Đồng Nai: Lãng phí đất công còn kéo dài đến bao giờ?

Chủ Nhật, 01/11/2009, 11:11
Theo báo cáo kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất công năm 2009 của Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) Đồng Nai, nhiều đơn vị, doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Nai đã đem đất công cho cá nhân, doanh nghiệp khác thuê làm nơi sản xuất, kinh doanh hoặc không sử dụng hết (bỏ hoang hóa) một diện tích khá lớn nằm trong khuôn viên được giao quản lý...

Trong 40 doanh nghiệp được kiểm tra, thì Nhà máy Đóng tàu 76 ở xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch cho thuê đất công nhiều nhất. Nhà máy Đóng tàu 76 được giao hơn 246.000m2 đất ở bờ sông Lòng Tàu (xã Phước Khánh) để xây dựng nhà máy đóng tàu. Nhưng vào thời điểm kiểm tra, Nhà máy này chỉ sử dụng 46.000m2, diện tích còn lại (200.000m2) đem cho thuê hết. Điều đáng nói là trên diện tích cho thuê này, phía thuê đất đã cho xây dựng một công trình kiên cố.

Những đơn vị khác, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa được giao quản lý sử dụng hơn 12.000m2 đất trên đường Nguyễn Ái Quốc (giáp vòng xoay ngã tư Tân Phong).

Địa điểm trên được coi là "khu đất vàng" ở TP Biên Hòa và doanh nghiệp này "đã tận dụng lợi thế" cho một doanh nghiệp thuê hơn 700m2 mặt đường Nguyễn Ái Quốc làm nơi kinh doanh xe gắn máy.

Còn Công ty cổ phần Xây dựng dân dụng công nghiệp số 1 được giao quản lý hơn 22.000m2 đất nằm trên đường Đồng Khởi ở phường Tân Tiến (TP Biên Hòa). Song trụ sở làm việc của doanh nghiệp "được bố trí" sâu vào phía bên trong, còn phần mặt tiền cho một tư nhân thuê mở một nhà xưởng to lớn để sản xuất kinh doanh nhôm kính gia dụng.

Công ty cổ phần Công trình giao thông vận tải Đồng Nai ở phường Trảng Dài (TP Biên Hòa) cho tư nhân thuê hơn 4.500m2 để làm nhà trẻ, mở quán ăn, quán giải khát; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Đồng Nai cho một doanh nghiệp thuê trên 1.400m2 đất để làm nhà xưởng cơ khí...

Ngoài những doanh nghiệp, đơn vị "năng động đem đất công cho thuê để có thêm thu nhập"; qua kiểm tra, Sở TN&MT Đồng Nai phát hiện khá nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn để hoang hóa một diện tích tích đất khá lớn. Đứng "đầu sổ" trong việc lãng phí đất công này là Công ty TNHH Bá Lộc đóng tại xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) với 151.000m2 đất cây cỏ hoang dại mọc um tùm.

Tiếp đó là một cơ sở của Công ty TNHH một thành viên xây dựng cấp nước Đồng Nai ở xã Hóa An (TP Biên Hòa) đã để 7.000m2 đất trống từ nhiều năm nay. Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Đồng Nai bỏ hoang trên 1.500m2 đất tại xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất). Riêng Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai không chỉ cho thuê 700m2 đất trên đường Nguyễn Ái Quốc (TP Biên Hòa), mà còn để hoang hóa hơn 6.000m2 đất khác...

Được biết, năm 2008, các cơ quan chức năng ở tỉnh Đồng Nai đã rà soát, kiểm kê quỹ đất công ở tất cả các tổ chức chính trị - xã hội, kinh tế. Từ việc kiểm tra này, phát hiện 33 đơn vị, tổ chức sử dụng đất sai mục đích trên 37ha; 33 tổ chức cho thuê trái phép hơn 10 ha và 28 đơn vị cho mượn hơn 79ha.

Trong đó, có 14 UBND cấp xã "do có quá nhiều đất công" đã cho các đơn vị khác mượn hơn 41ha; 5 UBND xã cho thuê đất trái phép... Chưa kể hơn 2.255ha đất giao cho các nông trường, lâm trường (nhiều nhất ở huyện Trảng Bom) đã bị lấn chiếm do các đơn vị này buông lỏng công tác quản lý và chỉ sử dụng một diện tích rất nhỏ, còn lại không sử dụng đến.

Như vậy, những đơn vị, doanh nghiệp đem đất công cho thuê trái phép hoặc bỏ hoang hóa nhiều năm đã được "chỉ tên", liệu lần này UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan chức năng có kiên quyết xử lý hay lại kiểm tra, báo cáo rồi để đó mà không có một biện pháp gì để giải quyết triệt để vấn đề này?

Thu Thảo
.
.
.