Đồng bằng sông Cửu Long: Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng

Thứ Hai, 07/03/2005, 08:18
Tại rừng đặc dụng Vồ Dơi (thuộc rừng U Minh Hạ, Cà Mau), hiện có khoảng 500 ha đang ở mức báo cháy 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm, còn lại là cấp nguy hiểm. Cơn mưa đêm 4/3 chỉ làm tăng độ xì của phèn từ dưới lên, khiến cây cỏ chết nhiều hơn!

Tại tỉnh cù lao Bến Tre, Nhà máy Nước Sơn Đông công suất 17.000m3/ngày đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho trên 100.000 dân thị xã Bến Tre dù nằm cách biển 65km nhưng đang lo lắng vì mức độ xâm thực của nước biển. Trước thực tế này, ông Phạm Chí Vũ - Giám đốc Công ty Cấp thoát nước tỉnh này cho biết, tỉnh đang tập trung xây dựng để sớm đưa nhà máy nước ngầm công suất 10.000m3/ngày đêm ở xã Hữu Định (Châu Thành) vào hoạt động.

Tại An Giang, tình trạng nắng hạn gay gắt dẫn đến thiếu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân vẫn tiếp diễn tại hai huyện miền núi Tịnh Biên, Tri Tôn và một phần của thị xã biên giới Châu Đốc. Mực nước trong hai hồ chứa nước lớn nhất của tỉnh là Ô Tức Sa (núi Cấm, Tịnh Biên) và Soài So (núi Tô, Tri Tôn) hiện đã xuống dưới mực nước chết.

Hệ thống kênh, rạch nằm ở phía Nam kênh Vĩnh Tế thuộc vùng tứ giác Long Xuyên có nhiều đoạn đã trơ đáy, ghe xuồng không thể lưu thông được. Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang cho biết, mực nước đo được tại các trạm chính ở Tân Châu, Châu Đốc và huyện cù lao Chợ Mới những ngày đầu tháng 3 đã ngang bằng với mực nước cùng kỳ năm 1998 - năm có mực nước thấp nhất trong chục năm trở lại đây. Điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ hạn nặng sẽ đe dọa đến đời sống của người dân và gây ảnh hưởng đáng kể đến năng suất lúa hè thu và hoa màu.

Để khắc phục tình trạng này, ngày 2/3, tại xã An Hảo, địa phương đã khởi công xây dựng hồ chứa nước Thủy Liêm trên diện tích 10 ha, dung lượng trên 60.000m3 (và đảm bảo mực nước thấp nhất trong mùa khô hạn còn trên 10.000m3), nhằm đáp ứng cho nhu cầu dân sinh của trên 1.000 hộ dân của 4 ấp đỉnh núi Cấm.

Tại ấp Phương Hòa, xã Phương Bình (Phụng Hiệp, Hậu Giang), nước dưới sông, rạch đã bị nhiễm phèn nặng.

Theo ông Trần Văn Đợi - Phó Chủ tịch UBND xã, toàn xã hiện có trên 3.000 hộ, với 16.000 nhân khẩu nhưng chỉ mới có 4 trạm cấp nước nhỏ. Qua khảo sát, có 98% số cây nước bơm tay bị nhiễm phèn, không thể sử dụng được. Hy vọng chỉ còn trông chờ vào nguồn nước mặt, tất nhiên, chi phí phải chấp nhận cao hơn.

Tại xã biên giới Mỹ Đức (thị xã Hà Tiên, Kiên Giang) đang được xem là điểm nóng về tình trạng thiếu nước ngọt. Phó Chủ tịch UBND xã - ông Trần Trung Bình cho biết, 2 hồ nước tại trụ sở xã (có sức chứa khoảng 500m3/hồ) đã cạn trơ đáy từ 20 ngày qua. 4 hồ nước tương tự tại các ấp Xà Xía, Bà Lý, Mỹ Lộ và Thạch Động cũng trong tình trạng này.

Chưa vào cao điểm của khô hạn nhưng hiện có hơn 5.000 hộ dân (trên tổng số là 8.000 hộ) của xã  đều phải đổi nước ngọt để sinh hoạt (trung bình mỗi hộ tốn 4.000 - 15.000 đồng/ngày tiền mua nước).

Tại xã đảo An Sơn, thuộc quần đảo Nam Du, tình trạng thiếu nước ngọt đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Vào đầu mùa khô, giá nước ngọt chỉ 8.000 đồng/m3, nay đã tăng lên 110.000 đồng/m3. Đã có một số người dân bị bệnh đường tiêu hóa, phải vào đất liền chữa trị do sử dụng nước chưa qua xử lý.

Ngày 2/3 vừa qua, tại cuộc họp thường kỳ về các vấn đề kinh tế - xã hội của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Văn Hà Phong đã yêu cầu Sở NN&PTNT tiến hành phối hợp với ngành chức năng đề ra biện pháp cứu khát cho 8.000 dân hiện đang sống trên đảo này

T. Bình (tổng hợp)
.
.
.