"Đột nhập" phòng khám Nam khoa

Thứ Sáu, 18/07/2008, 14:49
Khoác chiếc áo blu trắng để bệnh nhân đến khám đỡ ngại hơn, nhưng chính tôi lại là người ngại ngùng, lúng túng khi lần đầu tiên tận mắt thấy một anh chàng tụt quần cho bác sĩ "thăm hỏi" phần kín đáo nhất ấy...
>> Trăm thứ lạ trong phổi bệnh nhân

Đi khám vì vợ... hậm hực

Chúng tôi gặp bác sĩ Trịnh Hồng Sơn, phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, một trong số ít các bệnh viện có phòng khám chuyên về Nam học. Bác sĩ Sơn cho biết: Những chuyện kỳ khôi xảy ra hàng ngày tại bệnh viện Việt Đức. Tuy nhiên, để giải thích cặn kẽ từng trường hợp: nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán, điều trị... một cách cặn kẽ cho các bạn có thể hiểu, mất rất nhiều thời gian. Tốt nhất nhà báo bám sát "hiện trường"! Bác sĩ Sơn cười tươi và rảo bước theo lịch trình công việc dày kín.

Phòng 51, tầng 2 khoa Khám bệnh (BV Việt Đức) là nơi khám tất cả các bệnh liên quan đến cơ quan sinh dục nam. Vào giờ hành chính, trước cửa phòng Nam khoa lúc nào cũng có vài chục bệnh nhân ngồi đợi.

Căn phòng chỉ rộng chừng 20m2, lại được ngăn làm đôi bằng nhôm kính. Gian trong rộng hơn là gồm một giường bệnh, bàn ghế và tủ. Gian ngoài sát cửa đi vào kê vừa đủ một chiếc bàn, một chiếc tủ và ba chiếc ghế là nơi bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc đang khám bệnh. Tôi được bác sĩ Bắc cho mặc một chiếc áo blu trắng, giống như một người phụ tá giúp việc hoặc sinh viên thực tập để trong khi ông khám, bệnh nhân bớt ngại.

Rất nhiều người đàn ông tìm đến các phòng khám nam khoa với đủ nguyên do khác nhau.

Với khoảng cách quá gần, tôi không khỏi có chút lúng túng khi bệnh nhân vừa vào được một hai phút đã thản nhiên kéo quần cho bác sĩ Bắc khám. Thông thường, các bệnh nhân đến đây do yếu sinh lý, bị đau tức tinh hoàn hoặc trục trặc khó nói cần được tư vấn.

Anh Nguyễn Tuấn (34 tuổi ở Hà Nội) làm nghề lái xe tâm sự: Tôi thường xuyên lâm vào cảnh "chưa đi đến chợ đã hết tiền". Khi "lâm trận" cùng lắm chỉ được 2 - 3 phút là nhiều". Trước đây, tôi có sử dụng ma túy nên sau khi cai thấy sức khỏe tình dục giảm sút. Tôi đã đi khám và uống thuốc 2 lần nhưng không ăn thua.

Cùng hoàn cảnh trên, anh Nguyễn Thắng đã lập gia đình được 5 năm, năm đầu sinh hoạt bình thường nhưng sau đó thì yếu hẳn. Anh Thắng buồn bã: "Bà xã hậm hực và không bằng lòng lắm nên khuyên tôi đi khám, sau nhiều lần đấu tranh tư tường mới mạnh dạn đến đây!"

Một năm không "động thủ"

Đặc biệt, anh Nguyễn Văn Khải làm nghề kinh doanh, vợ là kế toán kể: Đêm tân hôn, hai vợ chồng lăn ra ngủ. Ngày thứ hai, chúng tôi có làm "chuyện ấy". Nhưng, hình như "của tôi" không vô được. Những ngày sau cũng chỉ như vậy.

Một lần, khoảng 3 tháng sau ngày cưới, tôi có làm "mạnh dạn" hơn thì vợ tôi bị xuất huyết nhiều. Hai vợ chồng đều hoảng hốt. Từ đó đến nay, chúng tôi gần như không quan hệ được, cứ mỗi lần "chuẩn bị" là vợ của tôi co rúm lại. Tính đến thời điểm hiện tại, đã là một năm. Tôi và vợ cùng nghĩ là cả hai đều bị tâm lý, phần vì bận và nghĩ rằng có thể điều chỉnh nhưng tình trạng vẫn không thể khá hơn được.

Rút đôi găng tay mới trong chiếc hộp giấy trên bàn, bác sĩ Bắc đề nghị: "Anh cởi quần xuống!". Vừa mới thò tay kiểm tra, bác sĩ nói như quát: "Anh đứng thẳng lên để tôi tư vấn cho anh. Thứ nhất, ngày nào anh cũng phải làm như thế này và rửa ít nhất 2 lần/ ngày. Phụ nữ rất nhạy cảm, họ chỉ cần thấy anh mất vệ sinh như vậy là đã không còn cảm hứng và tự khắc có phản xạ kháng cự. Tinh hoàn của anh rất tốt! Tôi sẽ cho anh làm thêm một số xét nghiệm, sau đó kê thuốc và lần khám sau anh mang cả vợ đến để được tư vấn cụ thể hơn".

Đến phòng khám không chỉ có thanh niên, câu chuyện của ông Phạm Văn Dũng, 57 tuổi, cũng khá thú vị. Vẫn phong độ và tự tin, ông Dũng khẳng định với bác sĩ: "Tôi không hề giảm ham muốn! Nhưng sức khỏe 1 năm gần đây hơi yếu, một "tý" đã "sửu" rồi! Khi nào hai vợ chồng hứng là phải làm nhanh nhanh không thì "nó" lại ngất mất!".

Điều trị những căn bệnh rối loạn chức năng sinh dục khá phức tạp, bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc đánh giá: "Bệnh tối loạn cương dương, xuất tinh sớm thực ra về bản chất là một. Để điều trị căn bệnh này cần phối hợp giữa điều trị về sức khỏe và tinh thần. Một yếu tố quan trọng là cần phải có bạn tình để theo dõi việc điều trị được ổn định. Nên hầu hết, những bệnh nhân tới đây đều có chút rắc rối về tinh thần!".

Bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc khẳng định: "Hiện tại, giáo dục giới tính ở nước mình còn kém nên những kiến thức cơ bản về giới hầu như thanh thiếu niên không nắm được. Độ tuổi đến khám chữa bệnh từ 18 - 22 khá nhiều, các em cứ hơi đau là lo sợ, nhiều khi đi khám ngoài họ cho uống kháng sinh nhiều, tốn tiền nhưng cũng không hết được bệnh! Nhưng cũng có những hoàn cảnh do thiếu hiểu biết, thiếu tư vấn kịp thời dẫn đến việc phát hiện bệnh thì gần như quá muộn để điều trị...

Theo Ngọc Thành (Khoa học và Đời sống)
.
.
.