Đông Hà, Quảng Trị: Hiệu quả mô hình quản lý, giáo dục học sinh cảm hóa, chậm tiến

Thứ Bảy, 16/01/2010, 10:11
Thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 về "Quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội" giữa Công an và Hội Liên hiệp Phụ nữ, 3 năm qua, Ban Công tác nữ Công an tỉnh Quảng Trị, Công an TP Đông Hà nhận giúp đỡ nhiều học sinh hư chậm tiến của Trường THCS Phan Đình Phùng trở thành tiến bộ.

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 (2003-2008), Ban Công tác nữ Công an tỉnh đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen; Ban chỉ đạo thực hiện NQLT 01 tỉnh đánh giá là mô hình có hiệu quả cần nhân rộng trong toàn tỉnh.

Trường THCS Phan Đình Phùng nằm giáp ranh giữa 3 phường của TP Đông Hà là phường 5, phường Đông Lương và phường Đông Lễ, do sự tác động nhiều mặt của xã hội dẫn đến tình trạng một số học sinh thiếu ý thức học tập, tu dưỡng nên thường xuyên vi phạm các nội quy, quy định của nhà trường, gây rối, đánh đập nhau, thậm chí còn trộm cắp...

Để phòng ngừa tình trạng học sinh vi phạm pháp luật, giúp đỡ các em học sinh hư trở thành người tiến bộ, Ban Công tác nữ Công an tỉnh đã triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 trong toàn thể cán bộ hội viên, phối hợp chặt chẽ với BGH nhà trường, các thầy cô giáo chủ nhiệm, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng tổ chức cơ sở Hội để đảm nhận giúp đỡ, giáo dục các cháu.

Sau khi tiếp nhận, kèm cặp số học sinh hư, chậm tiến, các tổ chức cơ sở hội thuộc Công an tỉnh đã đưa ra các giải pháp cụ thể phù hợp với từng hoàn cảnh gia đình, đặc điểm tâm lý và mức độ vi phạm của từng cháu để giúp đỡ, động viên và tạo điều kiện cho các cháu nhận rõ được khuyết điểm, hành vi vi phạm.

Từ đó, tạo điều kiện cho các cháu từng bước khắc phục sửa chữa, không vướng vào những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, rèn luyện trở thành con ngoan, trò giỏi.

Trong quá trình giáo dục, cảm hoá, các hội viên được phân công nhiệm vụ thường xuyên gặp gỡ giáo viên chủ nhiệm của các cháu nắm chắc thời gian biểu, thường xuyên kiểm tra sách vở học tập của các cháu, diễn biến quá trình phấn đấu, rèn luyện của từng cháu; cán bộ hội viên cùng với Cảnh sát khu vực thường xuyên trao đổi với gia đình về phương pháp giáo dục các cháu, tránh những hành vi kiểu bạo lực; phối hợp với nhà trường quản lý và giúp đỡ các cháu, tạo mọi điều kiện để các cháu rèn luyện, phấn đấu với phương châm tình thương và trách nhiệm.

Từ sự chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các hội viên với gia đình, nhà trường và CSKV đã sớm phát hiện những biểu hiện lệch lạc, ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật của các cháu.

Riêng những trường hợp nhiều lần tái phạm như trộm cắp, đánh đập xâu ẩu, gây mất trật tự công cộng, các hội viên đã tích cực cùng với Công an các phường, Ban Giám hiệu nhà trường có biện pháp vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo để giáo dục, cảm hóa... giúp các em nhận thức được những lỗi lầm và có hướng phấn đấu tích cực.

Thông qua quá trình cảm hóa giáo dục các cháu, các tổ chức cơ sở hội đã tổ chức các hình thức tuyên truyền Luật ATGT đường bộ, Luật Phòng chống ma tuý, nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong học sinh.Sự nỗ lực của Ban Công tác nữ Công an tỉnh và các lực lượng chức năng trong thời gian qua, đã giúp 18 học sinh hư, chậm tiến tiến bộ.

Đồng thời, sự phối hợp này đã góp phần giúp cho các em hiểu được phần nào tác hại của các loại tai, tệ nạn đang có nguy cơ ảnh hưởng đến các em như: tệ nạn ma tuý, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng... từ đó sẽ giúp các em có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu cho bản thân, góp phần ổn định an ninh trật tự địa bàn

Hồng Nhung
.
.
.