự án chính thức được khởi công và dự định tháng 12/2006 sẽ hoàn thành. Do nhiều lý do, đặc biệt là chậm GPMB, Dự án tiếp tục được gia hạn đến 30/6/2008.

Nhưng đến nay, vẫn còn rất nhiều đoạn thi công dang dở, thậm chí, có những đoạn đã được thi công xong nhưng vẫn rào cấm xe vì chưa có hành lang an toàn. Phải đi qua các đoạn đường chưa được cải tạo hay thi công dở dang này là nỗi khổ của hàng nghìn người dân. Mặt đường lồi lõm những ổ "trâu", ổ "voi".

Thậm chí, mỗi khi trời mưa, mặt đường có đoạn trở thành ao, hàng tuần liền nước không rút. Mỗi khi có ôtô chạy qua "ao", người đi xe đạp, xe máy phải hứng chịu nước bẩn tóe theo bánh xe, văng vào người. Nhưng khổ nhất là những người dân sống hai bên đường.

Đoạn chạy qua Nhổn, cả mặt đường hầu như bị băm vằm, không còn đoạn nào nguyên vẹn. Cách vài chục mét lại có chỗ bị đào bới, thi công dở dang. Người dân muốn đi từ đường vào nhà phải bắc cầu.

Theo báo cáo của Sở GTVT, Dự án này đi qua 5 huyện thị, nằm trên địa bàn Hà Tây (cũ) và nay là Hà Nội mở rộng. Công tác GPMB của dự án thực hiện theo phương pháp vừa thi công vừa GPMB. Chính kiểu "cuốn chiếu" này đã dẫn đến tình trạng mặt bằng nhận để thi công rải rác không cùng một thời điểm.

Đoạn được thi công, đoạn lại bỏ dở. Huyện Thạch Thất đã bàn giao xong 2,1km mặt bằng trong năm 2005 và TP Sơn Tây bàn giao xong trong năm 2007. Còn lại vẫn trong tình trạng dùng dằng, chưa thể bàn giao mặt bằng để thi công. Thi công theo kiểu "xôi đỗ" trên đã khiến việc lắp đặt các hệ thống thoát nước không đồng bộ, làm úng ngập.

Cụ thể như đoạn km 19 + 900 (giáp ranh giữa Đan Phượng và Hoài Đức) đã lấp dòng chảy tiêu nước, gây ngập úng diện tích đất cấy lúa 2,1 ha khu Mị - thị trấn Phùng, đã hơn 2 năm qua không sản xuất được.

Hiện UBND huyện Đan Phượng đang đề nghị chủ đầu tư (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội được Bộ Giao thông Vận tải ủy thác làm chủ đầu tư) bổ sung ngay thiết kế khôi phục lại mương thoát nước cũ (km 19 + 900, phía bên trái đường từ Sơn Tây về Hà Nội), đồng thời hỗ trợ kinh phí thiệt hại do ngừng sản xuất cho diện tích cấy lúa trên trong 2 năm là 230 triệu đồng…

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT, các vướng mắc về giải phóng mặt bằng chủ yếu còn ở huyện Hoài Đức và Phúc Thọ, chủ yếu là những mâu thuẫn về đất thổ cư và đất tranh chấp của 81 hộ dân.

Hiện nay, trên tổng số tuyến dài 27km, công tác thi công đã đạt gần 70% giá trị và 75% khối lượng của dự án. Ông Hùng cũng thừa nhận, việc thi công của Dự án gặp rất nhiều khó khăn nên tiến độ thi công rất chậm, đặc biệt, các đọan đã thi công đủ điều kiện thảm mặt đường dài 5,2km từ đầu năm 2008, nhưng nhà thầu không thể thực hiện được.

"Mạnh tay" với những nhà thầu không đảm bảo tiến độ

Ông Hùng giải thích việc chậm tiến độ là do các nhà thầu càng thi công càng lỗ. Toàn tuyến được chia thành 8 gói thầu. Giá dự thầu được lập từ năm 2004, nhưng đến thời điểm 2007 - 2008, giá cả, nhiên liệu tăng cao nằm ngoài khả năng kiểm soát của chủ đầu tư và nhà thầu.

Các nhà thầu hầu hết đều thiếu vốn thi công, khi vay lãi ngân hàng tăng cao, đồng thời các ngân hàng thắt chặt tín dụng, dẫn đến nhà thầu vay vốn rất khó khăn, một số ngân hàng giảm hạn mức vay và thu nợ sớm của nhà thầu. Sở GTVT Hà Nội đã đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 560,649 tỷ đồng lên 635,322 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chưa nói đến những đoạn chưa giải phóng được mặt bằng, ngay cả các km đã được bàn giao mặt bằng cách đây một năm cũng vẫn chưa hoàn thành.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, mặt bằng để thi công trên địa bàn huyện đã bàn giao hoàn toàn cho đơn vị thi công. Nhưng hiện nay, khu vực thi công cống qua mương Đan Hoài km20+864 gây lở đường. Các đoạn thi công khác của Dự án QL 32 đoạn qua thị trấn Phùng để lồi lõm gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân.

"Chúng tôi đề nghị đơn vị thi công triển khai nhanh, nhất là hệ thống thoát nước khu vực km20+864 - km 21+700 để không còn cảnh ngập úng ở xã Đan Phương và thị trấn Phùng khi có mưa", ông Hoàng kiến nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi mới đây đã chỉ đạo Sở GTVT phải duy tu, san lấp hết các ổ trâu, ổ voi trên tuyến đường QL 32, đoạn Cầu Diễn - Nhổn, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông trước ngày 2/9.

Trước những khó khăn của chủ đầu tư và đơn vị thi công, ông Khôi cho biết, TP sẽ tạo mọi điều kiện để thi công không bị đứt quãng. Chủ  đầu tư và đơn vị thi công sẽ được ứng thanh toán 90% khối lượng thực hiện như đối với các dự án trọng điểm của TP Hà Nội (cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Sở).

Nhưng, nếu đã được tạo mọi điều kiện mà các nhà thầu vẫn chậm tiến độ thì TP sẽ yêu cầu Sở GTVT dừng và thay thế bằng một nhà thầu khác. Theo yêu cầu của lãnh đạo UBND TP, các đơn vị thi công phải cam kết tiếp tục triển khai thi công và hoàn thành Dự án vào ngày 31/12 năm nay

Ngọc Yến
.
.
.