Dự án bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ: Cần được xem xét kỹ lưỡng

Thứ Ba, 07/06/2005, 08:29

Ngày 1/6, Phó Giám đốc Dự án hỗ trợ mạng lưới bảo tồn biển Việt Nam cùng với cố vấn cao cấp đã có chuyến khảo sát môi trường sinh thái biển xung quanh đảo Cồn Cỏ. Những người làm dự án đề nghị tỉnh Quảng Trị thực hiện một dự án bảo tồn biển.

Đảo Cồn Cỏ nằm trong vịnh Bắc Bộ, cách đất liền 20km với diện tích 2,2km2. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Cồn Cỏ đã trở thành hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, là tiền đồn của miền Bắc XHCN. Với chủ trương "dân sự hoá" đảo Cồn Cỏ, từ năm 2002, 43 thanh niên thuộc 2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh đã tình nguyện ra đảo làm ăn sinh sống, hình thành nên làng thanh niên xung phong trên đảo.

Tháng 10/2004, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, đơn vị hành chính thứ 10 của tỉnh Quảng Trị. Cồn Cỏ được đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng quan trọng như giao thông, âu tàu, cảng cá... đặt dấu ấn ban đầu cho sự phát triển kinh tế trên đảo Cồn Cỏ.

Ông Lê Quang Lanh, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết, Cồn Cỏ có bề dày lịch sử về chiến tranh cách mạng, được Nhà nước 2 lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND, 3 lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi gương sáng các cán bộ, chiến sĩ ngày đêm chiến đấu anh dũng giữ đảo... Cùng với niềm vinh dự trên, Cồn Cỏ đang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Về tài nguyên rừng, Cồn Cỏ có diện tích 150 ha.

Về tài nguyên biển, quanh đảo có nhiều sinh vật cảnh quý hiếm chưa bị khai thác. Ngoài ra, với lợi thế nằm gần trục đường xuyên Á nên có thể phát triển nơi đây thành một điểm đến du lịch hấp dẫn... Hiện tại, huyện đang đầu tư 25 tỉ đồng xây dựng bờ kè chắn sóng và thời gian tới sẽ đầu tư xây dựng Nhà văn hoá thể thao và một số cơ sở hạ tầng quan trọng khác...

Ông Lê Quang Lanh, Chủ tịch UBND huyện đảo cho biết, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quy hoạch tổng thể về phát triển huyện đảo theo hướng: Du lịch, dịch vụ, thuỷ sản và nông-lâm-ngư nghiệp. Tuy nhiên, theo đề nghị của những người làm dự án hỗ trợ mạng lưới bảo tồn biển Việt Nam thì cũng nên ưu tiên cho họ vì điều này cần thiết cho việc phát triển du lịch biển đảo bền vững(!).

Chiều 2/6, tại cuộc họp báo cáo kết quả thăm dò, khảo sát môi trường sinh thái biển quanh đảo Cồn Cỏ với một số ban, ngành chức năng liên quan của tỉnh Quảng Trị, ông Lanh đồng quan điểm với bà Nguyễn Giang Thu,  Phó Giám đốc dự án và ông Donald J. Macintosh, cố vấn cao cấp (người của dự án). Quan điểm của ông Lanh thể hiện thông qua các chứng cứ hình ảnh mà vị cố vấn này "thu được" từ đáy biển, cách bờ đảo Cồn Cỏ khoảng 500m, tại 2 điểm Hà Nam và Bến Nghè. Đó là hình ảnh của các vật thể san hô khối và các loài sao biển, nhím biển, cá cơm...

Chủ trương của Chính phủ cho xây dựng Cồn Cỏ thành đảo dân sự cũng không ngoài mục đích giữ gìn an ninh biên giới biển. Nếu chính quyền chấp nhận xây dựng một dự án (nước ngoài đầu tư) ở đây, dù với lý do nào cũng phải xem xét một cách kỹ lưỡng. Không nên để Cồn Cỏ trở nên khó tháo gỡ như "Vọng Cảnh" ở tỉnh Thừa Thiên - Huế

Phan Thanh Bình
.
.
.