Đóng góp ý kiến vào dự thảo chiến lược phát triển nhà ở

Thứ Bảy, 05/03/2011, 14:05
Sáng 4/3 tại TP HCM, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Hiệp hội BĐS thành phố tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" do Bộ Xây dựng soạn thảo chuẩn bị trình Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố Lê Hoàng Châu và đông đảo đại diện các cơ quan,Ban, ngành, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS đã tới tham dự, lắng nghe và đóng góp ý kiến cho hội thảo.

Trình bày về chiến lược phát triển nhà những năm tới, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Nguyễn Mạnh Hà đã điểm lại những thành tựu phát triển nhà ở cả nước đạt được sau 10 năm xóa bỏ hoàn toàn bao cấp về nhà ở.

Một tòa nhà cao tầng xây dựng trên nền chung cư cũ tại TP HCM.

Theo ông Hà nếu cứ phát triển các dự án nhà trệt, nhà thấp tầng như thời gian qua, ngoài việc khiến quỹ đất ở thu hẹp, hạ tầng đường xá sẽ không thể phát triển theo kịp, vì vậy giai đoạn tới cần tập trung phát triển quỹ nhà ở cao tầng. Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành phát biểu, nhận định thiếu chính xác và cứ mãi chạy theo thị hiếu của người giàu mà quên đi nhu cầu của số đông người dân thu nhập thấp, hiện nhiều nhà đầu tư trên địa bàn thành phố còn ế cả chục ngàn căn hộ có diện tích trên 100m2. Theo ông Đực, chủ đầu tư những căn hộ có diện tích lớn này cần đề nghị thành phố cho phép "cắt" làm 2 để bán cho những người có nhu cầu thực sự về nhà ở.

Dành gần hết cả buổi chăm chú lắng nghe các ý kiến của các đại diện doanh nghiệp, hiệp hội… phát biểu kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời ông Nam cũng nhấn mạnh tới những giải pháp đồng bộ sẽ tiếp tục được triển khai thời gian tới như Nhà nước trực tiếp tham gia, đóng vai trò định hướng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, điều tiết thị trường; rút ngắn thời gian thực hiện các dự án nhà ở; điều chỉnh cách tính giá đất và thu tiền sử dụng đất… nhằm thu hút hơn nữa nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển nhà ở và thị trường BĐS, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, việc hoàn thiện khung pháp lý về định chế tài chính, ngân hàng nhằm tăng khả năng thanh toán của nguồn cầu, tạo đầu ra cho nguồn cung cũng là một giải pháp kích thích thị trường nhà ở phát triển

Đức Thắng
.
.
.