Đồng bằng sông Cửu Long đón hơn 10 triệu du khách

Thứ Ba, 12/07/2011, 17:47

Theo Tổng cục Du lịch từ đầu năm đến nay, ĐBSCL đã đón hơn 10 triệu lượt du khách, tăng 720.000 lượt người so với cùng kỳ năm 2010, trong đó hơn 700.000 ngàn lượt khách quốc tế, tăng hơn 100.000 lượt.

Thu hút nhiều khách nhất là thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Doanh thu từ du lịch cả vùng đạt trên 1.700 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Đạt được kết quả này nhờ các tỉnh trong vùng liên kết, thực hiện một loạt biện pháp như phối hợp đào tạo nhân lực; hình thành trung tâm xúc tiến du lịch quảng bá du lịch thống nhất cho toàn vùng; xây dựng trang web nối mạng internet nhằm mở rộng thông tin liên quan đến du lịch; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ; đầu tư thêm hàng trăm tỉ đồng, hàng chục triệu USD xây dựng mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch; khuyến khích được nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch.

Riêng ngành du lịch 4 tỉnh, thành là An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và TP Cần Thơ còn thực hiện Chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2015, định hướng phát triển đến 2020 tại vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

Bốn tỉnh, thành này đã liên kết xây dựng mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch; khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Bốn tỉnh quy hoạch tổng thể và chi tiết phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm theo phương thức mỗi địa phương tập trung vào một mảng với những sản phẩm đặc trưng, không trùng lắp nhằm tạo sự hấp dẫn nhiều hơn đối với du khách. Bốn tỉnh, thành phối hợp đào tạo nhân lực; hình thành trung tâm xúc tiến du lịch quảng bá du lịch chung.

Đặc biệt, tỉnh Kiên Giang xây dựng và phát triển đảo Phú Quốc trở thành thành phố du lịch biển đảo, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế. Theo quy hoạch, Phú Quốc được bổ sung các tổ hợp dịch vụ du lịch giải trí cao cấp, các khách sạn 5-7 sao, casino, trung tâm mua sắm, trung tâm hội nghị, triển lãm, trung tâm đào tạo chuyên đề, nghiên cứu khoa học công nghệ tầm cỡ quốc gia và quốc tế và các khu phi thuế quan của cảng hàng không và cảng biển, các làng nghề, trung tâm sản xuẩt nông nghiệp công nghệ cao phục vụ phát triển du lịch.

TP Cần Thơ hiện là một trong những địa phương dẫn đầu các tỉnh ĐBSCL về doanh thu du lịch sông nước miệt vườn. Thời gian qua, Cần Thơ đã tăng cường xúc tiến du lịch, đa dạng hóa các loại hình sinh thái, sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa, du lịch kết hợp hội nghị…, đáp ứng tốt nhu cầu của khách tăng nhanh. Cần Thơ đẩy mạnh việc khai thác vị trí trung tâm trung chuyển của địa phương đến các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh, thành khác trong nước; mở thêm các tua, tuyến du lịch sinh thái tại Cần Thơ và từ Cần Thơ đến các tỉnh khác trong và ngoài vùng ĐBSCL.

Cần Thơ còn hợp tác với tỉnh An Giang, Kiên Giang, hình thành “tam giác du lịch” mạnh nhất khu vực với các loại hình du lịch sông nước, biển đảo, núi. Cần Thơ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng trên 20 khu du lịch sinh thái vườn rộng gần 300 ha, trong đó có nhiều khu có tiện nghi đạt chuẩn quốc gia, quốc tế. Các yếu tố mỹ quan, văn minh, vệ sinh môi trường, an toàn trên các tuyến du lịch chợ nổi Cái Răng, Phong Điền và trên các tuyến du lịch cồn Khương, cồn Ấu, cồn Cái Khế được cải thiện.

Cần Thơ huy động nhiều thành phần kinh tế tham gia xây dựng 154 khách sạn, nhiều gấp 4 lần năm 2001 (trong đó có 31 khách sạn từ 1 - 4 sao) với gần 3.800 phòng, 5.854 giường, đáp ứng tốt nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách trong ngoài nước đến đây, đồng thời còn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng xây dựng các khu du lịch cồn trên sông Hậu

Thanh Tùng
.
.
.